Dùng tên lửa bắn nát vệ tinh cũ, Nga đang khiến phương Tây hốt hoảng khi tạo ra 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo gây nguy hiểm cho hoạt động không gian.

Nga đã khiến phương Tây lo ngại khi bắn hạ vệ tinh cũ trong một vụ thử tên lửa hôm 16/11. Vụ việc đã tạo ra một lượng lớn các mảnh vỡ trong quỹ đạo, được cho là có thể gây nguy hiểm đối với sự an toàn của các phi hành gia và làm dấy lên nỗi sợ hãi về một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

“Chúng tôi lên án việc Nga thử nghiệm liều lĩnh tên lửa chống vệ tinh bay thẳng vào vệ tinh của chính họ, tạo ra các mảnh vỡ không gian gây nguy hiểm đến tính mạng của các phi hành gia, sự toàn vẹn của Trạm Vũ trụ Quốc tế và lợi ích của tất cả các quốc gia”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.

Quân đội Nga đã giảm nhẹ những nguy cơ này khi cho rằng phía Mỹ nhận thức rõ các mảnh vỡ của vệ tinh không gây ra mối đe dọa nào đối với các trạm vũ trụ, vệ tinh hoặc các hoạt động không gian nói chung.

“Nga coi những tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc là đạo đức giả”, Bộ Quốc phòng Nga phản ứng sau những lời cáo buộc hành động gây ra rủi ro cho các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Nhưng vì sao hành động phá huỷ vệ tinh của Nga lại khiến Mỹ sợ hãi đến vậy?

Theo NASA, bảy phi hành gia – bốn người Mỹ, một người Đức và hai người Nga – buộc phải trú ẩn trong tàu kén không gian trong khoảng hai giờ khi trạm đi qua hoặc ở gần đám mây mảnh vụn cứ sau mỗi 90 phút.

1 Nga Bat Ngo Phong Ten Lua Ban Nat Ve Tinh Cua Minh My Va Dong Minh Sung Sot

Quan chức NASA Bill Nelson cho biết ông cảm thấy “bị xúc phạm” trước hành động nói trên:

“Với lịch sử du hành không gian lâu đời, không thể tưởng tượng được Nga sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho các phi hành gia Mỹ và đối tác quốc tế trên ISS, mà còn cả các phi hành gia của chính họ. Hành động đó là liều lĩnh và nguy hiểm, đe dọa cả trạm vũ trụ Trung Quốc và các phi hành gia khác”.

Theo các quan chức Mỹ, cuộc thử nghiệm đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo, nhưng lo ngại chúng sẽ vỡ ra thành hàng trăm nghìn mảnh vụn nhỏ hơn.

Tốc độ lao xuyên không gian – dù chỉ là một mảnh nhỏ – cũng có thể gây ra thiệt hại thảm khốc. Do đó, nhiều người cho rằng cuộc thử nghiệm của Nga làm tăng rủi ro về lâu dài cho cả phi hành gia và tàu vũ trụ.

Mỹ cũng đã nêu quan ngại về thiệt hại đối với các vệ tinh được sử dụng trong dự báo thời tiết, hệ thống GPS, điện thoại và internet băng thông rộng.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga