Từ vụ việc Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế với Cty Coca Cola Việt Nam lên tới hơn 821 tỷ đồng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục mạnh tay, truy tìm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá.

Tổng cục Thuế vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Cty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng.

132 1 Tu Viec Coca Cola Bi Truy Thu 821 Ty Dong Thue Tiep Tuc Truy Tim Dn Vi Pham

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

132 2 Tu Viec Coca Cola Bi Truy Thu 821 Ty Dong Thue Tiep Tuc Truy Tim Dn Vi Pham

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Nên công khai các dấu hiệu chuyển giá

Câu chuyện doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam dính nghi án chuyển giá đã được nhắc đến từ lâu. Hàng loạt các dấu hiệu như DN kê khai lỗ lũy kế trong nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng sản xuất được nêu ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng gần như chưa “điểm mặt chỉ tên” DN cụ thể vì thiếu chứng cứ rõ ràng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trốn thuế, chuyển giá là một trong những thủ đoạn phổ biến của một số “ông lớn” FDI. Tuy nhiên, để tìm ra và có đủ bằng chứng DN FDI chuyển giá rất khó khăn. Để phát hiện ra việc DN trốn thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam phải hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của các nước có trụ sở của DN FDI. Ông Doanh dẫn ví dụ, để xác định hành vi chuyển giá của Coca Cola, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan quản lý của Coca Cola ở các nước và xác định giá thành nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và giá bán sản phẩm. Trên cơ sở này, cơ quan thuế Việt Nam mới có thể tìm ra bằng chứng việc DN trốn thuế, chuyển giá.

132 3 Tu Viec Coca Cola Bi Truy Thu 821 Ty Dong Thue Tiep Tuc Truy Tim Dn Vi Pham

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, nguồn lực của Việt Nam hạn chế, trình độ sử dụng công nghệ còn rất thấp. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại nên FDI vẫn giữ vị trí quan trọng, là một trong những “kênh” giúp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới. Tuy nhiên, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi theo hướng thu hút nguồn vốn có chất lượng chứ không chỉ thu hút số lượng. Một trong những định hướng thu hút FDI thế hệ mới đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 50 về vấn đề này.

“Cần có chế độ ưu đãi cho DN FDI riêng biệt tùy theo đặc điểm từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng địa phương, chứ không ưu đãi đại trà bằng thuế, đất đai như chính sách trước đây. Ngoài ra, đối với những lĩnh vực mà nguồn lực trong nước và tư nhân làm được để nguồn lực trong nước làm”, ông Long kiến nghị.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh DN tư nhân trong nước chưa thể vươn lên, Việt Nam vẫn rất cần sự đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc khuyến khích đầu tư FDI không được quá chênh lệch và bất bình đẳng với DN tư nhân trong nước như trước đây.

 

Ngọc Linh

Nguồn: Báo Tiền Phong Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga