Một số công ty Nga đang gặp phải sự chậm trễ ngày càng gia tăng và chi phí tăng cao trong các giao dịch với đối tác thương mại ở Trung Quốc, khiến những khoản thanh toán hàng chục tỷ nhân dân tệ bị đình trệ, Reuters dẫn các các nguồn tin Nga cho biết.

1 Vi Sao Ngan Hang Trung Quoc O At Chan Thanh Toan Voi Nga Va Chuyen Gi Se Tiep Theo

Các ngân hàng Trung Quốc đồng loạt ngừng giao dịch với Nga. Ảnh minh họa từ Strana.ua.

Các công ty và quan chức Nga cho biết, trong vài tháng qua, các giao dịch bị trì hoãn sau khi các ngân hàng Trung Quốc thắt chặt quy định do mối đe dọa trừng phạt thứ cấp từ phương Tây, song vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng Tám này.

Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang ngừng giao dịch với Nga ồ ạt và hàng tỷ nhân dân tệ đã bị kẹt lại, một nguồn tin gần gũi với chính phủ cho Reuters biết.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm một phần ba thương mại nước ngoài của Nga trong năm ngoái và cung cấp các mặt hàng như thiết bị công nghiệp thiết yếu và hàng tiêu dùng giúp Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc cũng là một thị trường hấp dẫn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga mà Trung Quốc cần, từ dầu mỏ và khí đốt đến các sản phẩm nông nghiệp.

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 6 đe dọa các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng ở Trung Quốc và các quốc gia khác vì giao dịch với Nga, các ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu có lập trường rất nghiêm ngặt, nguồn tin từ một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Nga cho biết. Nền tảng này bán nhiều loại hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc.

"Vào thời điểm đó, tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới đến Trung Quốc đã dừng lại. Chúng tôi đã tìm ra giải pháp, nhưng mất khoảng 3 tuần, đó là một khoảng thời gian rất dài, và khối lượng giao dịch giảm mạnh trong thời gian đó" - nguồn tin cho biết.

Một giải pháp tạm thời là mua vàng, chuyển đến Hồng Kông và bán ở đó, gửi tiền mặt vào một tài khoản ngân hàng địa phương, người này cho biết.

Các nguồn tin cho biết một số doanh nghiệp Nga đã sử dụng chuỗi trung gian ở các quốc gia thứ ba để xử lý các giao dịch của họ và vượt qua các kiểm tra tuân thủ của các ngân hàng Trung Quốc. Do đó, chi phí để xử lý giao dịch đã tăng lên tới 6% so với gần như không có trước đây.

"Đối với nhiều công ty nhỏ, điều này có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn," một nguồn tin khác gần gũi với chính phủ cho biết.

Điện Kremlin đã thừa nhận vấn đề nhưng cho biết rằng hợp tác kinh tế là quan trọng đối với cả hai quốc gia và các giải pháp sẽ được tìm ra.

"Với khối lượng như vậy và trong một môi trường không thân thiện như thế, không thể tránh khỏi một số tình huống vấn đề" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong tuyên bố gửi cho Reuters.

"Tuy nhiên, tinh thần hợp tác thực sự của mối quan hệ của chúng tôi cho phép chúng tôi thảo luận và giải quyết các vấn đề hiện tại một cách xây dựng" - ông nói.

Các giao dịch với Trung Quốc không phải là mối quan tâm lớn của lãnh đạo cấp cao Nga, tuy nhiên, vì các khoản thanh toán ở các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang diễn ra suôn sẻ, và có ý chí chính trị từ cả hai bên, một nguồn tin ngân hàng cho Reuters biết. Các thỏa thuận song phương cho các công ty lớn, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu hàng hóa của Nga và các nhà xuất khẩu công nghệ quan trọng của Trung Quốc, vẫn hoạt động tốt, trong khi các công ty nhỏ hơn giao dịch hàng tiêu dùng gặp vấn đề, các nguồn tin cho biết.

Các nhà xuất khẩu Nga không gặp khó khăn trong việc nhận thanh toán cho các hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu, chẳng hạn như dầu mỏ hoặc ngũ cốc, một nguồn tin khác gần gũi với chính phủ Nga cho Reuters biết.

Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 1,6% lên 137 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, theo số liệu chính thức của Trung Quốc, sau khi đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023.

"Thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga tuân thủ các quy tắc của WTO và các nguyên tắc thị trường, không nhắm vào các bên thứ ba và không bị can thiệp hoặc cưỡng chế bởi các bên thứ ba" - một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương và 'quyền tài phán tầm xa' nào và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi".

Nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc giảm hơn 1% xuống còn 62 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2024 do các vấn đề thanh toán, theo thống kê chính thức của Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương Nga dự đoán tổng nhập khẩu của đất nước từ khắp nơi trên thế giới sẽ giảm tới 3% trong năm nay.

"Nhập khẩu sẽ giảm trong năm 2024 do việc tăng cường các rào cản trừng phạt liên quan đến thanh toán và logistics", ngân hàng trung ương cho biết, mặc dù dự đoán rằng tình hình sẽ cải thiện trong trung hạn, theo dự thảo hướng dẫn chính sách tiền tệ được công bố vào ngày 29/8.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc vào tháng 5, một số ngân hàng Trung Quốc địa phương không có hoạt động toàn cầu đã tham gia vào việc xử lý các khoản thanh toán song phương. Họ sẽ không bị các cơ quan thực thi trừng phạt phương Tây kiểm soát.

Tuy nhiên, các nguồn tin chỉ ra rằng những ngân hàng này thường có hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời và thiếu nhân viên có kỹ năng cần thiết.

Nguồn tin ngân hàng cho biết các dịch vụ chuyển phát xuyên biên giới đang vận chuyển các giấy tờ chuyển tiền qua biên giới Nga - Trung để các ngân hàng Trung Quốc ký và đóng dấu.

"Cho đến khi các vấn đề về thanh toán được giải quyết ở cấp nhà nước, chúng tôi không thể mong đợi một dòng đầu tư năng động từ Trung Quốc," Kirill Babaev, trưởng Viện Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.

Nghiên cứu do ông Babaev đồng tác giả và được công bố vào tháng này đã làm nổi bật các rủi ro đối với ngành công nghiệp của Nga, nơi Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu.

"Trong tình hình hiện tại, các vấn đề thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc đặc biệt làm trầm trọng thêm thách thức này, vì hiện tại không có nhà cung cấp lớn nào khác cho nhiều loại thiết bị công nghiệp ngoài Trung Quốc," nghiên cứu cho biết.

Các công ty lớn ở Trung Quốc cũng như Ấn Độ phụ thuộc nặng nề vào các thị trường Mỹ và châu Âu, Dmitry Birichevski, trưởng phòng kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga, cho biết tại một hội nghị ở Moscow vào ngày 16/8.

"Và họ đang bị nói rằng, 'Các vị ơi, nếu các vị tiếp tục làm việc với Nga, chúng tôi sẽ cắt đứt quyền tiếp cận của các vị với thị trường của chúng tôi và làm nghẹt nguồn cung cấp oxy của các vị'" - ông nói.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga