Theo tạp chí "Lợi ích Dân tộc" (National Interest-NI), chính sách của Hoa Kỳ đã vô tình dẫn đến việc củng cố nền kinh tế Nga, nhất là về năng lượng.

132 1 Nga Co Nen Cam On My Vi Lenh Trung Phat

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã gián tiếp giúp Nga kiếm lợi lớn

Bài viết của tạp chí National Interest nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran đã gây ra những ảnh hưởng rất tốt đến nền kinh tế Nga, Mỹ đã vô tình giúp Nga trở nên mạnh mẽ hơn.

Ở đây đang nói về lĩnh vực năng lượng, trước hết là dầu mỏ. Những hạn chế và cấm đoán của Nhà Trắng chống Iran và Venezuela đã dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu và chế phẩm dầu trầm trọng và Nga đã trở thành người bù đắp cho phần thiếu hụt này, Bài viết trên Tạp chí National Interest lưu ý rằng, do ở một số khía cạnh đặc biệt, dầu được sản xuất ở các quốc gia này là tương tự nhau, nên các đối tác cũ của Venezuela và Iran cũng đã chuyển sang sử dụng dầu của Nga, sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế.

Trong bối cảnh tăng mạnh nhu cầu, nguyên liệu thô vẫn không đủ cho tất cả, Nga đã trở thành nhà xuất khẩu chính về nguyên liệu chứa hàm lượng axit sulfurơ (sulphurous) cao.

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ và châu Âu đều phải xếp hàng chờ đợi và nghịch lí là xếp hàng đầu tiên để chờ nhận dầu Nga chính là các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Ngay trong tháng 4 năm nay, người Mỹ đã mua nguyên liệu thô của Nga đến mức kỷ lục. Còn theo dữ liệu của Caracas Capital Markets Russ Dalllen, trong nửa đầu tháng 5, 13 tàu vận tải đã giao gần 5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga cho Hoa Kỳ.

Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở đây, kế hoạch của các nhà máy lọc dầu Mỹ là tăng gấp ba lượng tiêu thụ dầu Nga hàng tháng. Và chỉ đến hơn nửa đầu năm nay, các công ty dầu khí của Nga đã kiếm thêm được khoảng gần 1 tỷ USD do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo số liệu tính toán của Bloomberg (Mỹ), từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, các công ty dầu khí Nga đã kiếm được khoản thu nhập bổ sung ít nhất là 905 triệu USD. Còn nếu đến hết năm nay, con số này sẽ tăng lên ít nhất là 1,5 tỷ USD.

Một vấn đề nữa là mặc dù mối quan hệ giữa Nga và châu Âu xấu đi liên quan đến cuộc xung đột nội bộ Ukraine và những sức ép đến từ đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, Moscow vẫn duy trì vị thế vững chắc của một nhà cung cấp năng lượng hàng đầu đối với lục địa già.

Trong năm qua, bất chấp tình hình chính trị xấu đi, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã không ngừng tăng lên và đến cuối năm 2018, Gazprom đạt doanh số kỷ lục ở châu Âu. Ước tính sau khi hoàn thành các dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" trong năm nay, chậm nhất là đầu năm sau, Moscow sẽ bán được thêm 86,5 tỷ mét khối khí đốt đường ống cho châu Âu.

Ngoài ra, NI còn chỉ ra, một sự trợ giúp tình cờ khác của Washington đối với Moscow là cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đã cho phép các công ty năng lượng của Nga có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Trung Quốc.

National Interest nhấn mạnh rằng, sau khi Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt, Bắc Kinh đã áp thuế đối ứng với các nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ và tăng cường mua LNG của Nga. Về phía các công ty năng lượng Trung Quốc, họ bắt đầu mua cổ phần trong các dự án LNG của Nga ở Bắc Cực.

Như vậy, lệnh trừng phạt của Mỹ đã gián tiếp khiến Trung Quốc tăng thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp Nga đang bị trừng phạt không được tiếp cận với các dòng tài chính từ nước ngoài. Với những lợi ích to lớn mà các doanh nghiệp năng lượng thu được từ lệnh trừng phạt của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, liệu Moscow có nên cảm ơn Washington?

Huy Bình

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga