Những nghi vấn về tiêu cực, nhận tiền để giúp nhà đầu tư Trung Quốc lách luật cũng cần phải được đặt ra, xem xét và xử lý nghiêm.

Một doanh nghiệp Trung Quốc góp cổ phần 20 lô đất

Sáng 22/9, trao đổi với báo Đất Việt, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, đã có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT sau khi cơ quan này yêu cầu Đà Nẵng báo cáo chi tiết việc có 21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất ở Đà Nẵng.

132 1 Nguoi Trung Quoc So Huu 21 Lo Dat Da Nangdo Quan Ly

Người Trung Quốc góp vốn, sở hữu 21 lô đất ở Đà Nẵng. Ảnh: tin tức Việt Nam

Theo ông Hùng, qua buổi làm việc, cơ quan chức năng đã kiểm tra các hồ sơ pháp lý, xác nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho 2 doanh nghiệp là đúng với quy định luật đất đai.

Cụ thể, việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ​Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt, thành lập theo Giấy phép số 2581/GP ngày 21/6/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó bên Việt Nam là Công ty Cổ phần Hoàng Đạt góp vốn 10%, bên nước ngoài là Công ty TNHH Siver Shores, có trụ sở tại Hoa Kỳ do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện, góp 90%.

Giấy chứng nhận được UBND thành phố cho thuê diện tích 20ha đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời hạn cho thuê đất 50 năm (Giấy chứng nhận số AL 451916 ngày 21/3/2007 đến ngày 21/6/2056), tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Hai là, Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.HOLIDAY, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số 0401526745 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cấp. Đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 28/7/2014, là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% (do cá nhân là LIJINAN, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc), nhận chuyển nhượng từ cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam với 20 lô đất đã được cấp Giấy chứng nhận tại vệt khai thác quỹ đất 25m dọc tường rào Sân bay Nước Mặn vào thời điểm từ năm 2013 đến năm 2015).

Ông Hùng cho biết sau buổi làm việc, Tổng cục Quản lý đất đai đã yêu cầu Sở tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất.

Đây cũng là nội dung nằm trong kế hoạch Sở đang triển khai trong năm 2019.

Về những lo ngại liên quan tới những hình thức biến tướng tinh vi như: Doanh nghiệp Trung Quốc kêu gọi đầu tư theo hình thức doanh nghiệp Việt góp đất, nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn sau đó mua lại cổ phần, nắm quyền chi phối sử dụng khu đất... ông Tô Văn Hùng cho rằng đây là vấn đề liên quan tới cấp phép đầu tư thuộc trách nhiệm của Sở KH-ĐT phụ trách.  

Quản lý có vấn đề

Trao đổi thêm về việc này, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc nhà đầu tư Trung Quốc hay những nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam đều phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Cho tới nay, các quy định pháp luật hiện hành trong quản lý đất đai vẫn được xây dựng hướng tới một mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm được quyền quản lý đất đai của nhà nước.

Theo đó, những người nước ngoài, bao gồm cả người Trung Quốc chỉ được thuê đất có thời hạn và trả tiền thuê một lần chứ không được sử hữu đất vĩnh viễn.

Vấn đề tiếp theo của các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương sau khi cấp giấy chứng nhận cho thuê đất phải giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhà đầu tư có đúng với giấy phép được cấp hay không?

"Đã có nhiều vụ việc như vụ việc người Trung Quốc mở sào huyệt cờ bạc, công xưởng ma túy ở Hải Phòng, Kon Tum dưới "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hay mượn danh khách du lịch nhưng lại tạo nên những “căn cứ bất khả xâm phạm” hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Đó mới là vấn đề đáng lo ngại. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, thực hiện không nghiêm, trách nhiệm này phải bị xử lý, không thể chối cãi", ông Hiển nói.

Còn về hiện tượng lách luật mượn danh người Việt để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam, ông Hiển cho rằng có thể xem xét tới yếu tố tiếp tay cho người Trung Quốc thâu tóm các khu đất ở trong nước.

Như vậy, chính những người Việt trong nước nếu giúp các nhà đầu tư nước ngoài lách luật để có quyền sở hữu đất sẽ là những người phải đối diện với rủi ro lớn nhất. Bởi pháp luật chỉ bảo vệ cho những người làm đúng quy định.

"Cùng với quản lý bị buông lỏng, cũng không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm, có tiêu cực, bắt tay giữa những người làm công tác quản lý với các nhà đầu tư Trung Quốc.Trong trường hợp này, theo ông Hiển vẫn quay lại công tác quản lý đất đai ở địa phương. Ngoài việc tiếp tay từ phía nhà đầu tư Việt Nam thì rõ ràng đã có sự buông lỏng quản lý đất đai, quản lý dự án của các địa phương mới dẫn tới làm mất đất của nhà nước, phá vỡ quy hoạch, gây tác động tiêu cực, bất ổn cho phát triển của địa phương.

Do đó, những nghi vấn về tiêu cực, nhận tiền để giúp nhà đầu tư Trung Quốc lách luật cũng cần phải được đặt ra, xem xét và xử lý nghiêm", ông Hiển nhận định.

Nguyễn Lam

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga