Giữa lúc nhiều nước hối hả sơ tán nhân viên ngoại giao tại Afghanistan, đại sứ quán Nga vẫn án binh bất động, bởi họ lâu nay đã chuẩn bị cho sự trỗi dậy của Taliban.

"Chưa có kế hoạch chuẩn bị sơ tán đại sứ quán. Tôi đang liên lạc với đại sứ của chúng tôi. Họ đang bình tĩnh làm việc và theo dõi chặt chẽ các diễn biến", Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, cho biết hôm 15/8, khi Taliban tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul.

Taliban bị Nga coi là tổ chức khủng bố, Moskva cũng chưa công nhận lực lượng này là bên nắm quyền hợp pháp ở Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga hôm 16/8 cho hay họ đã thiết lập các đầu mối liên hệ làm việc với Taliban, thêm rằng nhóm này đã "bắt đầu khôi phục trật tự công cộng" ở thủ đô Kabul và trên khắp Afghanistan.

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov, người dự kiến gặp đại diện Taliban vào hôm nay, cũng cho biết lực lượng này đang canh gác vòng ngoài để bảo vệ tòa nhà đại sứ quán, đồng thời đảm bảo với phía Nga rằng các nhân viên ngoại giao của họ "sẽ không mất một cọng tóc". Trước đó, khi giành quyền kiểm soát khu vực biên giới giáp Uzbekistan và Tajikistan, Taliban cũng cam kết không tấn công các đồng minh của Nga.

1 Nga Gat Thanh Qua Tu Van Cuoc Taliban

Lực lượng Taliban kiểm soát dinh tổng thống Afghanistan tại thủ đô Kabul hôm 15/8. Ảnh: AP.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm năm 1992, khi chính phủ Afghanistan do Moskva hậu thuẫn bị lật đổ, khiến họ phải chật vật sơ tán đại sứ quán. Tuy nhiên, giới quan sát được cho là không bất ngờ trước sự thay đổi cục diện sau ba thập kỷ.

Kabulov, người được Putin "chọn mặt gửi vàng" về vấn đề Afghanistan, chịu trách nhiệm giám sát chính sách vun đắp mối quan hệ gần gũi hơn với Taliban, dường như vừa để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, vừa là hàng rào bảo vệ trước nguy cơ sụp đổ của chính phủ Afghanistan thân phương Tây.

Bộ Ngoại giao Nga từng vài lần mời Taliban dự hội nghị ở Moskva, giúp nâng vị thế quốc tế của lực lượng này. Giới phân tích cho biết các cuộc hội đàm nhằm ngăn chặn xung đột lan sang những nước láng giềng và nguy cơ khủng bố gia tăng tại Trung Á, nơi Nga duy trì các căn cứ quân sự.

"Moskva đang ăn mừng khi ván cược của họ vào Taliban đã được đền đáp. Việc Zamir Kabulov mạo hiểm ủng hộ Taliban giúp Nga giờ đây dường như không còn lo sợ lực lượng này, trái ngược với các nhà ngoại giao phương Tây", Arkady Dubnov, nhà phân tích độc lập người Nga và là chuyên gia về Trung Á, nhận định.

Quan trọng hơn, thất bại của Mỹ sau 20 năm nỗ lực xây dựng chính quyền tại Afghanistan được cho là giúp Nga có cơ hội tái khẳng định vị thế trong khu vực. Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, nhận định ưu tiên của Nga là khẳng định lại ảnh hưởng chính trị và quân sự với các nước láng giềng Trung Á, chỉ ra những cuộc tập trận gần đây với Uzbekistan và Tajikistan gần biên giới Afghanistan.

"Nga không sơ tán đại sứ quán tại Kabul, mà giữ liên lạc với Taliban và theo dõi diễn biến. Trong khi đó, quân đội Nga tập trận với Uzbekistan và Tajikistan ở sát biên giới Afghanistan. Đối với Moskva, vấn đề chính không phải là ai nắm quyền ở Kabul, mà là liệu những kẻ cực đoan có xâm nhập vào khu vực hay không. Hiện tại, viễn cảnh này dường như không có khả năng", Trenin đánh giá.

Tuy nhiên, bình luận viên Nathan Hodge của CNN cho rằng chiến thắng của Taliban cũng đặt ra một số thách thức lớn đối với Nga ở sân sau chiến lược của họ, nơi có thể diễn ra những thay đổi nhanh chóng và khôn lường, hoặc khủng hoảng tị nạn có nguy cơ gây mất ổn định một khu vực vốn dễ bị tổn thương.

Theo nhà phân tích Aleksey Mukhin tại Moskva, Nga không có ý định công nhận vai trò cầm quyền của Taliban, mà hướng đến mục tiêu đàm phán để đạt được "những thỏa thuận, hiệp định và giới hạn nhất định tại Afghanistan, cũng như các quốc gia lân lận". "Cách tiếp cận này hoàn toàn mang tính thực dụng", Mukhin nêu quan điểm.

Đối thoại giữa Nga với Taliban là kết quả sau nhiều năm nỗ lực tạo quan hệ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 7 mô tả Taliban là "lực lượng hùng mạnh", đồng thời đổ lỗi cho chính phủ Afghanistan vì làm đình trệ tiến trình đàm phán.

"Không phải vô cớ mà chúng tôi thiết lập những mối liên hệ với phong trào Taliban trong 7 năm qua", đặc phái viên Kabulov hôm 16/8 phát biểu trên một đài phát thanh.

Mối quan hệ này có thể khiến nhiều người bất ngờ, khi xét đến việc Taliban bắt nguồn từ phong trào Mujahideen chống lại Liên Xô từ những năm 1980. Tuy nhiên, chuyên gia Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie Moskva nhận định Nga giờ đây tin rằng Taliban đã thay đổi so với khi nắm quyền tại Afghanistan vào thập niên 1990.

"Moskva không coi phiên bản Mujahideen này là kẻ thù của mình", Baunov nói.

Ánh Ngọc (Theo CNN, AFP, Al Jazeera)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga