Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Việt Nam sẽ chỉ thanh toán cho Tổng thầu EPC Trung Quốc khi đủ cơ sở và đúng quy định.

Ngày 10/6/2020, nói về việc Tổng thầu EPC Trung Quốc yêu cầu thanh toán 50 triệu USD tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước thời hạn ghi trong hợp đồng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Không thanh toán thêm 50 triệu USD cho Tổng thầu Trung Quốc. Tiền của nhà nước chứ đâu phải tiền của cá nhân mình. Thời điểm này không cho phép làm khác!”.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, tất cả phải sống và làm việc theo pháp luật, không còn cách nào khác.

Tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhiều lần chúng ta đã linh động với phía Tổng thầu nhưng bây giờ xét thấy lại không đúng quy định.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng nêu rõ: Việc thanh toán phải có cơ sở, không phải tự nhiên nói thanh toán là thanh toán. Yêu cầu của phía Trung Quốc không có cơ sở để thanh toán.

132 1 Tong Thau Trung Quoc Doi 50 Trieu Usd Cu Luat Ma Lam

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày vận hành.

“Hiện chưa có văn bản nào về việc Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu thanh toán 50 triệu USD. Phải đủ cơ sở thì mới thanh toán được và thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Trước đó, trong bản báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT của Chính phủ hồi cuối tháng 5/2020 đã đưa ra thông tin bất ngờ khi đề cập đến việc Tổng thầu EPC Trung Quốc đang thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (TP. Hà Nội) yêu cầu được nhận 50 triệu USD để vận hành hệ thống và số tiền này phải thanh toán luôn.

Nói về lý do yêu cầu Bộ GTVT chuyển trước 50 triệu USD để tiếp tục làm dự án, ông Đường Hồng - Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu EPC Trung Quốc) cho biết: "Dự án chưa được giải ngân hạng mục nào khiến Tổng thầu không thể trả cho các nhà thầu và nhà thầu phụ. Đây là tiền thanh toán khối lượng bình thường theo hợp đồng EPC đã ký, không phải chi phí tăng ngoài hợp đồng”.

Từ đầu năm, Tổng thầu đã trình hồ sơ một số lần song chưa được Ban quản lý dự án đường sắt chấp thuận. Theo ông Hồng, một số nội dung trong hồ sơ giải ngân này vẫn chưa được thống nhất giữa các bên và mất nhiều thời gian trao đổi.

"Dự án đang rất khó khăn, nếu không có tiền thì chúng tôi không thể vận hành thử toàn hệ thống trong thời gian tới. Không có tiền thì các nhà cung cấp 11 nhóm thiết bị không sang, chúng tôi không làm gì được", ông Hồng nói.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, hồ sơ của Tổng thầu EPC Trung Quốc trình lên có một số nội dung chưa đủ điều kiện để giải ngân, do đó Ban quản lý dự án chưa thể thanh toán, dù nguồn vốn chủ đầu tư luôn đáp ứng.

Theo ông Phương, hợp đồng nêu rõ các hạng mục thiết bị được thanh toán theo từng giai đoạn như lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử.

Đến nay là giai đoạn giải ngân khi hồ sơ của toàn hệ thống được hoàn thiện, song có một vài thiết bị còn thiếu hồ sơ nên cần chờ Tổng thầu bổ sung.

Đề cập việc Tổng thầu thiếu vốn ảnh hưởng công tác vận hành thử toàn hệ thống, ông Phương khẳng định "vấn đề này thuộc trách nhiệm của Tổng thầu".

TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, điểm mấu mấu chốt trong việc thanh toán tiền dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nằm ở chỗ, số thiết bị đã được lắp đặt đâu vào đấy nhưng lại không đủ hồ sơ, giấy tờ để nghiệm thu. Mà khi chưa được nghiệm thu, đương nhiên chủ đầu tư có quyền chưa thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị của dự án.

“Nếu hai bên cùng có thiện chí thì vấn đề hoàn toàn có thể tháo gỡ được nhưng chỉ cần một bên thiếu thiện chí, vấn đề sẽ trở nên phức tạp và khi đó đành phải căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để giải quyết” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Theo phân tích của TS Đức, hiện, cả Bộ GTVT và Tổng thầu EPC Trung Quốc đều khăng khăng cho rằng mình đúng và không có gì phải nhượng bộ.

Có điều, nếu để ý kỹ, từ rất lâu rồi, bất cứ khi nào dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông nảy sinh vấn đề, nhất là chuyện “trễ hẹn về đích”, Bộ GTVT đều nhắc đi nhắc lại một cụm từ quen thuộc: Lỗi thuộc về Tổng thầu!

Kết quả là vấn đề của dự án vẫn còn nguyên trong khi Tổng thầu chưa bao giờ bị phạt dù liên tục bị réo tên gắn liền với lỗi.

Trong trường hợp này, nếu Tổng thầu vẫn giữ nguyên quan điểm không nhận được 50 triệu USD, dự án sẽ không thể hoàn thành chạy thử và nghiệm thu thì mọi chuyện sẽ bị đẩy đi đến đâu? Bây giờ không phải lúc Bộ GTVT "cãi nhau" với Tổng thầu rằng ai đúng ai sai mà chính là lúc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Ngọc Mai(Tổng hợp)

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga