Nhiều nước châu Âu đang gấp rút lên kế hoạch ứng phó với các thách thức nhân đạo từ Afghanistan cũng như xử lý làn sóng người tị nạn nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Trong ngày 14/8, chính phủ hàng loạt nước châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha và Anh đã ra các thông báo sơ tán khẩn cấp nhân viên ngoại giao các nước này tại Afghanistan cũng như các nhân viên người Afghanistan làm việc cho các Đại sứ quán hay các cơ quan, tổ chức của châu Âu tại Afghanistan.

1 Phan Ung Cua Chau Au Truoc Cac Dien Bien Moi Tai Afghanistan

Quân đội quốc gia Afghanistan tham gia tập trận tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Kabul ở Kabul, Afghanistan ngày 17/10/2017. Ảnh: Reuters

Đối với các nước châu Âu, trong khi chờ đợi các thay đổi cụ thể về lực lượng cầm quyền tại Afghanistan, ưu tiên hàng đầu hiện nay là công tác nhân đạo. Phủ Tổng thống Pháp sáng 15/8 cho biết, các nhà ngoại giao nước này sẽ tiếp tục ở lại Kabul và tiếp tục cấp visa cho những công dân Afghanistan đủ tiêu chuẩn tị nạn chính trị. Ngoài Pháp, chỉ có một vài nước châu Âu khác như Đức là vẫn duy trì số nhân viên ngoại giao tối thiểu tại Kabul nhằm hỗ trợ công tác sơ tán. Từ tháng 5/2021, Pháp cho biết đã di tản và tái định cư tại Pháp cho 625 nhân viên người Afghanistan làm việc cho Pháp. Tin từ Đức cho biết, quân đội Đức đã điều nhiều máy bay Airbus A400M đến Afghanistan và sẽ bắt đầu sơ tán công dân Đức tại Afghanistan cũng như một số nhân viên người Afghanistan từ ngày mai (16/8).

Cùng lúc đó, từ nhiều ngày qua, hàng loạt nước châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan… đã quyết định ngưng tất cả các vụ trục xuất người tị nạn Afghanistan bất hợp pháp khỏi lãnh thổ các nước này.

Các nước châu Âu hiện đang đặc biệt lo ngại tình hình bất ổn tại Afghanistan sẽ kích hoạt một làn sóng tị nạn mới đổ về châu Âu, giống như cuộc khủng hoảng tị nạn từ Syria các năm 2015 - 2016. Trong tuần qua, lực lượng kiểm soát biên giới của EU là Frontex cũng đã tiến hành diễn tập và triển khai một loạt công nghệ mới nhằm kiểm soát biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vùng biển Đông Địa Trung Hải.

Trong lúc đó, chính phủ một số nước châu Âu đang kêu gọi tiến hành các cuộc họp khẩn để bàn về khủng hoảng tại Afghanistan.

Tại Anh, trưa ngày 15/8 theo giờ địa phương, lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh là ông Keir Starmer đã kêu gọi Thủ tướng Anh triệu tập khẩn cấp các nghị sĩ Anh đang trong kỳ nghỉ để tiến hành phiên họp khẩn tại Nghị viện. Nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Thủ tướng Boris Johnson sẽ triệu hồi các nghị sĩ Anh đang nghỉ Hè ngay trong tuần này để bàn về cuộc khủng hoảng tại Afghanistan.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh, ông Tom Tugendhat thì phát biểu trên đài BBC rằng: “Afghanistan là thảm họa về chính sách lớn nhất đối với Vương quốc Anh kể từ sau sự kiện Kênh đào Suez năm 1956". Ông Tugendhat cũng thúc giục chính phủ Anh hành động khẩn cấp để di tản những công dân Afghanistan làm việc cho các cơ quan của Anh do lo ngại những người này có thể bị Taliban trả thù.

Trong sáng 15/8, Bộ Nội vụ Anh phát đi thông tin cho biết, hiện tại đã có 3.300 nhân viên người Afghanistan và gia đình được Anh sắp xếp định cư tại Anh, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình.

Chính phủ nhiều nước châu Âu cũng như Ủy ban châu Âu dự tính sẽ sớm đưa ra các phản ứng chính thức trong vài giờ tới./.

Nguồn: VOV.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga