Hôm 4/10, Nord Stream-2 AG thông báo đã bắt đầu nạp khí vào chuỗi đầu tiên của đường ống dẫn khí Nord Stream-2 để chuẩn bị cho vận hành thử.

Chuỗi đầu tiên của đường ống Nord Stream-2 đã được bơm khí chuẩn bị cho việc vận hành chạy thử.

1 Nga Cong Bo Tien Trinh Chay Thu Chuoi Dau Tien Nord Stream 2
Trạm bơm khí đốt Nord Stream-2. Ảnh: TASS

Nhà điều hành thông báo: "Chuỗi đầu tiên sẽ được lấp đầy dần dần để xây dựng lượng hàng tồn kho cần thiết và làm tiền đề cho các bài kiểm tra kỹ thuật sau này."

"Trước đây, chuỗi đầu tiên của đường ống đã trải qua các hoạt động tiền vận hành để đảm bảo tính toàn vẹn của đường ống. Điều này bao gồm việc kiểm tra bên trong bằng các thiết bị đặc biệt (đồng hồ đo kiểm tra đường ống), cũng như khảo sát bằng hình ảnh và dụng cụ bên ngoài của đường ống. Nord Stream-2 sẽ thông báo các bước kỹ thuật tiếp theo trong thời gian thích hợp" - đơn vị vận hành đường ống dẫn khí thông tin.

Theo nhà điều hành đường ống này, các bước tiền vận hành cho chuỗi thứ hai đang diễn ra.

Nord Stream-2 AG khẳng định, đường ống được xây dựng và chứng nhạn độc lập theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghiệp hiện hành để đảm bảo độ đáng tin cậy và an toàn.

Cho đến nay, dự án này vẫn chưa vượt qua vòng cấp phép của cơ quan quản lý Đức, một trong những quốc gia có doanh nghiệp tham gia góp vốn cho dự án. Đức cũng là quốc gia từng nhận phải đe dọa bị trừng phạt bởi các quan chức Mỹ cho đến khi có cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc không trừng phạt các yếu tố châu Âu liên quan đến dự án này.

Nord Stream 2 gồm hai chuỗi đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ m3/năm từ bờ biển của Nga qua Biển Baltic đến Đức. Hoạt động xây dựng đường ống này bị hoãn vào tháng 12/2019 sau khi công ty Allseas của Thụy Sĩ dừng đặt đường ống do lo sợ bị trừng phạt từ Mỹ. Kể từ tháng 12/2020, việc xây dựng đường ống đã được bắt đầu lại.

Ngày 10/9/2021, Nga tuyên bố đã hoàn thành dự án Nord Stream-2 trên 2 chuỗi đường ống nhưng vẫn chưa thể vận hành do chưa nhận được sự cấp phép của giới chức Đức, bất chấp tình trạng phức tạp của thị trường năng lượng châu Âu hiện nay.

Theo Bloomberg, giá khí đốt châu Âu đã tăng mạnh khi nhu cầu tăng trên toàn cầu. Cụ thể, trong năm qua, giá đã tăng gần 500% và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.

Giá điện ở Pháp đã tăng 149% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 15/9. Tại Đức, giá cả tăng vọt 119%. Và ở Anh, chi phí này đã tăng tới 298%.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng là do nền kinh tế toàn cầu phục hồi khi các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vì Covid-19 và bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Các thị trường hiện đang cạnh tranh khi nhu cầu năng lượng tăng cao sau cú sốc của đại dịch.

Ngoài ra, ở châu Âu và Đông Á còn có sự cạnh tranh về khí đốt tự nhiên khi mùa Đông sắp tới, với nhu cầu đang đẩy giá lên cao.

Thêm vào đó, châu Âu đang giảm sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước. Nhà sản xuất khí đốt tự nhiên nội địa hàng đầu của châu Âu - Hà Lan - đã bắt đầu loại bỏ dần mỏ khí đốt chính, bao gồm mỏ khí Groningen vào năm 2018. Hiện tại, ở châu Âu tỷ lệ các mỏ khí đang hoạt động là 74% thay vì mức 94% vào năm ngoái.

Na Uy, quốc gia cung cấp khoảng 20% ​​lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu, đang cố gắng lấp đầy khoảng trống. Equinor, công ty năng lượng của Na Uy đã thông báo trong tuần này, họ sẽ tăng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 10/2021. Nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cảnh báo áp lực lên mặt bằng giá khó có thể giảm bớt.

Giá điện tăng cao đang khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ bị cắt điện vì họ không đủ khả năng để thanh toán hóa đơn. Thu nhập của nhiều người đã giảm vì đại dịch, trong khi hóa đơn tiền điện thì liên tiếp tăng. Trong đó, lao động trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn và hàng không bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

Các nhà quan sát cũng đang cảnh báo về khả năng xảy ra bất ổn chính trị, nếu các chính phủ châu Âu không có động thái hỗ trợ các hộ gia đình.

Một số chuyên gia nhận thấy, Gazprom không vi phạm hợp đồng. Tình hình có thể bớt căng thẳng hơn một khi các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại và đường ống dẫn Nord Stream-2 từ Nga sang Đức đi vào hoạt động.

Hải Lâm

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga