Câu chuyện tài sản khủng cả ngàn tỉ đồng của ông cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ mà công an kê biên, thu giữ đang khiến dư luận rất băn khoăn về việc kiểm tra, kê khai tài sản của cán bộ.

1 Khi Voi Con Chui Lot Lo Kim

Cùng với công khai tài sản là cần thực hiện "kê" đi đôi với "kiểm"

Mặc dù công tác này đã được triển khai với nhiều bước đi hiệu quả hơn, nhưng rõ ràng qua trường hợp ông Thọ cho thấy vẫn có "con voi chui lọt lỗ kim".

Trong bản báo cáo kiểm soát, kê khai tài sản mới đây của Thanh tra Chính phủ có chi tiết trong vòng một năm qua có duy nhất cán bộ nộp lại 3,6 triệu đồng tiền quà, bốn cán bộ kê khai tài sản không trung thực.

Đó là một con số cực kỳ khiêm tốn, ẩn trong đó có nhiều điều đáng nói. Chưa kể trường hợp nộp lại duy nhất là lúc đã có đơn phản ánh!

Suốt thời gian dài, kể từ khi tham nhũng được coi là quốc nạn, cán bộ - công chức - viên chức luôn bị cấm nhận quà cáp, ai trót nhận thì phải báo cáo và giao lại cho cấp thẩm quyền. Thực tế thì sao?

Các phiên tòa xét xử án tham nhũng vừa qua cho thấy có nhiều quan chức vẫn thản nhiên coi quà cáp là chuyện bình thường.

Ngoài thứ bao thư mà nhiều người dân thường phàn nàn khi gặp khó ở chỗ công quyền, các vụ đại án còn ghi nhận những bộ đồ đánh golf tiền tỉ, những xe hơi đắt giá, những thùng xốp, vali đầy ắp ngoại tệ... hóa thành "quà Tết", "quà cảm ơn" được đưa đúng chỗ và chi đúng người.

"Quà" cỡ đó thì các quan tham dứt khoát giấu biến, chưa thấy ai tự nguyện giao nộp để lãnh hậu quả là "thưa ông tôi ở bụi này" cho đến khi bị lộ.

Bản chất của quà cáp là đưa và nhận hối lộ, nhưng được ngụy biện bằng chữ "cám ơn" đầy tai họa. Ở các đại án đưa ra xét xử, có ông còn khăng khăng khẳng định "không nhận thức được vi phạm pháp luật".

Họ dư biết "tiền là tiên là Phật", hiếm hoi lắm mới có người đem tiền đi cung kính theo kiểu thuần túy tình cảm, hầu hết luôn có mục đích cụ thể trước mắt hoặc đầu tư cho "tầm nhìn xa". Lòng tham đã đánh ngã họ thì chuyện cắn rứt lương tâm là quá phù du, họ chỉ "thành thật khai báo" khi bị sờ gáy với đầy đủ chứng cứ.

Nhúng chàm quen tay, có lần một rất dễ có lần hai, chưa bị lộ thì cứ "núp trong đống rơm", quá mong manh khi hy vọng vào sự phản tỉnh.

Vấn đề đáng quan ngại là một bộ phận không nhỏ cán bộ - công chức - viên chức ở nước ta là thiếu trung thực. Điều này được thể hiện qua các đợt kê khai tài sản, thu nhập hằng năm và qua các vụ việc đã được phát hiện cũng như vụ án đã được xét xử.

Thực tế này cho thấy rõ ràng công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng ở cơ sở còn kém hiệu quả, nặng hình thức, chưa thật sự phát huy sức mạnh. Đây là điều cần phải thay đổi triệt để, hiệu quả và rốt ráo trong chủ trương phòng chống tham nhũng và nâng cao tính liêm chính của bộ máy nhà nước.

Phòng chống tham nhũng là phải vận dụng mọi giải pháp tổng hòa. Giáo dục, động viên thái độ tự giác, trung thực là giải pháp cần thiết nhưng phải kèm theo kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên, tránh làm cho có và nhất là phải có chế tài nghiêm khắc.

Nếu cứ theo lối cũ thì các trường hợp như ông cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ vẫn có thể lọt qua "lỗ kim" một cách nhẹ nhàng.

LÊ THANH TÂM

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga