Khi Putin lên chuyến tàu băng qua cầu vượt biển từ Crimea hồi đầu tuần, giới phân tích coi đây là màn phô diễn quyết tâm giữ bán đảo.

"Đây là một thông điệp nữa từ Putin rằng nước Nga sẽ không bao giờ từ bỏ Crimea", Andrei Kolesnikov, chuyên gia từ Trung tâm Carnegie Moscow, nói về việc Tổng thống Vladimir Putin ngày 23/12 khánh thành cầu đường sắt mới băng qua eo biển Kerch. "Ông ấy chứng minh rằng Crimea là của chúng tôi, là lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi đang phát triển vùng lãnh thổ này".

132 1 Thong Diep Putin Phat Di Tu Chuyen Tau Crimea

Tổng thống Putin trên tàu đi qua cầu Kerch hôm 23/12. Ảnh: AFP.

Bắt đầu từ bán đảo Taman, vùng Krasnodar, phía nam Nga, cây cầu đường sắt dài 19 km vượt qua eo biển Kerch đến Crimea, nơi từng là căn cứ chính hạm đội Biển Đen của Nga. Đây là cầu đường sắt dài nhất châu Âu, song song với cầu đường bộ được mở cửa tháng 5/2018.

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng không được Mỹ, Liên minh châu Âu công nhận và bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế. Cây cầu đường sắt mới cũng hứng chịu những chỉ trích tương tự cầu đường bộ. Liên minh châu Âu lên án nó là "một bước nữa trong việc cưỡng ép sáp nhập bất hợp pháp bán đảo".

Các quan chức Ukraine cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra với cáo buộc các đoàn tàu chở người trái phép qua biên giới Ukraine. Văn phòng phụ trách vấn đề Crimea của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra thông cáo rằng "đó là hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cho thấy Điện Kremlin coi thường các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế".

132 2 Thong Diep Putin Phat Di Tu Chuyen Tau Crimea

Vị trí cầu vượt eo biển Kerch. Đồ họa: Russia Briefing.

Nhưng vì Nga sẵn sàng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây chứ không thay đổi lập trường đối với Crimea, Zelensky gần như không thể làm được gì nhiều. Ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ "lấy lại những vùng đất bị mất", bao gồm Donbass ở đông Ukraine, nơi các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai trong 5 năm qua đã khiến ít nhất 13.000 người thiệt mạng.

Sau cuộc đàm phán đầu tiên với Putin tại Paris hồi đầu tháng này, Zelensky một lần nữa khẳng định "Donbass, giống như Crimea, là lãnh thổ của Ukraine".

"Ông ấy còn có thể nói gì khác đây?", Alexei Makarkin, phó chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị, nhóm nghiên cứu ở Moskva, nói. "Nếu bạn là chiến lược gia chính trị cho Tổng thống Zelensky, bạn còn có thể khuyên ông ấy nói gì khác khi ông ấy đang bị chỉ trích là nhượng bộ Nga?"

132 3 Thong Diep Putin Phat Di Tu Chuyen Tau Crimea

Cầu nối Crimea với Taman qua eo biển Kerch. Ảnh: AFP.

Không giống như ở Donbass, nơi một cuộc trao đổi tù nhân dự kiến diễn ra trước cuối năm nay, Tổng thống Ukraine thừa nhận Kiev không có kế hoạch cụ thể để giành lại quyền kiểm soát Crimea từ tay Nga. Zelensky nói rằng ông cần sự giúp đỡ từ các quốc gia khác để làm được điều đó.

Việc Nga mở cây cầu thứ hai đến bán đảo Crimea càng khiến tính toán của Zelensky trở nên bất khả thi. Một số người đã phản đối thỏa thuận của ông với Putin nhằm giảm bớt căng thẳng ở Donbass, bao gồm rút quân chính phủ Ukraine khỏi tiền tuyến và tổ chức bầu cử ở các khu vực do phe ly khai kiểm soát.

"Đây là một vấn đề đau đầu đối với hình ảnh và mức tín nhiệm của Tổng thống Zelensky", Kolesnikov nói. "Việc này gây khá nhiều tổn hại cho Zelensky, nhưng đó là thực tế".

Grand Service Express, công ty vận hành dịch vụ đường sắt đến Crimea, có kế hoạch mở 8 tuyến tàu mới từ các tỉnh thành của Nga đến khu vực này khi mùa du lịch bắt đầu vào tháng 5/2020.

Hai tuyến đi trực tiếp từ Moskva và St. Petersburg tới Crimea mà không đi qua lãnh thổ Ukraine bắt đầu được đưa vào vận hành cuối tháng 12. Chuyến tàu đầu tiên từ St. Petersburg đi thành phố Sevastopol của Crimea khởi hành hôm 23/12 với giá vé 3.650 rouble (57 USD), còn chuyến từ Moskva tới thủ phủ Simferopol của Crimea khởi hành một ngày sau đó với giá vé 2.966 rouble (46 USD).

Rostourism, cơ quan du lịch quốc gia Nga, dự đoán lưu lượng du khách đến Crimea sẽ tăng 20% nhờ tuyến đường sắt. Trong khi đó, công ty đường sắt Russian Railways đang nghiên cứu khả năng sử dụng cảng Taman để vận chuyển hàng hóa như than đá đến Ấn Độ thông qua kênh đào Suez.

"Đây là tín hiệu cho thấy Nga đang đầu tư rất nhiều để kết nối Crimea với phần còn lại của Nga. Nga sẽ không bao giờ từ bỏ Crimea", Makarkin nói.

Vũ Phương (Theo WSJ)

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga