Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nước Nga ngày nay nên tránh thông lệ nguyên thủ quốc gia nắm giữ quyền lực vô hạn định.

Theo Sputniknews, ngày 18/1, mặc dù người dân quan ngại về sự ổn định của đất nước,

Ông Putin đưa ra phát biểu trên tại một hội nghị với các cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ 2 ở St. Petersburg.

Một đại biểu đã hỏi Tổng thống Putin rằng liệu Hiến pháp Nga có thể thay đổi theo hướng "không giới hạn nhiệm kỳ tổng thống với bất kỳ điều kiện cụ thể nào", để người dân có thể quyết định một tổng thống nên tiếp tục hay từ chức dựa trên thành tích của họ hay không.

Đại biểu này cũng cảm ơn ông Putin đã củng cố năng lực quốc phòng của Nga, nói thêm rằng giờ đây Tổng thống Putin có thể tập trung giải quyết các vấn đề khác.

132 1 Ong Putin Tranh Thong Le Nguyen Thu Nam Quyen Vo Han Dinh

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Ông Putin trả lời: "Đối với nhiệm kỳ tổng thống, tôi hiểu rằng nhiều người trong số chúng ta quan ngại về sự ổn định trong xã hội, ổn định trong đất nước, cả ổn định trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sẽ có rắc rối khi quay lại tình trạng như giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi các nguyên thủ quốc gia lần lượt nắm quyền đến ngày cuối cùng của họ và ra đi mà thiếu sự chuẩn bị những điều kiện thích hợp để chuyển giao quyền lực. Cảm ơn các bạn, nhưng tôi tin rằng tốt hơn là đừng trở lại điều đó, trở lại tình trạng như đã diễn ra trong những năm 1980".

Trước đó, trong thông điệp liên bang lần thứ 16, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông muốn thắt chặt các tiêu chuẩn đối với bất kỳ ai muốn trở thành tổng thống Nga.

Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ mong muốn trao quyền cho quốc hội trong việc chọn thủ tướng cho nước Nga.

Ông Putin cũng đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để đi đến nhất trí về bất kỳ thay đổi nào trong Hiến pháp Nga.

Toàn bộ nội các Nga gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev đồng loạt đệ đơn từ chức ngày 15/1, ngay sau khi ông Putin đọc thông điệp liên bang.

Dù Tổng thống Putin không đưa ra giải thích nào cho những "thay đổi nền tảng" này, giới phân tích cho rằng đây là một bước chuẩn bị để ông Putin tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.

"Ông Putin đang thực hiện cơ chế nhằm hạn chế quyền lực của người kế nhiệm", hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà tư vấn chính trị Tatiana Stanovaya nói.

Theo hiến pháp hiện tại, ông Putin sẽ không được phép tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2024. Năm 2008, ông từng "lách rào" khi lui về giữ cương vị thủ tướng trong bốn năm trong khi ông Medvedev nắm quyền tổng thống. Năm 2012, cả hai đổi ghế để ông Putin trở lại Điện Kremlin.

Theo nhà phân tích chiến lược Sergey Utkin, thuộc Viện Quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới Primakov tại Matxcơva, thay vì chọn cách đổi ghế lần nữa vào 2024, nhiều khả năng ông Putin sẽ trở thành lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, cơ quan sẽ được trao thêm nhiều quyền lực quan trọng trong hiến pháp sửa đổi.

"Ông Putin sẽ sử dụng cơ quan này để kiểm soát tất cả các nhánh của chính phủ mà không phải giải quyết các vấn đề hằng ngày", bà Stanovaya nhận định.

Cùng quan điểm, ông Utkin cho rằng ông Putin "đang tìm cách thiết lập một hệ thống ít tập trung quyền lực vào tổng thống, cho phép ông rời cương vị tổng thống nhưng vẫn kiểm soát trọn vẹn".

"Những thay đổi này khá rủi ro, ngay cả đối với ông Putin, nhưng tôi nghĩ ông ấy cũng cho rằng ngồi mòn mỏi trong văn phòng tổng thống cũng không phải là cách hay", ông Utkin nói với tờ The Global and Mail.

An Nhiên

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga