Hà Lan đã tuyên bố sẽ kiện Nga với cáo buộc Moscow liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014.

Chính phủ Hà Lan hôm 10/7 tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu liên quan đến vụ bắn hạ chuyến bay chở khách của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 khi bay qua miền đông Ukraine sáu năm trước.

132 1 Nga Bi Kien Len Toa An Chau Au Vi Mh17

Phục dựng lại máy bay MH17. Ảnh: Sputnik

2/3 trong số 298 nạn nhân là người Hà Lan và Chính phủ nước này tuyên bố Nga phải chịu mọi trách nhiệm về vụ tai nạn.

Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok trong một bức thư gửi tới Quốc hội nước này đã viết: "Việc đệ trình đơn kiện là một bước tiến mới trong nỗ lực của chúng tôi nhằm thiết lập những sự thật, công lý và trách nhiệm".

"Đạt được công lý cho 298 nạn nhân của vụ tai nạn MH17 đang và sẽ vẫn là ưu tiên cao nhất của chính phủ. Bằng cách thực hiện bước này ngày hôm nay, chúng tôi đang tiến gần hơn đến mục tiêu này." - lá thư nêu rõ.

Ngoại trưởng Hà Lan cho biết, Chính phủ nước này sẽ cung cấp cho tòa án mọi thông tin về MH17, qua đó hỗ trợ cho tất cả các gia đình nạn nhân muốn đệ trình vụ kiện tương tự.

Cả Hà Lan và Úc, nước cũng có nhiều nạn nhân thiệt mạng, đều tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về việc bắn hạ chiếc máy bay đang trên đường từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia).

Cho đến nay, Nga đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy họ không có dính líu đến vụ tai nạn ngoài việc chuyển một tên lửa BUK đến kho quân dụng của Ukraine từ thời Xô-viết.

Động thái mới nhất làm tăng thêm áp lực pháp lý đối với Moscow sau khi tòa án ở Hà Lan hồi tháng 3/2020 mở phiên xét xử vắng mặt 4 nghi phạm ở bên ngoài sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam, nơi máy bay trên cất cánh.

Các công tố viên đã khởi tố tội giết người đối với 4 nghi phạm trên - gồm 3 người Nga Igor Girkin, Sergey Dubinskiy và Oleg Pulatov cùng công dân Ukraine Leonid Kharchenko.

Nhóm Điều tra chung (JIT) gồm Hà Lan, Malaysia, Bỉ, Úc và Ukraine tuyên bố 4 nghi phạm nói trên bị cáo buộc phụ trách vận chuyển hệ thống tên lửa phòng không Buk dùng để bắn rơi máy bay MH17.

Cụ thể, Girkin là cựu đại tá thuộc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), Dubinskiy làm việc cho Cục Tình báo quân đội Nga (GRU), còn Pulatov là cựu binh sĩ thuộc Lực lượng đặc biệt Nga Spetsnaz-GRU. Nghi phạm Kharchenko được cho là chỉ huy quân sự của phe nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Bốn nghi phạm trên vắng mặt do Nga và Ukraine đều không đồng ý dẫn độ công dân của mình.

Luật sư người Hà Lan của bị cáo người Nga Oleg Pulatov là ông Boudewijn van Eyck cho rằng, NATO không cung cấp cho Cơ quan Tình báo Quân đội Hà Lan dữ liệu vệ tinh từ địa điểm gặp sự cố của MH17, nhưng điều này không có nghĩa là NATO không có dữ liệu này.

Do đó, Luật sư Boudewijn van Eyck đề nghị Tòa án chỉ thị thẩm phán điều tra tìm hiểu xem NATO có hồ sơ AWACS (Tổ hợp hàng không để phát hiện và hướng dẫn vô tuyến) của khu vực Đông Ukraine ngày 17/7/2014 hay không. Điều này nhằm có thêm các chứng cứ thuyết phục cho thấy máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi lực lượng thân Nga ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhays cho biết, phía Hà Lan và văn phòng công tố đã từng đưa ra yêu cầu này và nhận thấy, hệ thống AWACS không ghi lại bất kỳ dữ liệu nào từ vị trí máy bay của chuyến bay MH17.

"Chúng tôi kết luận rằng NATO không có dữ liệu đó" - Chủ tọa Hendrik Steenhays khẳng định.

Dẫu vậy, một số yêu cầu điều tra thêm từ phía Luật sư vẫn được chấp thuận bao gồm việc kiểm tra các dữ liệu vệ tinh của Mỹ theo giả thiết máy bay chở khách này bị bắn hạ bởi một máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine hoặc bởi một tên lửa được bắn bởi lực lượng Ukraine.

Phiên tòa thảo luận về yêu cầu bồi thường của những người thân nạn nhân trong chuyến bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị bắn hạ sẽ diễn ra ngày 31/8 tới đây.

Huy Vũ theo Báo Đất Việt

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga