Nghiên cứu trên 141 công ty Đức ở Nga cho thấy thiệt hại là 1,2 tỷ USD kể từ năm 2014 vì trừng phạt của Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nga – Đức Matthias Schepp mới đây dẫn số liệu cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga đã khiến các công ty Đức hoạt động tại Nga thiệt hại hàng tỷ euro.

426 1 Them Minh Chung My Trung Phat Nga Chau Au Chiu Thiet
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nga – Đức Matthias Schepp

“Có hơn 4.500 công ty Đức hoạt động tại Nga và nền kinh tế Đức đều chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Mỹ. Có thể tính toán được các tổn thất do Mỹ mang tới gây ảnh hưởng tới họ lên tới vài tỷ euro” – ông Schepp nói trong cuộc họp báo.

Phòng này đã tiến hành một nghiên cứu trên 141 công ty Đức tại Nga và phát hiện ra, các doanh nghiệp này đã mất tổng cộng 1,1 tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD) kể từ Mỹ áp đặt trừng phạt lên Nga vào năm 2014.

Chủ tịch Rainer Zele của Phòng Thương mại Nga- Đức cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nhiều công ty Đức hoạt động tại Nga là cách để giành lợi thế trên thị trường.

Ông Zele trong một tuyên bố mới nhất đã kêu gọi Chính phủ Đức sớm có động thái giảm thiểu thiệt hại từ trừng phạt Mỹ và EU đối với Nga. Động thái đơn giản nhất là gỡ bỏ các trừng phạt của châu Âu lên Nga.

“Các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng, không phục vụ mục đích chính trị của Mỹ và của châu Âu, đồng thời gây hại cho EU trong dài hạn” – ông Zele nói.

Phòng Thương mại Nga- Đức cho biết, 87% thành viên của họ muốn Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Nga bằng cách tham dự nhiều sự kiện kinh tế ở nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã ký cam kết cải thiện quan hệ kinh tế với Nga tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế lớn nhất tại St. Petersburg. Ông là bộ trưởng cao cấp đầu tiên của Đức tham gia một hội nghị ở Nga kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014.

Dẫu thừa nhận là chịu thiệt hại từ trừng phạt kinh tế của Nga, Phòng Thương mại Nga- Đức cho biết, hầu hết các công ty hoạt động ở Nga vẫn kinh doanh tốt do được tạo điều kiện tốt. Họ mong muốn “các công ty hy vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng” trong tương lai gần. Khoảng 39% các công ty muốn đầu tư nhiều hơn vào Nga.

Sự thật là chính quyền của bà Merkel hiểu rõ về bản chất của trừng phạt kinh tế Nga từ phía Mỹ. Do đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ hay các quốc gia châu Âu khác, Berlin vẫn tiếp tục cam kết thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 với Nga cùng các đối tác châu Âu khác.

Là quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu, Đức còn tính thiệt hại kinh tế theo từng tháng.

Các chuyên gia từ Viện Kiel về kinh tế thế giới đã ước tính mỗi tháng nền kinh tế Đức chịu lỗ 727 triệu USD, đây là mức thiệt hại nghiêm trọng với quốc gia châu Âu này.

Tháng 1/2017, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế phụ trách phía Đông Đức Wolfgang Büchel đã cho biết các biện pháp trừng phạt Nga đã làm Đức tổn thất 60.000 việc làm và gây ra thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục tỷ euro cho toàn bộ Liên minh châu Âu.

Tháng 11/2017, Đảng “Sự lựa chọn cho nước Đức” thừa nhận: các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Đức và đời sống người dân nước này. Giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp, trong khi đó nhiều công ty phá sản.

Các nhà phân tích nói rằng Berlin chịu gần 40% tổng thiệt hại của phương Tây do tình trạng quan hệ kinh tế và thương mại với Nga xấu đi.

Số liệu trong năm 2015 cho thấy, tổn thất của các nước phương Tây do các hạn chế thương mại với Nga lên đến 44 tỷ USD và EU chiếm 90% trong số liệu thiệt hại này.

Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã từng nói về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như “gậy ông đập lưng ông” khi châu Âu cũng phải chịu tổn thất kinh tế. Trong khi đó, Mỹ vốn là quốc gia ít có hợp tác với Nga nên dù tung trừng phạt lớn tiếng tới đâu, thiệt hại của Mỹ là không quá lớn.

Cuối năm 2017, báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới đã chỉ ra xuất khẩu của Anh sang Nga giảm 7,9%, Pháp giảm 4,1%, trong khi Mỹ chỉ giảm 0,6% thiệt hại về xuất khẩu.

Những tín hiệu tích cực gần đây giữa Nga và EU đang thể hiện rõ ràng sự cải thiện hợp tác kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Pháp Eduard Philippe đã cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với Nga vừa được EU gia hạn không phải sẽ duy trì vĩnh viễn, mà có thể được một quốc gia hủy bỏ bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi biết rằng các biện pháp trừng phạt không phải là một chế độ vĩnh viễn, một quốc gia vẫn có thể bị hủy bỏ nó bất cứ lúc nào” – Thủ tướng Pháp cho biết thêm.

Dẫu vậy, theo cách giải thích của Thủ tướng Eduard Philippe, các lệnh trừng phạt Nga có thể được gỡ bỏ một khi hai nước có quan điểm thống nhất về tình hình xung đột ở Ukraine.

426 2 Them Minh Chung My Trung Phat Nga Chau Au Chiu Thiet
Châu Âu băt đầu kiềng nể sự ảnh hưởng của Nga, mời Moscow trở lại Hội nghị PACE.

EU lâu nay luôn có quan điểm ủng hộ Ukraine bởi Kiev được sự bảo trợ của Mỹ. Nhưng càng trong thời gian gần đây, EU càng có những bước đi lệch sóng với Kiev. Bất chấp phản ứng của Ukraine và Anh tại Hội đồng Nghị viện (PACE) của Ủy hội Châu Âu (CoE) về khôi phục hoạt động của phái đoàn Nga, Châu Âu vẫn mở cửa chào Nga quay lại.

Đứng trước các sức ép từ Mỹ, châu Âu tất yếu phải lựa chọn cho mình những tuyên bố phù hợp song hơn ai hết, họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc quay trở lại hợp tác với Nga.

Cuối cùng, thay vì chọn thiệt hại hàng tỷ euro, châu ÂU đã đến lúc cần xem xét việc có nên tiếp tục nghe theo sự điều chỉnh của Mỹ, ủng hộ Ukraine để đối đầu với Nga hay không.

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga