“Động lực chính cho những sửa đổi này nhằm đảm bảo cho sự phát triển lớn mạnh hơn của Nga…”

Ngày 16/1, Tass trích dẫn phát biểu của Tổng thống Putin cho biết, những sửa đổi được đề xuất không ảnh hưởng tới cốt lõi của hiến pháp Nga.

“Động lực chính cho những sửa đổi này nhằm đảm bảo cho sự phát triển lớn mạnh hơn của Nga như một nhà nước được quản lý bởi luật pháp và nâng cao hiệu quả của các thể chế chính trị”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo Tổng thống Nga những sửa đổi mà ông đề nghị sẽ gia tăng tầm quan trọng của quốc hội, từ đó thúc đẩy vai trò phối hợp của Chính phủ và Quốc hội trong ban hành và thực thi các chính sách.

“Hãy tưởng tượng: Thủ tướng được bổ nhiệm và Tổng thống không có quyền bác bỏ ứng viên Thủ tướng, sau đó Thủ tướng gửi đề xuất không phải tới Tổng thống, mà là tới Quốc hội và Quốc hội cuối cùng sẽ phê chuẩn nội các. Tổng thống không có quyền bác bỏ trong trường hợp này”, ông Putin giải thích về thay đổi.

426 1 Thay Mau Noi Cac Nga Ong Putin Noi That
Tổng thống Nga Putin.

“Nga, mặc dù vẫn là nước cộng hòa Tổng thống, nhưng sẽ trở nên cởi mở hơn”, Putin trấn an và nhấn mạnh rằng, Tổng thống có quyền bãi miễn nội các trong trường hợp cần thiết.

Ngày 15/1 được xem là ngày biến động của chính trường Nga với một loạt sự kiện quan trọng, bắt đầu bằng Thông điệp Liên bang đầy bất ngờ của Tổng thống Putin. Trong Thông điệp Liên bang, ông kêu gọi sửa hiến pháp theo hướng siết chặt quyền lực của Tổng thống, kêu gọi Quốc hội đứng ra thành lập Chính phủ.

Sau Thông điệp Liên bang của Putin, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cùng toàn bộ nội các đã đệ đơn từ chức. Ông Medvedev sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, nơi ông Putin làm Chủ tịch.

Nhiều chuyên gia dự báo, động thái của ông Putin nhằm chuẩn bị cho tương lai chính trị của chính ông sau khi rời Điện Kremlin vào năm 2024. Nhiều khả năng, ông Putin sẽ tiếp tục là người giữ vai trò ảnh hưởng trong chính trị Nga những năm tới.

Tuy nhiên, các đề nghị thay đổi hiến pháp không cho biết rõ ông Putin sẽ giữ vị trí gì sau năm 2024. Ông có thể trở thành Thủ tướng, Chủ tịch hạ viện, hoặc làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được tăng thêm quyền.

“Putin thích tạo ra những khả năng cho mình, ông thích mở nhiều cánh cửa trong hệ thống và để lại quyết định cho đến phút cuối cùng. Bây giờ hệ thống sẽ ở trong trạng thái chờ đợi”, Oleg Ignatov, nhà tư vấn chính trị từng làm việc cho đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bình luận.

Trong khi đó, Georgy Satarov – người từng là phụ tá của cựu Tổng thống Boris Yeltsin và là một trong những tác giả của hiến pháp Nga hiện tại cho rằng, những thay đổi hiến pháp sắp tới sẽ giúp loại bỏ bất kỳ cản trở chính trị nào đối với việc ông Putin chuyển sang chức vụ khác.

Ở một góc nhìn khác, Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn trong chính quyền của cả ông Putin và Medvedev cho rằng, ông Putin có thể bám trụ quyền lực nhưng việc thiếu cạnh tranh chính trị và những ý tưởng mới khiến người ta nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của Chính phủ của ông.

“Đây là những thay đổi mang tính hình thức chỉ có thể hoạt động miễn là chế độ hiện có được lưu giữ. Nhưng việc chuyển đổi cần chuẩn bị cho trường hợp Putin rời đi và hệ thống cần ổn định trong điều kiện mới”, ông Pavlovsky nói.

Lâm An

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga