Trung Quốc được cho là đã giúp Nga bù đắp những thiệt hại từ các đòn trừng phạt của phương Tây nhưng nỗi lo vẫn luôn ám ảnh người Nga.

132 1 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Nga tuyên bố tin tưởng Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/7 tuyên bố các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ không thể kích động một cuộc xung đột giữa Nga và Trung Quốc. Phát biểu trong cuộc tham vấn trực tuyến giữa các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc, bà Zakharova khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga là tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau cũng như tương tác chiến lược với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chính sách này có đặc tính ổn định và lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ thúc đẩy tình hữu nghị tốt đẹp và đảm bảo sự phát triển của Nga và Trung Quốc".

 

132 2 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào nhằm chống lại bất kỳ ai, trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh đang có chung các mối quan hệ đặc biệt. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã gọi Trung Quốc là "đối tác của chúng tôi".

Ông Peskov nhấn mạnh Nga và Trung Quốc đã phát triển "các mối quan hệ đối tác đặc biệt", đồng thời khẳng định tất cả các liên minh mà Nga tham gia đều nhằm phát triển các mối quan hệ tốt đẹp, hòa thuận và cùng có lợi.

Phản ứng của Nga được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng căng thẳng trên nhiều lĩnh vực. Ngày 23/7, phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi thành lập một "liên minh mới" để đối phó với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những hành động khiêu khích như vậy của các nước phương Tây, trên hết là Mỹ, là vô cùng nghiêm trọng. Theo bà, những tuyên bố như vậy đi ngược với luật pháp quốc tế và mọi nguyên tắc ngoại giao.

 

132 3 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Nga khẳng định không tham gia "liên minh" chống Trung Quốc

Ngày 16/7 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 19 năm ký kết Hiệp ước về Hữu nghị và hợp tác giữa Liên bang Nga và Trung Quốc. Một ngày sau, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã có cuộc điện đàm chia sẻ quan điểm chung và nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thông báo với người đồng cấp Nga Serguei Lavrov quan điểm của Bắc Kinh, theo đó phản đối việc Mỹ đang làm sống lại “không khí Chiến tranh Lạnh” trong quan hệ với Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, người đồng cấp Nga cũng khẳng định Moscow phản đối “chủ nghĩa đơn phương” trong các quan hệ quốc tế.

Theo giới phân tích, nước Nga hiện nay đã xây dựng được mối quan hệ nồng ấm chưa từng có với Trung Quốc dựa trên những cam kết cụ thể. Moscow đang thể hiện thái độ ủng hộ Trung Quốc một cách rõ ràng trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Một trong những nguyên nhân khiến Nga “hướng Đông” là do bị phương Tây bao vây cô lập và đối mặt rất nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và luôn có sẵn tiền mặt.

 

132 4 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Trung Quốc luôn sẵn tiền mặt, khát dầu và khí giữa lúc Nga gặp khó khăn

Giới phân tích nhận định, Trung Quốc không những đã bù đắp được cho Nga những thiệt hại từ các đòn trừng phạt của phương Tây mà còn hóa giải được những hoài nghi về các khoản đầu tư Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ kém phát triển của Nga ở châu Á.

Xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc - qua đường ống Đông Siberia dài 4.857km - đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2013-2016, đưa Nga vượt qua Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Trung Quốc. Tuyến đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia cũng bắt đầu được vận hành từ tháng 12/2019 để chuyển khí đốt của Nga cho Trung Quốc theo hợp đồng có tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD.

Trung Quốc cũng đang có vị thế đáng kể trong ngành khai mỏ và các dự án hạ tầng ở Siberia nói riêng và các vùng lãnh thổ châu Á nói chung của Nga. Nga và Trung Quốc đã công bố các kế hoạch trong khuôn khổ dự án trị giá 5,3 tỷ USD nhằm xây 2 “Hành lang Vận tải Quốc tế” nối liền vùng Hắc Long Giang và Cát Lâm của Trung Quốc với các cảng biển của Nga.

Nỗi lo của người Nga

Theo phân tích của Viện Brookings, trong tam giác Nga-Mỹ-Trung, Nga là bên yếu nhất. Trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân, Moscow vẫn duy trì năng lực ngang bằng với Washington nhưng sức mạnh kinh tế của Nga không thể so sánh với một trong hai siêu cường. Thậm chí có ý kiến cho rằng Nga đang dần trở thành một nhà cung cấp nguyên liệu đơn thuần của Trung Quốc.

Mặc dù các quan chức Nga không công khai bày tỏ quan ngại trong quan hệ với Trung Quốc song giới phân tích Nga luôn đề cao “câu chuyện cảnh giác”. Theo đó, Nga vẫn cần phải tìm kiếm và xây dựng cho mình đối trọng để cân bằng với sự phụ thuộc vào một đối tác không ngừng gia tăng sức mạnh và tham vọng như Trung Quốc.

 

132 5 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Binh sĩ và vũ khí Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Phương Đông 2018 của Nga

Ngày 13/7, trang mạng Realtribune.ru dẫn đánh giá của Trung tâm phân tích tình hình chính trị-quân sự South Front cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng ứng dụng TikTok để kích động người biểu tình ở vùng Khabarovsk chống lại chính quyền Nga sau vụ bắt giữ Thống đốc của vùng này là ông Sergey Fugal.

Các nhà phân tích của South Front đánh giá: "Có vẻ như Trung Quốc đang nỗ lực lợi dụng hỗn loạn ở khu vực Viễn Đông để đạt được các mục tiêu chính trị và đòn bẩy bổ sung nhằm gây áp lực đối với giới lãnh đạo Nga. Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc chung của ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh tìm cách làm suy yếu đồng minh của mình để cải thiện vị thế đàm phán trong quan hệ song phương”.

South Front nhấn mạnh: “Tình huống này cho thấy các vấn đề với sự ổn định chính trị nội bộ của Nga có thể làm suy yếu vị thế của Moscow trên trường quốc tế và thậm chí cả vị thế trong hợp tác với các đồng minh và đối tác truyền thống".

Về quan hệ kinh tế Nga-Trung, chuyên gia Alexey Maslov, Giáo sư giảng dạy tại Khoa Kinh tế quốc tế và Quan hệ quốc tế thuộc Trường Kinh tế cao cấp (HSE) của Nga mới đây cũng đưa ra nhận định không mấy lạc quan, trong đó có dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Theo ông Maslov, xét ở góc độ chính trị, mặc dù hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, song Moscow đang thúc đẩy một lập trường hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh chủ trương chính sách đối ngoại của Moscow là không tham gia vào các khối mà Nga không thể kiểm soát hoặc chi phối, tức là không chấp nhận bản thân ở vị thế yếu hơn. Trong khi đó, không có bất kỳ khoản đầu tư nghiêm túc nào từ phía Trung Quốc vào nền kinh tế Nga.

 

132 6 Nga Can Tien Nhung Lo Dieu Nay Tu Trung Quoc

Lãnh đạo Nga-Trung luôn thể hiện mối quan hệ đặc biệt

Theo ông Alexey Maslov, Nga quan tâm nhiều hơn đến việc tái công nghiệp hóa lãnh thổ của mình ở Viễn Đông vốn còn lạc hậu, trong khi Trung Quốc chỉ coi Nga là thị trường tiêu thụ hàng hóa của họ và là tuyến đường vận chuyển để đưa hàng hóa của họ đến châu Âu.

Năm 2012, Tổng thống Nga khi đó là Dmitri Medvedev từng cảnh báo nguy cơ các khu vực này bị Trung Quốc thâu tóm tài nguyên. Tuy nhiên, cùng với lập trường thay đổi của Nga sau các diễn biến năm 2014, những lo ngại này đã dần phai nhạt.

Giới phân tích phương Tây cho rằng “Hành lang Vận tải Quốc tế” nối liền vùng Hắc Long Giang và Cát Lâm của Trung Quốc với các cảng biển của Nga không chỉ giúp Trung Quốc “thẳng tiến” tới Biển Nhật Bản, mà còn cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện tại nơi có những thành phố lớn nhất vùng Viễn Đông như Khabarovsk và Vladivostok. Đây là khu vực do Nga kiểm soát từ năm 1858 và vẫn luôn được Trung Quốc thể hiện trong các tấm bản đồ thời hiện đại như là những vùng lãnh thổ lịch sử của mình.

Phản ứng trước hàng loạt “phân tích” của phương Tây về mối quan hệ Nga-Trung, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hồi đầu tháng này có bài viết cho rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã thổi phồng và khuếch đại những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nga. Theo tờ báo Trung Quốc, phương Tây rất mong muốn lợi dụng những rạn nứt nhỏ trong quan hệ Nga-Trung.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu khẳng định Trung Quốc và Nga đã chứng minh và tái khẳng định sự hỗ trợ lẫn nhau cho các lợi ích của phía bên kia, trái ngược với mong đợi của truyền thông phương Tây.

Bảo Minh

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga