Những cuộc biểu tình nhỏ bé, những bình luận nghi ngờ thể hiện sự cay đắng trong bất lực trước đông đảo người dân ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.

Mỹ và Liên minh châu Âu hôm 2/7 đã cùng lên tiếng nghi ngờ về tính xác thực của cuộc bỏ phiếu về gói sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất.

132 1 Phuong Tay Cay Dang Vi Dan Nga Lam Tang Suc Manh Putin

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hôm 2/7 lên tiếng về các lo ngại đối với kết quả bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp.

"Chúng tôi cảm thấy lo ngại trước các báo cáo về nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm thao túng kết quả của đợt bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp gần đây, trong đó có các thông tin về việc cưỡng ép người bỏ phiếu, gây áp lực với phía phản đối sửa đổi và hạn chế các bên giám sát độc lập tiếp cận cuộc bỏ phiếu" - bà Ortagus nói.

Cùng ngày 2/7, EU đã kêu gọi Nga điều tra về các điểm bất thường liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân.

"Chúng tôi được biết về một số thông tin và cảnh báo xoay quanh các điểm bất thường trong cuộc bỏ phiếu bao gồm cưỡng ép người tham gia, bỏ phiếu 2 lần, vi phạm tính bảo mật của cuộc bỏ phiếu, cũng như các cảnh báo về việc cảnh sát sử dụng vũ lực với một phóng viên tại hiện trường" - người phát ngôn của EU, ông Peter Stano, nói.

Đồng thời, EU yêu cầu Nga tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, mặc cho Hiến pháp Nga được sửa đổi như thế nào.

"Chúng tôi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, vì thế chúng tôi không chấp nhận kết quả bỏ phiếu ở Crimea và khu vực phía đông của Ukraine" - ông Stano cho biết.

Tại Nga, trong ngày bỏ phiếu chính 1/7, tại Quảng trường Pushkin ở trung tâm Thủ đô Moscow, những người phản đối sửa đổi Hiến pháp đã tiến hành cuộc biểu tình.

132 2 Phuong Tay Cay Dang Vi Dan Nga Lam Tang Suc Manh Putin

Một nhóm người không ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nga đã tụ tập tại trung tâm Moscow để phản đối. Ảnh: AP

Theo các phóng viên của mạng tin tức RBC và Medusa, hàng trăm người đã tham gia cuộc biểu tình trên, trong đó có nhiều nhà báo. Theo ước tính của đài Tiếng vọng Moscow, có khoảng 300 người biểu tình đã tụ tập tại Quảng trường Pushkin.

Mạng OVD-Info cho biết, 14 người biểu tình đã bị bắt giữ ở Thủ đô Moscow. Cảnh sát Nga đã bắt giữ tổng cộng 24 người phản đối sửa đổi Hiến pháp trên toàn quốc.

Chính trị gia Nga có quan điểm đối lập với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Alexei Navalny cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không phản ánh ý kiến thật sự của công chúng.

Ông Navalny còn tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình quy mô lớn vào mùa thu để phản đối kết quả bỏ phiếu. Chính trị gia đối lập cho rằng, do tình hình dịch bệnh COVID-19 mà các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa được tổ chức nhưng đến mùa thu, sẽ có hàng triệu người tham gia biểu tình.

Tờ CNN bình luận, ông Putin đã nắm quyền trong hơn 20 năm, đứng ở vị trí thứ 14 trong danh sách các nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất thế giới, ngoại trừ hoàng gia là những lãnh đạo thường phục vụ suốt đời.

132 3 Phuong Tay Cay Dang Vi Dan Nga Lam Tang Suc Manh Putin

CNN tổng hợp danh sách các lãnh đạo lâu nhất thế giới. Đồ họa: CNN

Trang báo Mỹ còn liệt kê các nhà lãnh đạo trên thế giới đang điều hành đất nước cho đến nay và ông Putin hiện mới đứng thứ 14 với thời gian nắm quyền lãnh đạo là 20 năm. Nếu Hiến pháp sửa đổi tiếp tục cho phép ông Putin kéo dài quyền lực đến năm 2036 và các lãnh đạo thế giới khác có sự thay đổi quyền lực thì Tổng thống Nga có thể xếp vào "top 5" các lãnh đạo "trị vì" lâu nhất thế giới.

Tổng thống Putin cảm ơn người dân Nga

Hôm 2/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lòng biết ơn người dân Nga đã tin tưởng và ủng hộ ông, sau khi trưng cầu dân ý cho thấy 78% tán thành sửa hiến pháp.

"Cảm ơn rất nhiều vì sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người" - Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình.

Ông Putin nhắc lại rằng các sửa đổi hiến pháp là cần thiết vì chúng "cải thiện hệ thống chính trị và củng cố các bảo đảm xã hội" cũng như "tăng cường chủ quyền".

"Liên Xô tan rã cách đây chưa lâu. Chúng ta vẫn rất dễ bị tổn thương ở nhiều khía cạnh. Như mọi người nói, rất nhiều thứ đã được gắn kết lại với nhau. Chúng ta cần sự ổn định nội bộ và thời gian để củng cố đất nước và thể chế của nó" - nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Nga cũng nói rằng ông hiểu những người bỏ phiếu phản đối sửa đổi hiến pháp, chỉ ra rằng "nhiều vấn đề chưa được giải quyết". Nhưng kết quả bỏ phiếu "cho thấy phần lớn công dân Nga tin rằng chúng ta có thể làm việc tốt hơn" và chính phủ "phải làm mọi cách để chứng minh sự tin tưởng này là đúng".

132 4 Phuong Tay Cay Dang Vi Dan Nga Lam Tang Suc Manh Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: AP

Ông không đề cập việc hiến pháp mới cũng "tính lại" các nhiệm kỳ tổng thống trước đây, cho phép ông có thể tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 6 năm, sau khi mãn nhiệm vào năm 2024.

Thông tấn TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng, Điện Kremlin coi kết quả bỏ phiếu là một chiến thắng.

"Chắc chắn, [Điện Kremlin] gọi [kết quả của cuộc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp] là một chiến thắng. Trên thực tế, trên thực tế, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức dựa trên niềm tin vào Tổng thống Putin" - ông Peskov nói với các phóng viên.

Hãng tin RBC cho biết, kết quả bỏ phiếu lần này vượt quá mong đợi của chính quyền tổng thống Nga Putin.

“Không ai ngờ rằng, trong bối cảnh đại dịch lây lan, tình hình kinh tế khó khăn và mùa hè nóng nực, kết quả bỏ phiếu lại có thể cao như thế. Không bê bối, số người vi phạm quy định ở mức tối thiếu. Đây là một chiến thắng”, hai nguồn nội bộ Kremlin tiết lộ với RBC.

Trước đó, các quan chức Kremlin hy vọng, sẽ có khoảng 60% cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố sau khi kiểm 100% phiếu bầu, có 77,92% cử tri bỏ phiếu thuận, 21,27% bỏ phiếu chống trong cuộc trung cầu dân ý toàn Nga về Hiến pháp sửa đổi. 65,28% người Nga đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu từ ngày 25/6-1/7.

Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu lần này cũng vượt xa kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới do Tổng thống đưa ra năm 1993. Khi đó, tỷ lệ cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu bỏ phiếu là 54,81%, kết quả có 58,43% phiếu thuận và 41,57% phiếu chống.

Huy Vũ

theo Báo Đất Việt

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga