Phó tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Mỹ bày tỏ lo ngại khi thừa nhận Nga, Trung Quốc đang sở hữu chương trình vũ khí siêu vượt âm vượt trội.

Phó tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Mỹ David Thompson hôm 20/11 thừa nhận năng lực vũ khí siêu vượt âm của nước này "không tiên tiến" như các chương trình do Nga và Trung Quốc phát triển, cảnh báo Washington đang tụt hậu so với các đối thủ trong cuộc đua phát triển vũ khí tối tân.

"Đây có thể là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh quốc gia. Chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp họ", ông nói trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax tổ chức ở Canada. "Trung Quốc đang có chương trình vũ khí siêu vượt âm đáng kinh ngạc".

1 Tuong My Thua Nhan Thua Kem Nga Trung Ve Ten Lua Sieu Vuot Am

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.

Tướng Thompson cho rằng vũ khí siêu vượt âm đang "thay đổi cuộc chơi" về an ninh và quốc phòng. "Bạn không thể phán đoán vị trí của phương tiện lướt siêu vượt âm, dù biết được hướng xuất phát của nó. Mọi vụ phóng loại vũ khí này, bất chấp tên lửa bay về hướng nào, đều có nguy cơ trở thành mối đe dọa", ông nói.

Phát biểu được đưa ra một tháng sau khi Trung Quốc bị nghi thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay vòng quanh Trái Đất, khiến giới chức Mỹ bất ngờ. Nga hôm 18/11 cũng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm của Mỹ trong tháng 10 đều thất bại.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cuối tháng 10 đánh giá Washington chậm chân hơn Moskva và Bắc Kinh vì vũ khí siêu vượt âm Mỹ không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. "Điều này khiến vũ khí Mỹ cần có độ chính xác cao hơn nhiều, đặt ra nhiều thách thức phát triển so với những hệ thống trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc", CRS cho hay.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống.

Chưa có giải pháp phòng thủ nào đủ sức đối phó phương tiện lướt siêu vượt âm vào thời điểm hiện tại. Nhiều hệ thống đang được phát triển, nhưng mức độ hiệu quả còn tùy thuộc vào tốc độ và khả năng cơ động của mục tiêu, số lượng đầu đạn lao tới và nhiều yếu tố khác.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa hoặc phương tiện lướt siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Washington.

Vũ Anh (Theo Hill)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga