Tổng thống Putin đã có được thắng lợi với thượng đỉnh Helsinki, giờ đây ông có kiên nhẫn chờ đợi kết quả?

Tờ Washington Post nhận định, đối với Điện Kremlin, hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ vừa diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) mới chỉ là sự khởi đầu. Giới bình luận và chính trị gia Nga tuyên bố, cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp từ nước Mỹ Donald Trump là một thắng lợi, trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng cũng đã thể hiện một cách nghiêm túc lời cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, đó là cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow.

“Tại đây, ở Helsinki chính là nơi mà bước đầu tiên hướng về một tương lai tốt đẹp hơn, đã được tạo ra”, tờ báo Nga Rossiyskaya Gazeta bình luận.

Hiện tại, các quan chức Nga đang chờ xem liệu những lời nói của ông Trump có được chuyển thành hành động, hay chúng sẽ đổ vỡ dưới sức ép của một thể chế kiên quyết không muốn đảo ngược tình trạng đóng băng trong quan hệ hai nước.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/7, Andrei Klimov, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga cho biết, ông kỳ vọng các quan chức cấp cao Mỹ và Nga sẽ gặp gỡ nhiều lần trong vòng sáu tháng tới, từ đó xây dựng được một “lộ trình” để giải quyết các vấn đề còn bất đồng và phát triển hợp tác giữa Nga và Mỹ.

Một ví dụ theo ông Klimov là, các cơ quan tình báo hai nước cần bắt đầu làm việc cùng nhau trong sứ mệnh ngăn chặn sử dụng tràn lan vũ khí giết người hàng loạt. Ngoài ra, các vấn đề kiểm soát vũ trang hạt nhân và giải pháp cho khủng hoảng Syria hay Ukraine… cũng cần phải được thảo luận rõ ràng hơn và với thể thức song phương.

Sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki, Tổng thống Putin chia sẻ với Fox News rằng, ông đã sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới. Điều chỉnh vũ khí hạt nhân chiến lược của cả Nga và Mỹ, thỏa thuận này có lẽ là một trong những lĩnh vực cụ thể nhất mà Kremlin mong chờ có được hợp tác từ Mỹ. Cũng trong ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết, họ đã sẵn sàng để “kích hoạt các mối liên lạc” với những đồng nghiệp phía Mỹ, nhằm tiến hành các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ trang, “hợp tác tại Syria” và các thách thức an ninh khác.

“Chúng ta giờ đây có cơ hội để cải thiện quan hệ song phương – điều mà chúng ta chưa hề có trong một thời gian dài”, ông Klimov nói. “Hiện tại, việc chính đó là không để cơ hội này bị mất đi”.

Trong khi đó, một số nhà phân tích Nga và phương Tây tỏ ra nghi ngờ cam kết của ông Putin rằng Moscow sẵn sàng thảo luận một cách trung thực và cởi mở về tình hình Ukraine và Syria. Đây cũng chính là hai địa điểm mà Nga đang thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định và mở rộng ảnh hưởng của mình.

426 1 Tu Noi Toi Lam Nga Tang Ap Luc Giua Song Gio Noi Bo My

Thắng lợi cho Nga và bản thân Tổng thống Putin

“Chúng tôi đã chờ đợi cuộc gặp này kể từ khi ông Trump trúng cử; bởi vì ông đã hứa sẽ cải thiện quan hệ với Nga”, Leonid Kalashnikov, Chủ tịch Ủy ban hòa nhập Âu Á của Hạ viện Nga, nói về hội nghị thượng đỉnh hôm 16/7. “Tôi nghĩ rằng, hiện tại Nga đang thắng thế – chúng ta vẫn chưa biết được kết quả thực sự, nhưng chỉ riêng việc cuộc gặp này diễn ra đã là một chiến thắng cho chúng ta”.

Theo Washington Post, thượng đỉnh Helsinki là một thắng lợi cá nhân cho Tổng thống Putin. Sau làn sóng ủng hộ kể từ khi Nga quyết định sáp nhập Crimea năm 2014, trong những tháng gần đây, tỷ lệ cử tri đặt niềm tin vào ông Putin đã sụt giảm khoảng 20%, xuống còn 50%. Nguyên nhân được cho là tình trạng kinh tế trì trệ cũng như việc chính phủ muốn tăng độ tuổi nghỉ hưu. Cuộc gặp mặt với Tổng thống Trump đã giúp củng cố hình ảnh ông Putin như một nhà lãnh đạo đang tái gây dựng ảnh hưởng của Nga trên chính trường quốc tế, đồng thời là một chính trị gia sẵn sàng “mặt đối mặt” với người đứng đầu cường quốc số một toàn cầu.

Còn luật sư Vyacheslav Nikonov đánh giá, thượng đỉnh Helsinki diễn ra vào thời điểm “tất cả đều nhắc tới Nga như một đất nước với nền kinh tế yếu kém và bị quốc tế cô lập”. Giờ đây, Nikonov tin tưởng, thế giới “đã hiểu rằng, tình hình trên hành tinh này phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa hai cường quốc”.

Điện Kremlin gần như chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên Tổng thống Trump về lời hứa cải thiện quan hệ Mỹ – Nga, bất chấp những đối nghịch trong nội bộ Washington. Chia sẻ trên một đài truyền hình Nga hôm 16/7, ông Putin cho biết có thể sẽ gặp lại Tổng thống Trump sớm – nhiều khả năng là tại Thượng đỉnh Đông Á ở Singapore hoặc hội nghị nhóm G20 ở Argentina lần lượt vào tháng Mười một và Mười hai năm nay.

Trong khi đó, làn sóng chỉ trích những gì ông Trump đã thể hiện ở cuộc họp báo với người đồng cấp Nga trên khắp nước Mỹ lại một lần nữa làm nổi bật lên hình ảnh Tổng thống Mỹ đang một mình đương đầu sóng gió vì một tương lai tươi sáng hơn trong quan hệ Nga – Mỹ.

“Đối với công chúng, những bình luận của ông Trump chứng tỏ một luận điểm vẫn được truyền thông nhà nước Nga lưu hành,” Alexander Gabuev, học giả cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow chỉ ra. Theo Gabuev, đó là: “Donald Trump có thể là một người kỳ lạ, nhưng ông ấy là một người tốt, đủ khôn khéo để hiểu tầm quan trọng của việc Mỹ trở thành bạn với Nga”.

Nguồn: toquoc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga