Nga nhắc nhở Mỹ bản chất mâu thuẫn Palestine – Israel, không thể dùng tiền và đại kế hoạch kinh tế Trung Đông để che phủ các bất đồng.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/6 ra thông báo cho rằng, kế hoạch kinh tế của Mỹ cho Trung Đông là “không hiệu quả” để giải quyết bất đồng Israel – Palestine.

426 1 Nga Tien Usd Se Khong The Giai Quyet Hoa Binh Trung Dong
Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jared Kushner là người lập ra kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Kế hoạch kinh tế Trung Đông của Mỹ nhằm thành lập một quỹ trị giá 50 tỷ USD để thực hiện các dự án khác nhau tại Palestine, Ai Cập, Jordan và Liban trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, Mỹ lại bỏ qua nhu cầu của Palestine nhằm thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập theo các đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem.

Bỏ qua nhu cầu cơ bản nhất của các quốc gia thành viên, kế hoạch kinh tế mới của Mỹ có nguy cơ đổ vỡ từ trong trứng nước.

“Cách tiếp cận này dường như không hiệu quả. Nguyên tắc chủ chốt để thiết lập hai nhà nước cho hai dân tộc vẫn là cơ sở duy nhất làm nền tảng cho một tương lai ổn định và hòa bình giữa người Israel và người Palestine” – thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Nga chỉ là một trong nhiều quốc gia đánh giá kế hoạch kinh tế này là một thất bại.

Các nước được Mỹ mời gọi tham gia vào đại kế hoạch cũng thất vọng vì sáng kiến mang tên “Thỏa thuận thế kỷ” được Mỹ xây dựng trong 2 năm qua lại không thực sự mang tới bất cứ giải pháp chính trị nào.

Thoạt nghe, “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ gồm hai phần là kinh tế và chính trị. Washington sẽ huy động hơn 50 tỷ USD và tạo ra một triệu việc làm cho người Palestine trong thập kỷ tới. Hơn một nửa trong số 50 tỷ USD trên sẽ được đầu tư cho vùng lãnh thổ Palestine, số còn lại sẽ đầu tư cho các nước Ai Cập, Lebanon và Jordan.

Một số dự án được triển khai ở bán đảo Sinai sẽ mang lại lợi ích cho người Palestine ở vùng Gaza, như: Dự án xây dựng hành lang giao thông nối vùng duyên hải với Bờ Tây trị giá 5 tỷ USD hay dự án phát triển ngành du lịch Palestine trị giá gần 1 tỷ USD.

Phẩn chính trị được Nhà Trắng đảm bảo: “Nếu được triển khai, kế hoạch trên sẽ cho phép người Palestine xây dựng một xã hội mà họ đã mong muốn qua nhiều thế hệ”.

Nhưng thực chất, việc Nhà Trắng hứa hẹn về yếu tố chính trị trong kế hoạch này, mang tới một tương lai tươi sáng cho Palestine chỉ như… một mẩu cà rốt.

Bà Hanan Ashrawi, quan chức cao cấp của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây thêm nhiều khó khăn cho người Palestine khi cắt bớt hàng trăm triệu USD viện trợ cho các tổ chức nhân đạo tại Dải Gaza và khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

“Nếu Mỹ quan tâm như vậy đến sự thịnh vượng của Palestine, tại sao lại thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với chúng tôi. Tại sao họ nhằm vào cơ sở hạ tầng của Palestine? Tại sao họ chấm dứt cung cấp học bổng cho sinh viên Palestine.” – bà Ashrawi nhấn mạnh.

Hồi tháng 8/2018, Washington thông báo chấm dứ mọi tài trợ của Mỹ cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ trích kế hoạch hòa bình của Mỹ là “những lời hứa trừu tượng” và cho rằng chỉ có giải pháp chính trị mới giải quyết được xung đột tại khu vực.

Phát biểu trước Ủy ban trung ương của phong trào Fatah, ông Mahmoud Abbas đã tái khẳng định quan điểm phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, nhấn mạnh rằng một giải pháp chính trị phải là bước đi đầu tiên.

“Lý do là không nên thảo luận tình hình kinh tế trước tình hình chính trị. Chừng nào chưa có giải pháp chính trị, chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ vấn đề kinh tế nào” – Tổng thống Palestine nhấn mạnh.

Nhóm Hamas đang kiểm soát dải Gaza cũng tuyên bố “Palestine không phải để bán”.

Ngay cả người lập ra kế hoạch này cũng cho rằng, có thể các quốc gia liên quan sẽ không tham gia nhưng cánh cửa vẫn để ngỏ cho Palestine.

Con rể Tổng thống Donald Trump – cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jared Kushner cho rằng: “Chúng tôi có thể biến khu vực này từ một nạn nhân của các cuộc xung đột trong quá khứ thành một mô hình thương mại và tiến bộ trên toàn thế giới”.

Ông cũng đồng thời nói rằng, cánh cửa vẫn để ngỏ cho Palestine nếu chính quyền này đổi ý và muốn tham gia.

Tuyên bố mời một đối tác được coi là hạt nhân của kế hoạch này từ phía ông Jared Kushner không khác nào một lời đe dọa. Nếu Palestines kiên quyết từ chối tham gia, không rõ, ông Kushner đã có dự phòng cho các dự án kinh tế không thể chạm đến lãnh thổ Palestine?

426 2 Nga Tien Usd Se Khong The Giai Quyet Hoa Binh Trung Dong
Tiền USD không thể phủ lấp ranh giới Israel – Palestine.

Bản chất mâu thuẫn giữa Palestine – Israel lâu nay vẫn là việc thành lập một Nhà nước độc lập riêng, lấy Thủ đô là Jerusalem. Tuy nhiên, khi Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là lãnh thổ Israel, đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, động thái này đã tác động mạnh mẽ vào vấn đề chủ quyền của người Palestine.

Cho đến khi tung ra “Thỏa thuận Thế kỷ”, người Mỹ vẫn không mang thêm bất cứ củ cà rốt nào.

Jordan cũng có chung quan điểm cho rằng nước Mỹ đang thiếu giải pháp chính trị có thể thay thế giải pháp hai nhà nước, qua đó bảo đảm quyền của một nhà nước Palestine và quyền tự do của người dân, từ đó đưa Palestine cùng tham gia kế hoạch.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan nhấn mạnh, nước này chỉ ủng hộ giải pháp hai nhà nước dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Theo quan chức trên, mọi sự hỗ trợ về kinh tế đều không thể thay thế được sự dàn xếp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga