Ngày 13-6-2019, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Liên bang (LB) Nga Vladimir Putin ra lệnh sa thải hai sĩ quan cấp cao của Cảnh sát thủ đô Mát-xcơ-va, đều mang hàm Thiếu tướng, vì liên quan tới vụ bắt giữ nhà báo Ivan Golunov gây bất bình trong dư luận.

 

Quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu tỏ rõ quyết tâm của nhà lãnh đạo Nga và chính quyền Liên bang trong nỗ lực chống tham nhũng- tệ nạn vẫn đeo đẳng trong xã hội nước này.

Vấn nạn nhức nhối

Nhà báo Golunov, 36 tuổi, người chuyên viết thể loại điều tra tham nhũng, bị cảnh bắt giữ hôm 6-6 với cáo buộc tàng trữ và buôn bán ma túy. Nhà báo này phủ nhận tất cả các cáo buộc, cho rằng toàn bộ vụ việc mà ông dính líu là do dàn dựng. Khi vụ việc đuợc chuyển lên Bộ Nội vụ Nga, Bộ trưởng Kolokoltsev đánh giá “thiếu bằng chứng chứng minh sự liên quan của nhà báo” với các cáo buộc, đồng thời ra lệnh đánh giá tính hợp pháp của các hành động được thực hiện bởi những sĩ quan liên quan đến việc giam giữ Golunov. Đến ngày 11-6, Bộ trưởng Nội vụ Kolokoltse cho biết các bằng chứng do một đơn vị chống tội phạm ma túy ở Mát-xcơ-va thu thập được là không hợp lệ. Do đó, tất cả các cáo buộc chống lại nhà báo này đã bị hủy bỏ,Golunov đã được trả tự do. Các sĩ quan cảnh sát- những người bị nghi ngờ “đặt bẫy” Golunov, bị đình chỉ công tác trong khi một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành để làm rõ động cơ thực sự của họ trong vụ việc này là gì, có phải để che đậy sự mờ ám nào đó khỏi “thói tọc mạch” của báo giới hay không.

Vụ việc về Golunov gây tiếng vang, khiến các quan chức cao cấp và đích thân Tổng thống Putin vào cuộc không chỉ vì Golunov là nhà báo có uy tín, mà còn là chỉ dấu cho thấy sự công tâm của chính quyền trong việc bảo vệ những cá nhân nỗ lực tham gia chống tham nhũng trong bộ máy công quyền, trong đó có cả các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cần nhấn mạnh, tham nhũng là vấn nạn khá nhức nhối từ lâu tại Nga. Theo các đánh giá độc lập, LB Nga nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới, gây thiệt hại cho quốc gia này khoảng 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2017. Đấy mới là những khoản thất thoát cụ thể từ công quỹ, còn thiệt hại vô hình do tham nhũng còn lớn hơn nhiều. Trong những năm qua, tình trạng tham nhũng cản trở đáng kể hoạt động của các doanh nghiệp đang và có kế hoạch đầu tư vào nước Nga. Tham nhũng ở cấp cao, đặc biệt trong hệ thống tư pháp và đầu tư công, là phổ biến. Môi trường kinh doanh ở Nga đang bị áp đặt bởi những chính sách chưa phù hợp, cộng với đó là sự thiếu minh bạch cũng như thiếu trách nhiệm giải trình trong Chính phủ. Sự thiếu hiệu quả về mặt pháp lý đã làm tăng đáng kể chi phí kinh doanh và có tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh trên thị trường Nga. Luật Chống tham nhũng của Nga yêu cầu các công ty tích cực tuân thủ các chương trình chống tham nhũng của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định này trên thực tế không có hiệu quả. Luật pháp Nga đã hình sự hóa các khoản hối lộ chủ động và bị động, các khoản thanh toán để tạo thuận lợi trong kinh doanh, quà tặng và các lợi ích khác. Mặc dù vậy, việc thực thi pháp luật chống tham nhũng bị cản trở bởi chính hệ thống tư pháp yếu kém và tệ tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo cáo của Văn phòng Tổng Công tố LB Nga cho biết, số lượng nhân viên tham nhũng bị phát giác của FSB (Cơ quan An ninh LB), Bộ Nội vụ và Ủy ban Điều tra LB trong năm 2018 có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật, so với năm 2017, số lượng nhân viên tham nhũng thuộc các ban, ngành của Bộ Nội vụ tăng 1,6%, thuộc Ủy ban Điều tra tăng 38,1%, thuộc FSB tăng hơn 2 lần trong năm 2018.

Các công ty giao dịch trong hệ thống tư pháp của Nga phải đối mặt với rủi ro tham nhũng cao. Tham nhũng trong hệ thống tư pháp dưới nhiều hình thức bao gồm hối lộ và tạo bằng chứng giả. Các khoản hối lộ hay thanh toán bất thường được thực hiện để đổi lấy các quyết định thuận lợi của tòa án. Mặc dù theo luật pháp, Nga có hệ thống tư pháp độc lập nhưng các thẩm phán có thể chịu ảnh hưởng quá mức từ các chính trị gia, quân đội hay lực lượng an ninh khác, điều này đặc biệt đúng đối với các tòa án cấp thấp.

Trong những năm qua, hiệu quả từ các chiến dịch chống tham nhũng của Nga chưa thực sự được như kỳ vọng. Vì vậy, Tổng thống Putin đã phê duyệt kế hoạch chống tham nhũng quốc gia trong 2 năm 2018-2019, với hy vọng sẽ làm trong sạch nước Nga, với hàng loạt biện pháp mạnh tay, kiên quyết của chính quyền, đặc biệt trong việc “trong sạch hóa” các cơ quan bảo vệ pháp luật và tư pháp. Một trong những biện pháp nổi bật được thực hiện là việc từ đầu năm 2018, các quan chức từng bị cáo buộc tham nhũng hoặc bị sa thải vì “đánh mất lòng tin” được đưa vào hệ thống ghi chép và lưu trữ dữ liệu trực tuyến toàn quốc. Áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức Nga ở cấp Liên bang cũng như địa phương, các quân nhân, cơ quan hành pháp, tập đoàn Nhà nước và các tổ chức Nhà nước, hệ thống này giúp các cơ quan chính phủ và các công ty, doanh nghiệp tra cứu và từ chối tuyển dụng hay làm ăn với những ứng viên có tên trong “danh sách đen”.

Không có ai là “bất khả xâm phạm”

Các cuộc thăm dò dư luận tại Nga cho thấy, hầu hết người dân coi tham nhũng là “bám rễ” tại nước này và khó loại bỏ trong một sớm một chiều. Thực tế này cũng được chính quyền thẳng thắn thừa nhận. Ngày 9-4-2019, trong báo cáo hàng năm, Tổng Công tố viên LB Nga Yury Chaika cho biết, thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra trong năm 2018 tại nước này lên tới hơn 1 tỷ USD, cao hơn 66% so với năm 2017.

Tuy nhiên, vẫn có những tiến bộ trong cuộc chiến gay go này. Cũng theo báo cáo của Văn phòng Tổng Công tố LB Nga, 1.303 công chức nhà nước đã bị sa thải do nghi vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng trong năm 2018, so với con số 1.251 công chức bị sa thải trong năm 2017. Theo báo Moscow Times, số công chức này bị mất việc vì đã che giấu thông tin về thu nhập, mức chi tiêu và tài sản của họ, cũng như không giải quyết xung đột lợi ích và hoạt động kinh doanh vi phạm các lệnh cấm liên quan đến chống tham nhũng.

132 1 Phong Chong Tham Nhung Tai Lien Bang Nga  Cuoc Chien Quyet Liet Ben Bi

Cựu bộ trưởng Mikhail Abyzov (giữa) bị dẫn giải ra tòa với cáo buộc tham nhũng

Trong đó, nhiều lãnh đạo cấp cao, cán bộ thực thi pháp luật và cả các nhà lập pháp khu vực của Nga “vướng lưới”, bị điều tra, thậm chí rơi vào vòng lao lý vì những cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ. Gần đây nhất, vào cuối tháng 3-2019, sau hơn 2 năm theo dõi và thu thập bằng chứng, FSB bắt giữ cựu Bộ trưởng phụ trách Các vấn đề về Chính phủ mở Mikhail Abyzov với cáo buộc tham nhũng, khi ông này từ nước ngoài trở về Nga. Trước đó, cựu bộ trưởng này sinh sống ở I-ta-li-a và Mỹ kể từ khi rời khỏi chức vụ năm 2018. Năm 2015, ông ta từng nhận được mức lương cao nhất Chính phủ Nga, khoảng 9 triệu USD. Vào thời điểm rời khỏi chức vụ, tài sản của ông ta tăng lên đến 600 triệu USD, theo tạp chí Forbes.

Các kết quả cuộc điều tra theo hướng Abyzov là thủ lĩnh một tổ chức tội phạm được dựa trên dữ liệu các cuộc điện thoại giữa Abyzov và một bị can khác – Nicolai Stepanov, Tổng Giám đốc Công ty Ru Kom thuộc quyền kiểm soát của Abyzov – được công bố tại tòa án hôm 27-3. Tòa án khu vực Basman ở Mát-xcơ-va cáo buộc ông Abyzov và 5 đồng phạm thành lập một tổ chức tội phạm, biển thủ 62 triệu USD từ Công ty Năng lượng Siberia và hệ thống đường dây điện khu vực, các đơn vị sản xuất, chuyển tải điện ở vùng Novosibirsk và CH Altai ở Siberia. Các nhà điều tra cho biết tổ chức tội phạm này sau đó chuyển tiền ra nước ngoài tới một doanh nghiệp do Abyzov kiểm soát. Hành động đó bị đánh giá là “đe dọa sự phát triển kinh tế bền vững và an ninh năng lượng của đất nước”. Ông Abyzov, 46 tuổi, đối mặt với án phạt 20 năm tù giam.

Vụ bắt giữ cựu quan chức vừa rời khỏi nội các năm 2018 này được Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nhận định là minh chứng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng tại xứ sở Bạch dương đang diễn ra thực sự quyết liệt và không có ai là “bất khả xâm phạm”, dù từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào.

Bên cạnh đó, công tác giảm thiểu hậu quả tham nhũng tại Nga cũng được đánh giá là đạt hiệu quả tích cực hơn. Số liệu mới nhất cho thấy các công tố viên nước này thu hồi hơn 700 triệu USD từ các khoản bồi thường thiệt hại tự nguyện, tịch thu và sung công quỹ tài sản phi pháp từ năm 2018 đến nay.

Dù vậy, với quy mô của các vụ án tham nhũng và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga, giới quan sát nhận định những bước đi quyết liệt này cần được duy trì bền bỉ cho một cuộc chiến dài hơi. Đó cũng là quyết tâm của giới lãnh đạo Nga. Trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân ngày 20-6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Điều quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng là phải tiến hành liên tục, không khoan nhượng, không né tránh việc trừng phạt đối tượng phạm pháp. Đấu tranh chống tham nhũng được tiến hành công khai và tất cả các vụ án tham nhũng phải được điều tra tới cùng. Theo ông Putin, nhìn chung các vụ tội phạm tham nhũng ở Nga đã giảm nhờ cuộc chiến chống tham nhũng đang được tiến hành quyết liệt.

Phương Linh

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga