Dịch vụ đường sắt chở khách nối vùng Viễn Đông của Nga với một thành phố cảng của Triều Tiên dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại sớm nhất là trong tháng này, sau 4 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Đây là diễn biến mới nhất trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên, sau khi hai nước này ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện gần đây.

1 Nga   Trieu Du Dinh Noi Lai Tuyen Duong Sat Cho Khach Som Nhat La Trong Thang Nay

Thứ Tư tuần trước (ngày 26/6), hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Oleg Kozhemyako, quan chức đứng đầu vùng Primorsky Krai ở Viễn Đông của Nga, cho biết chuyến tàu đi từ thành phố Vladivostok đến cảng Rason ở Triều Tiên sẽ được nối lại vào tháng 7. Ông Kozhemyako cho biết điều này sẽ giúp khách du lịch dễ dàng thưởng thức và trải nghiệm “vẻ đẹp, thiên nhiên và văn hóa của Triều Tiên”.

Primorsky Krai là nền kinh tế lớn nhất ở Viễn Đông của Nga, với trung tâm hành chính là thành phố Vladivostok. Primorsky Krai là cực Đông Nam của nước Nga, giáp với hai tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm của Trung Quốc và thành phố Rason của Triều Tiên, ngoài ra còn giáp với vùng biển Nhật Bản.

Rason là một thành phố cảng lớn nằm gần biên giới giữa Trung Quốc và Nga, cách Bình Nhưỡng khoảng 520 km về phía Đông Bắc. Đây là khu vực thương mại và đầu tư nước ngoài đầu tiên được Triều Tiên chỉ định vào năm 1991. Năm 2010, Rason được nâng cấp thành thành phố đặc biệt và trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, thành phố này luôn gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, do các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên vì nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo hãng tin Nikkei Asia, sau khi mở lại chuyến tàu chở khách giữa Triều Tiên và Nga, ngoài việc nối lại hoạt động thương mại đường sắt xuyên biên giới, bước tiếp theo có thể là Triều Tiên sẽ cử thêm người lao động sang Nga. Những người lao động Triều Tiên này từ lâu đã mang lại cho chính quyền của ông Kim Jong-un một lượng ngoại tệ khổng lồ, đồng thời cung cấp cho Nga lực lượng lao động mà họ đang cần gấp. Nga đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động do cuộc chiến ở Ukraine.

Vào tháng 10 năm ngoái, Đài Châu Á Tự do (RFA) đã trích dẫn những hình ảnh do công ty vận hành vệ tinh thương mại Planet Labs của Mỹ chụp và đưa tin rằng các hoạt động vận tải đường sắt giữa Nga và Triều Tiên đã tăng lên; những phương tiện vận chuyển này dường như được sử dụng để vận chuyển số lượng lớn hàng hóa. Sau hội nghị thượng đỉnh từ ngày 13-17/9 năm ngoái giữa người lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoạt động vận tải biển giữa hai nước cũng đã tăng vọt.

Vào ngày 31/5 năm nay, các bộ trưởng ngoại giao của 10 nước bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. và Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Châu Âu đã đưa ra tuyên bố chung nhằm phản đối việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga.

Bản tuyên bố trên nêu rõ rằng, họ sẽ truy cứu trách nhiệm của Triều Tiên và Nga thông qua các lệnh trừng phạt; những tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển vũ khí một cách bất hợp pháp từ Triều Tiên sang Nga để sử dụng cho mục đích tấn công Ukraine cũng sẽ phải trả giá.

Sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine từ năm 2022, Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, còn Nga vẫn đang tìm kiếm các mối quan hệ về kinh tế, quân sự và ngoại giao với các nước ở Châu Á và Châu Phi.

Tuần trước, ông Putin đã có chuyến thăm đầu tiên tới Triều Tiên kể từ năm 2000. Chuyến công du này đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng; lãnh đạo hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận song phương bao gồm cả cam kết phòng thủ chung.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga