Cuộc khủng hoảng Venezuela đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp với sự can dự của nhiều nước trong và ngoài khu vực Mỹ Latinh. Theo giới phân tích, cuộc đọ sức quyết liệt bùng phát với tốc độ leo thang chóng mặt trong 10 tuần qua tại nước này đã bước vào giai đoạn mới đầy nguy hiểm


Mỹ gây sức ép với Nga

“Vở kịch dân chủ” tại Venezuela nhiều khả năng sẽ đánh dấu cuộc thử nghiệm quan trọng nhất về uy tín của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một điệp khúc mạnh mẽ nhất trong tuần này của ông chủ Nhà Trắng, cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton khi tất cả đều tuyên bố – bằng cách này hay cách khác – rằng Nga phải rút khỏi Venezuela.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng gia tăng áp lực hôm 5-4 khi tuyên bố đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Cty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela cũng như 2 Cty vận chuyển dầu thô của Venezuela sang Cuba. Ông Pence, người sẽ có bài diễn văn tại HĐBA LHQ vào tuần tới về Venezuela, cũng cho biết Mỹ sẽ gia tăng áp lực đối với Cuba.

Điều khiến các quan chức Mỹ lồng lộn chính là động thái của Nga hôm 23-3 khi Moscow điều 2 máy bay chở khoảng 100 binh sĩ tới Caracas. Lý do mà Nga giải thích cho sự xuất hiện của những quân nhân này là để bảo dưỡng các hệ thống phòng không S-300 của Venezuela do Nga sản xuất, vốn được cho là đã bị hư hại trong những đợt mất điện vừa qua tại nước này. Tuy nhiên, người ta cho rằng sự xuất hiện của các nhà thầu quân sự và lực lượng lính đánh thuê khác của Nga là nhằm hỗ trợ an ninh cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Điều khiến các quan chức Mỹ lo ngại chính là khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ đặt nền móng cho việc biến Venezuela trở thành một sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump giống như trường hợp của Syria thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thật vậy, trong tuần này, chính quyền của Tổng thống Maduro và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thể hiện sự đoàn kết ở Damascus, nơi Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza gặp gỡ nhà lãnh đạo Syria.

Tại Damascus, ông Arreaza tuyên bố: “Hai dân tộc Syria và Venezuela sẽ chiến đấu chống lại những âm mưu và chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, và hai nước sẽ trở thành những bên chiến thắng”. Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa Venezuela và Syria, song điều kết nối họ cũng rất đáng kể: cả hai nước đều có một nhà lãnh đạo có khả năng gục ngã nếu không nhận được sự hỗ trợ của Moscow.

Trước những động thái của Nga, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã thể hiện một lập trường cứng rắn bằng lời cảnh báo gửi tới Moscow: “Chúng tôi mạnh mẽ cảnh báo các thế lực bên ngoài Tây Bán cầu không được phép triển khai các tài sản quân sự ở Venezuela, hoặc ở những nơi khác của Bán cầu, với mục đích thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động quân sự”. Theo ông Bolton, Mỹ sẽ coi những hành động đó là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực”.

Trước đó, ông Bolton cũng từng nói rõ rằng: “Là quốc gia có trữ lượng dầu được chứng minh là nhiều nhất thế giới… Venezuela là nơi mà định mệnh của họ, trong mọi trường hợp, đều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng Mỹ Latinh và toàn cầu. Với sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh… ở một phe và Trung Quốc, Nga, Cuba ở phe còn lại, hậu quả thậm chí còn cao hơn về mặt địa chính trị”.

Trước thực trạng nêu trên, nhà văn kiêm PV về an ninh quốc gia Mỹ David Sanger đặt câu hỏi, “phải chăng Venezuela sẽ là nơi Trump, người thường tỏ ra sẵn sàng chịu đựng những hành động… táo bạo nhất của Putin, cuối cùng đã vạch ra lằn ranh đỏ của riêng mình? Và nếu vậy, liệu ông ấy có kế hoạch gì để thực thi nó hay không?” Theo chuyên gia này, Tổng thống Putin đang đặt cược lớn rằng ông Trump chẳng có ý chí và cũng chẳng có kế hoạch nào.

426 1 Van Cuoc Lon Cua Tong Thong Nga Vputin
Bất chấp âm mưu lật đổ của Mỹ, Tổng thống Maduro (đứng giữa) vẫn được đông đảo người dân ủng hộ.
Ảnh tư liệu

Brazil bắt tay Mỹ

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 8-4 tuyên bố đang phối hợp với Chính phủ Mỹ để gieo rắc bất đồng trong lực lượng vũ trang Venezuela. Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Jovem Pan, nhà lãnh đạo Brazil khẳng định bản thân có quyền quyết định xem Brazil có nên tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu chống chế độ của Tổng thống Maduro hay không, song ông vẫn sẽ hội ý với Hội đồng Quốc phòng và Quốc hội về những bước hành động tiếp theo. Tổng thống Brazil còn nói rằng nếu một cuộc can thiệp quân sự có thể lật đổ Tổng thống Maduro, nhiều khả năng chiến tranh du kích sẽ bùng phát giữa một bên là những người cố bảo vệ chính quyền và bên kia là những kẻ tiếm quyền.

Theo trang mạng rt.com, những phát biểu trên cho thấy Tổng thống Bolsonaro không hề che giấu ý định lên kế hoạch để lật đổ Tổng thống Maduro tại Venezuela. Ngoài tuyên bố về việc sẵn sàng can thiệp quân sự, ông này còn trắng trợn tuyên bố cả Mỹ và Brazil đều đang tìm kiếm các khả năng để kích động một cuộc nổi dậy từ bên trong nhằm dẫn đến việc thay đổi chế độ tại quốc gia Mỹ Latinh giàu dầu mỏ này. Ông ta nói thẳng: “Ý định của chúng tôi, và cũng là của người Mỹ, là tạo ra rạn nứt trong nội bộ quân đội, bởi lực lượng này vẫn ủng hộ Maduro”.

Mỹ đến nay liên tục vận dụng các chiến thuật gọng kìm nhằm gây sức ép với Caracas, bóp nghẹt nền kinh tế Venezuela bằng hàng loạt đòn trừng phạt gây khó khăn cho nền kinh tế và nhân dân Venezuela nhằm buộc Tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực. Trắng trợn hơn, hàng loạt quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống Trump, nhiều lần tuyên bố trắng trợn rằng sẽ cân nhắc “mọi lựa chọn,” và không loại trừ phương án can thiệp quân sự vào quốc gia Mỹ Latinh này.

Tất cả cho thấy, Mỹ đang không từ bất kỳ thủ đoạn nào nhằm lật đổ chế độ hợp pháp hiện nay tại Venezuela, và chính những thủ đoạn của Washington đang khiến đất nước Venezuela rơi vào vòng xoáy loạn lạc.

Hồng Phúc
Nguồn: phapluatxahoi.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga