Việc sử dụng lao động nô lệ ở Nga bị cấm. Bộ luật Hình sự Liên bang Nga dành riêng Điều 127.2 để quy định về tội sử dụng lao động nô lệ, theo đó người chủ có thể phải đối mặt với mức án lên đến 15 năm tù. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tồn tại bởi lợi nhuận mang lại cho chủ nô là rất lớn.
426 Content No Le An Xin
Một nô lệ ăn xin có giá từ 50.000 đến 80.000 rúp

Bị ép uống thuốc an thần

Vào những ngày trước năm mới 2018, các thành viên của nhóm tình nguyện tìm kiếm người mất tích ở Nizhny Novgorod đã phát hiện một người tàn tật ngồi xe lăn đi ăn xin bị lạnh cóng ở quảng trường thành phố. Ông này đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau khi tỉnh lại, người đàn ông cụt chân cho biết tên là Valery Shvets 66 tuổi, không có giấy tờ tùy thân. Mặc dù không biết đang ở thành phố nào, nhưng ông khẳng định mình làm việc cho các ông chủ. Các tình nguyện viên sau đó đã tìm được căn hộ nơi ông Valery sống cùng với một người ăn xin khác. Theo những người hàng xóm, buổi sáng hàng ngày, có 3 người Di-gan chở 2 người tàn tật này đến những nơi đông người để ăn xin, sau đó thỉnh thoảng đến thu những gì họ xin được và đưa họ về căn hộ vào buổi tối.

Các tình nguyện viên đã chuyển các thông tin thu thập được về ông Valery và người bạn của ông cho Alternativa, tổ chức xã hội tự nguyện tìm kiếm và giải phóng những người bị buộc phải làm việc như các nô lệ. Theo đại diện của Alternativa, ông Valery có thể đã bị ép uống thuốc an thần. 3 năm trước đây, ông bị bắt cóc và đưa đi khỏi Podolsk, tỉnh Odessa, Ukraine.

Để giúp ông Valery có thể trở về nhà, đại diện của Alternativa đã yêu cầu người vợ gửi hộ chiếu của ông sang Nga. Sau đó, ông Valery được đưa về Ukraine an toàn. Còn người ăn xin thứ hai cũng được đưa đến cảnh sát và sau đó đã trả về Moldavia. Tuy nhiên, những kẻ bắt cóc và buộc ông Valery làm việc như nô lệ vẫn được tự do mặc dù các cơ quan chức năng ở Nizhny Novgorod đã vào cuộc.

Trong khi đó, đêm Giao thừa năm 2018, Igor Ananiev và Alexander Kostramin đã trốn khỏi nhà máy gạch ở Dagestan và tìm đến nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương. Ông Kostramin đã làm việc như nô lệ tại nhà máy gạch được 2 năm. Để thoát thân, ông phải giả vờ sắp chết vì bị bệnh truyền nhiễm. Còn ông Ananiev bỏ trốn sau 1 tháng rưỡi làm việc. Họ đến đây làm việc vì tin vào lời hứa được chủ trả lương cao…

Đứng ở vị trí thứ 7 về số lượng nô lệ

Đến thời điểm này, Alternativa đã giải phóng được hơn 500 người và làm mọi việc có thể để các chủ sử dụng lao động nô lệ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thực hiện được điều này. Để khởi tố được vụ án, cần phải có đơn trình báo của bị hại nộp tại cơ quan chức năng nơi giam giữ nô lệ…

Theo số liệu năm 2016 của Tổ chức Walk Free Foundation, Nga đứng ở vị trí thứ 7 về số lượng nô lệ với 1.048.500 người. Con số này tính chung cả những người bị cưỡng bức lao động và bị xâm phạm quyền tự do, phẩm giá trong mọi mối quan hệ. So với năm 2013, số lượng này đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nô lệ ở Nga chủ yếu là công dân của các nước láng giềng. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, có 3 hình thức nô lệ chủ yếu là tình dục, lao động và ăn xin.

Theo người sáng lập và lãnh đạo Alternativa ông Oleg Melnikov, các nô lệ thường không nhận mình là nô lệ vì họ bị chủ giữ giấy tờ, sợ bị đánh đập và giết hại. Họ bị chủ “nhồi sọ” rằng sẽ không thể trốn thoát vì cảnh sát khu vực và tuần tra hàng tháng đã nhận tiền bảo kê. Ông Melnikov cho rằng, chủ của nô lệ ăn xin có thể hoàn lại vốn chỉ sau hơn 1 tuần. 1 người ăn xin ở Matxcơva kiếm được từ 5.000 đến 15.000 rúp/ngày, trong khi được mua với giá chỉ từ 50.000 đến 80.000 rúp…

Nguồn: anninhthudo.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga