Tôi có người cô lấy chồng nước ngoài từ nhiều năm trước. Trước khi đi, cô chưa có chứng minh nhân dân. Vậy nay quay lại Việt Nam có được làm căn cước không?

(Bạn đọc Hoàng Văn Trường - [email protected])

1 Chua Co Chung Minh Nhan Dan Di Nuoc Ngoai Nhieu Nam Nay Ve Lam Can Cuoc Duoc Khong

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Điều 19 Luật Căn cước quy định: Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp cô của bạn còn quốc tịch Việt Nam thì có thể làm thủ tục cấp căn cước như sau:

Nếu cô của bạn không có thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú thì cần đến công an xã, phường nơi ở hiện tại để khai báo thông tin về cư trú.

Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân. Trường hợp cần thiết, có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh và cung cấp thông tin.

Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.

Khi thông tin của công dân đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, được cấp giấy xác nhận thông tin cư trú thì cô của bạn tiếp tục thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước như sau: Công dân đến cơ quan quản lý căn cước (của công an huyện hoặc công an tỉnh nơi cư trú) đề nghị cấp thẻ căn cước, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại điều 6 nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại điều 23 Luật Căn cước.

Hoặc cô bạn có thể thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia.

Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp thẻ căn cước. Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục nêu trên.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga