Không quân Ấn Độ đã quyết định mua 21 chiến đấu cơ Mig-29 cùng 12 chiếc Su-30MKI từ Nga, đồng thời thực hiện nâng cấp 59 máy bay Mig-29. Giá trị hợp đồng vào khoảng gần 2.5 tỷ USD.

Báo Moskovskij Komsomolets (Nga) đưa tin, Nga đã vượt qua Mỹ để giành được hợp đồng cung cấp 33 chiến đấu cơ cho quân đội Ấn Độ.  

132 1 Tuong That The Nga Bat Ngo Hat Cang My Ngoan Muc Doat Hop Dong Beo Bo Tu An Do

(Ảnh: Sputnik News)

Theo đó,

Nhà thầu Mỹ cũng tham gia cạnh tranh để giành hợp đồng nói trên, nhưng bất ngờ đã xảy ra khi Ấn Độ cuối cùng lựa chọn Nga để hợp tác, thay vì mua mẫu chiến đấu cơ F-21 được mô tả là cải tạo dành riêng cho Không quân Ấn Độ.

Tờ Komsomolets cho hay, Mỹ và Nga cạnh tranh quyết liệt với nhau tại thị trường vũ khí Ấn Độ trong những năm gần đây. Để giành lấy hợp đồng cung cấp chiến đấu cơ, công ty Lockheed Martin đã đặc biệt tiến hành nâng cấp cải tạo và hiện đại hóa mẫu tiêm kích F-16 và đổi tên thành F-21.

Tại triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2019, F-21 từng trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và Lockheed Martin tự tin vào chiến thắng trong thương vụ tại quốc gia tỷ dân ở Nam Á. Việc ông lớn này thất bại trước nhà thầu Nga là một điều nằm ngoài dự đoán.

Báo Nga chỉ ra, trên thực tế Moskva và New Delhi vẫn duy trì đàm phán về việc mua bán hai mẫu máy bay chiến đấu kể trên. Một đoàn đại biểu của Không quân Ấn đã công du Nga vào năm 2019 để tìm hiểu các mẫu chiến cơ.

Trong hợp đồng do Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố, kinh phí để mua và nâng cấp các máy bay Mig-29 là 991 triệu USD, trong khi chi phí để mua các máy bay Su-30MKI là gần 1.5 tỷ USD bởi New Delhi yêu cầu công ty hàng không Hindustan Aeronautics của nước này được tham gia vào hoạt động chế tạo.

Chuyên gia Timofei Borisov từ Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược Nga đánh giá, "Dù Nga không thể cung cấp cho Ấn Độ các loại máy bay không người lái tân tiến, song trong lĩnh vực chiến đấu cơ thì Nga vẫn đứng hàng đầu."

"Trong thời gian dài, các phi công Ấn Độ luôn sử dụng chiến cơ do Nga chế tạo. Nếu mua F-21 của Mỹ thì phi công Ấn Độ cần phải huấn luyện lại từ đầu. Do giá thành đắt đỏ khi sử dụng khí tài của Mỹ và do tình hình tài chính khó khăn của Ấn Độ hiện nay, việc nước này lựa chọn máy bay Nga - đã được kiểm nghiệm và quen thuộc từ trước - là hành động sáng suốt," ông Borisov nói.

Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga, ông Igor Korotchenko, cho rằng hiện trạng lạc hậu của các doanh nghiệp quốc phòng Ấn Độ buộc họ phải mua lượng lớn khí tài từ nước ngoài. Ông cho biết 90% trang bị vũ khí của Ấn Độ trong thời kỳ Liên Xô cũ là do Liên Xô chế tạo.

Ngày nay, New Delhi đang theo đuổi xu thế đa dạng hóa các nguồn cung vũ trang. Mẫu chiến cơ Mig-35 của Nga từng "bại trận" trước Dassault Rafale của Pháp.

Tờ Komsomolets cho biết hơn 300 máy bay Mig-21cùng các máy bay SEPECAT Jaguar cũ kỹ của Ấn Độ cũng cần được nâng cấp, làm gia tăng đáng kể sức nóng cho các cuộc đua tranh giành thị trường béo bở này.

Thương vụ mới đây đạt được là một tín hiệu tích cực giữa bối cảnh quan hệ Nga-Ấn xuất hiện những rạn nứt.

Moskva cáo buộc Ấn Độ chịu sự thao túng của phương Tây để gia nhập "trò chơi chống Trung Quốc" khi tham gia cơ chế Đối thoại an ninh chiến lược bốn bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay còn gọi là nhóm Bộ tứ (Quad).

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hồi tháng 12/2020 rằng phương Tây "đang mưu đồ phá hoại quan hệ đối tác thân cận và quan hệ ưu tiên giữa chúng tôi với Ấn Độ. Đây chính là mục đích khiến Mỹ gia tăng gây sức ép đối với New Delhi."

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga