Phương thức ra vào của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen được xác định bởi Công ước Montreux, vốn áp đặt rất nhiều hạn chế bất tiện đối với Lầu Năm Góc.

Nhưng nếu văn kiện pháp lý quốc tế này sẽ sớm chìm vào quên lãng thì sao?

Những bất tiện hoặc thuận lợi nào xảy đến với nước Nga?

Phải nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles, nhưng chủ quyền của họ đối với chúng bị giới hạn bởi Công ước 1936.

Theo đó, các tàu dân sự có quyền tự do đi lại cả trong thời bình và thời chiến. Chế độ sử dụng eo biển của tàu quân sự là khác nhau rất nhiều đối với các quốc gia thuộc và không thuộc Biển Đen.

Người ta tin rằng mối đe dọa chính đối với miền Nam nước Nga là các tàu Hải quân Mỹ, thường xuyên ghé thăm Biển Đen trong 21 ngày trên cơ sở luân phiên.

Sự xuất hiện của tàu khu trục "Donald Cook" và "Porter" từ Biển Địa Trung Hải và phản ứng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga liên tục gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tàu sân bay và tàu ngầm tấn công Mỹ được quyền đi vào Biển Đen?

Câu hỏi không đơn giản như vậy, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố về "công trình thế kỷ" của ông - kênh tránh "Istanbul", được cho là để giải tỏa căng thẳng giao thông ở eo biển Bosphorus.

Ankara có kế hoạch giảm mạnh, hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn việc vận chuyển dọc theo eo biển này từ Marmara đến Biển Đen, điều đó có thể thay đổi rất nhiều. Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexei Yerkhov nhận xét về triển vọng này như sau:

"Theo Công ước Montreux - một văn kiện quốc tế của năm 1936, sự hiện diện hay vắng mặt của một tuyến đường thủy bổ sung không làm thay đổi chế độ pháp lý do công ước thiết lập".

Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Tất nhiên, sự xuất hiện đơn thuần của một kênh tránh không làm mất hiệu lực của Công ước. Tuy nhiên, việc đưa vào vận hành thực tế kênh "Istanbul" sẽ giúp Ankara có lý do để đặt vấn đề sửa đổi các quy định của văn kiện pháp lý quốc tế trên cho phù hợp với tình hình mới.

132 1 Xoa Bo Cong Uoc Montreux Nga Duoc Va Mat Nhung Gi

Tàu hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi duy nhất là những thay đổi sẽ diễn ra theo chiều hướng nào và nó sẽ có lợi hay bất lợi cho nước Nga. Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí là Hải quân Mỹ sẽ được tự do tiếp cận Biển Đen, nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.

Cần lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đang theo đuổi chính sách tân Ottoman, và không chỉ Nga, nhiều đồng minh NATO của họ cũng rất không thích điều này.

Ankara đang xây dựng "siêu cường hậu cần" của mình, dần tập hợp xung quanh một liên minh các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á. Có một dự án hội nhập siêu quốc gia đầy hứa hẹn như tham vọng đế quốc của "Sultan" Erdogan.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng sẽ không rời khỏi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, vốn có vai trò răn đe đối với Nga. Ankara đang chơi với cả phương Tây và phương Đông cùng một lúc.

Rõ ràng là người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sửa đổi Công ước Montreux chỉ có lợi cho họ. Nhưng tại sao khi đó Tổng thống Erdogan lại tự cho phép tàu chiến và tàu ngầm của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp vào Biển Đen?

Đầu tiên, Moskva rõ ràng sẽ từ chối ký một văn bản có điều khoản như vậy. Thứ hai, Ankara sẽ khó hoan nghênh sự hiện diện quân sự quá mức của NATO tại "lãnh địa" của mình. Vậy tại sao phải xem lại nó?

Có thể giả định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ đưa ra ngoại lệ đó là dỡ hạn chế về việc đi qua eo biển đối với tàu sân bay không có lò phản ứng hạt nhân.

Trước đó như đã đề cập, Ankara đang đóng tàu sân bay hạng nhẹ "Anadolu" theo thiết kế của Tây Ban Nha, được chính thức phân loại là tàu tấn công đổ bộ tấn công và có kế hoạch đóng một chiếc hàng không mẫu hạm hoàn chỉnh.

Tờ Middle East Eye đưa tin, Tổng thống Erdogan thậm chí còn muốn mua một tàu sân bay lớp Queen Elizabeth từ Anh, nhưng London đã từ chối. Đổi lại, người Anh đề nghị bán dự án và hỗ trợ kỹ thuật chế tạo.

Có thể trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy ở Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ một thứ gì đó rất gợi nhớ đến tàu sân bay của Anh. Bất chấp ý kiến phổ biến rằng con tàu như vậy chỉ là "mục tiêu lớn", tàu sân bay - một phần của nhóm tác chiến có thể tham gia khá hiệu quả vào các cuộc xung đột quanh các đảo tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải và trên bờ biển châu Phi.

Ngoài ra tàu sân bay "rất đẹp" và rất vững chắc như một biểu tượng trực quan của một đế chế đang trỗi dậy. Rất có thể, chúng ta sẽ thấy nó trên Biển Đen.

Hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ dù khó chiến đấu với hạm đội Nga, nhưng thực tế sự hiện diện của hàng không mẫu hạm gần bờ biển Ukraine sẽ là con át chủ bài trong việc Ankara hỗ trợ Kiev, đồngg thời là phương tiện gây áp lực chính trị lên Điện Kremlin đối với vấn đề Crimea và Donbass.

Nói cách khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ sửa đổi Công ước Montreux thì điều này sẽ có lợi cho chính họ. Đối với Nga, vẫn đề rõ ràng không dễ chịu, nhưng không phải là con đường cùng.

Nếu muốn, thậm chí có thể thấy một số tích cực, bởi vì với việc đưa kênh Istanbul vào hoạt động, công tác hậu cần rõ ràng sẽ trở nên đơn giản hơn và xuất khẩu bằng đường biển từ các cảng thuộc Biển Đen của Nga sẽ tăng tốc.

Tùng Dương

Nguồn: trithuccuocsong.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga