Ý tưởng của người Nga trong việc phát Internet từ ngoài không gian trở nên rất gần, đặt mục tiêu đến năm 2024.

Thông tấn TASS dẫn lời ông Dmitry Rogozin, Giám đốc điều hành Roscosmos cho hay, chương trình phát Internet từ ngoài không gian của Nga có thể sẽ hoàn thành vào 2024.

1 Nga Chay Dua My Ve Y Tuong Internet Tu Khong Gian

Nga từng bước hoàn thiện kế hoạch Internet từ vũ trụ.

“Nếu tiến độ được như dự tính thì Nga sẽ có mạng Internet từ vũ trụ vào năm 2024” - ông Rogozin nói.

Tập đoàn nhà nước này vừa nhận được khoản tiền đầu tiên của dự án Sphere và sẽ được giải ngân tiếp 95,1 triệu USD trong năm sau.

Theo tuyên bố của Giám đốc Rogozin, số tiền này được dùng để phát triển hai mẫu tàu vũ trụ Skif (truy cập Internet băng thông rộng) và Marathon (phát sóng Internet). Một chiếc sẽ được phóng vào không gian năm 2022 và lịch phóng của chiếc còn lại là năm 2023.

Lần giải ngân thứ hai sẽ phục vụ mua sắm các phương tiện vận tải nhằm đưa các vệ tinh liên lạc Express-RV vào không gian vào năm 2024.

Theo giải thích của ông Rogozin, việc phát triển tham vọng cung cấp Internet từ ngoài vũ trụ cho phép người Nga quản lý các thông tin một cách chuẩn xác và cập nhật nhất.

"Chúng tôi có 70% lãnh thổ nằm trong vùng đóng băng vĩnh cửu, các vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và chính việc phát sóng Internet cho phép kiểm soát toàn bộ cơ sở hạ tầng. Bất kỳ điểm bất thường nào sẽ được cảm biến phát hiện ngay lập tức" - ông nói.

Tàu vũ trụ Marathon được phát triển bởi Công ty cổ phần Hệ thống Vệ tinh Thông tin được đặt theo tên của Viện sĩ MF Reshetnev.

Vào đầu tháng 11 năm 2020, Công ty mang tên Viện sĩ MF Reshetnev đã thông báo về việc phát triển một dự án trước cho nhóm vệ tinh Marathon IoT, với số lượng 264 thiết bị vệ tinh.

Alexander Kuzovnikov, Phó tổng thiết kế của công ty, cho biết sẽ mất khoảng ba năm để triển khai toàn bộ nhóm và dự kiến sẽ tạo ra một dự án sơ bộ vào năm 2021.

Đến tháng 10/2021, Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này, ông Nikolai Testoedov cho biết: "Chúng tôi tự đặt cho mình một nhiệm vụ vô cùng tham vọng, thiết bị không quá 50 kg, giá không quá 0,5 triệu USD. Trong hai năm, cần phải sản xuất 264 thiết bị. Đây là một thách thức lớn, vì công ty chúng tôi, tính đến tháng 10 năm 2021, chỉ sản xuất 10 thiết bị thuộc các loại khác nhau mỗi năm."

Việc phát triển các tàu vũ trụ nằm trong chương trình Sphere được công bố vào năm 2018.

Ngoài các hệ thống con liên lạc, "Sphere" sẽ bao gồm các thiết bị viễn thám của Trái Đất. Tổng cộng sẽ có khoảng 380 thiết bị trong hệ thống. Sự phát triển của "Sphere" cũng sẽ giúp Nga có thể tổ chức một loạt các máy bay không người lái ở cả vùng trời và trên mặt đất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về "Sphere" trong một cuộc điện đàm trực tiếp vào ngày 7/6/2018. Theo ông, Nga có kế hoạch phóng hơn 600 vệ tinh liên lạc và viễn thám trong vài năm tới. Việc tạo ra một hệ thống liên lạc vệ tinh được cung cấp bởi chương trình Kinh tế số được phê duyệt vào mùa hè năm 2017 đến năm 2024.

Theo lộ trình đó, Nga có thể vẫn theo sau "gã khổng lồ" công nghệ vũ trụ Starlink của tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk.

Cho đến nay, Starlink đã đang cung cấp dịch vụ tại 14 nước, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Ireland, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Australia và New Zealand. Khi Starlink tiếp tục phóng vệ tinh thì độ phủ sóng Internet sẽ được tăng lên với tốc độ chóng mặt. Một số quốc gia sẽ được cung cấp dịch vụ trong thời gian tới như Italia, Phần Lan, Tây Ban Nha và Chile.

Theo kế hoạch thì Starlink sẽ cần ít nhất 10.000 vệ tinh để đáp ứng việc phủ sóng toàn cầu. Theo tính toán, để đạt được tốc độ cao theo kế hoạch, công ty sẽ cần phóng thành công 42.000 vệ tinh.

Cho đến nay, họ mới phóng được 2.000 vệ tinh. Chưa kể, tình trạng thiếu chip cũng khiến Starlink chưa thể giao thiết bị chảo thu sóng cho người dùng.

Theo một số trang phân tích, thời gian giao hàng dự kiến của Starlink đã được đẩy sang năm 2022, thậm chí là đầu năm 2023 tại một số khu vực ở Mỹ. 

Hơn nữa, chi phí của sản phẩm Starlink cũng không hề rẻ. Theo chương trình thử nghiệm, giá của gói cước là 99 USD/tháng, chưa kể thuế GTGT. Chi phí cài đặt, địa vệ tinh và router là 500 USD.

So với chi phí Internet băng thông rộng thì 99 USD là mức giá tương đối đắt. Tuy nhiên, ông Musk tự tin rằng dịch vụ của Starlink rất đáng túi tiền, đặc biệt tại những vùng xa xôi. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu như ở các vùng xa xôi, người ta cũng sẽ không có nhiều tiền để chi trả cho những khoản như kết nốt Internet.

Quế Chi 

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga