Khoảng 18.000 quân đến từ 19 quốc gia, hầu hết là các nước thành viên NATO, đã rầm rập kéo đến Ba Lan và các nước Baltic để tham gia một cuộc tập trận “dương oai diễu võ” ngay trước cửa ngõ của Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO đang căng thẳng cao độ.
426 Content Quan Doi 19 Nuoc Tap Tran Ngay Truoc Cua Ngo Cua Nga
Hình ảnh cuộc tập trận Saber Strike

Cuộc tập trận nói trên được khai hỏa hôm 03/06 và sẽ kéo dài cho đến ngày 15/06 với mục đích được tuyên bố là để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ở sườn phía tây của họ trước một đối thủ ngày càng mạnh và cứng rắn – Nga. Đây là cuộc tập trận Saber Strike thứ 8 của NATO.

“Họ (các tiểu đoàn NATO) sẽ được thử thách trong cuộc tập trận Saber Strike và cuộc tập trận này thể hiện cam kết của liên minh NATO với các thành viên”, Thiếu tướng Mỹ Richard Coffman đã phát biểu như vậy tại lễ khai hỏa cuộc tập trận diễn ra ở thủ đô Vilnius của Lithuania.

Cuộc tập trận chứng tỏ “tính linh hoạt được nâng cao của các lực lượng lục quân và không quân trong việc phản ứng nhanh với một cuộc khủng hoảng. Điều này cho phép chúng ta có thể có được sự hiện diện thích hợp ở nơi chúng ta cần”, Tướng Coffman cho biết đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực để tiến hành các chiến dịch tổng hợp chung”.

Cuộc tập trận mới nhất nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ba Lan vừa tiết lộ kế hoạch mời quân đội Mỹ đến đóng cố định trên lãnh thổ của nước này trong một động thái nhằm củng cố khả năng đối phó với nước láng giềng Nga.

Theo bản đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan bị lộ ra bên ngoài, Ba Lan hứa sẽ hỗ trợ tích cực cho kế hoạch triển khai quân Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan “thông qua việc đóng góp từ 1,5 đến 2 tỉ USD. Số tiền trên sẽ được đầu tư để thiết lập các cơ sở quân sự chung đồng thời tạo điều kiện để giúp các lực lượng Mỹ có thể hoạt động linh hoạt ở Ba Lan. Cùng với đó, Ba Lan và Mỹ có thể tạo dựng một mối quan hệ gắn bó mạnh mẽ hơn – một mối quan hệ giúp đảm bảo sự an toàn, an ninh và tự do của nhân dân Ba Lan trong nhiều thế hệ sắp tới”.

Đề xuất trên nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của Moscow. Điện Kremlin đã cảnh báo hậu quả không chỉ đối với Ba Lan mà đối với cả toàn bộ Châu Âu.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.

Cuộc đối đầu giữa Nga và NATO chưa có dấu hiệu dừng lại. Phát biểu tại Warsaw ngày hôm qua (04/06), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, ông mong chờ các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Bảy tới ở Brussels sẽ đưa ra quyết định về việc “tăng viện thêm lực lượng cũng như tăng cường tính cơ động và khả năng sẵn sàng” của các lực lượng quân sự đang được triển khai ở Châu Âu, đặc biệt là 4 nhóm chiến đấu mới được triển khai từ năm 2016 nhằm đối phó với Nga.\

Nguồn: vnmedia.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga