Nếu Washington và Damascus đồng thuận gạt Nga khỏi Syria thì quan trọng không phải là phản ứng của Moscow, mà là lợi ích phải trả cho Nga...

Syria được cho là đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ

Ngày 17/8, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad được cho là đã cử Đặc phái viên tới Mỹ để thảo luận về việc nối lại quan hệ giữa hai nước và việc Mỹ có thể tiếp tục hiện diện ở Syria, theo Middle East Monitor.

Damascus được cho là có thể sẵn sàng đưa ra cho Mỹ lời đề nghị khá hấp dẫn liên quan đến triển khai các lực lượng Mỹ tại một số khu vực trên lãnh thổ Syria, chứ không chỉ ở phía đông nước cộng hòa Ả-rập này.

Theo lời cố vấn của Trưởng bộ phận đặc trách về Nga tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, Rami al-Shaer, chính quyền Tổng thống Assad tiếp cận Mỹ với việc đề nghị sẽ phối hợp trong "tất cả các vấn đề liên quan đến Trung Đông".

Điều kiện Damascus đặt ra với Washington là chấp nhận và công nhận tính hợp pháp đối với chính quyền hiện nay ở Syria cũng như công nhận chiến thắng của ông Assad trong cuộc bầu cử tổng thống Syria vừa qua.

1 My Co Kha Nang Ep Nga Khoi Syria
Tổng thống Assad bị cho là đang tranh thủ quan hệ vớ chính quyền Tổng thống Biden như một sự ruồng rẫy với Nga-Putin

Bà Al-Shaer cho biết, lời đề nghị của chính quyền Assad nối lại quan hệ Mỹ-Syria là hệ quả của sự suy thoái gần đây trong quan hệ giữa Nga và Syria, chủ yếu do sự bất đồng về cách xử lý cuộc nổi dậy mới ở tỉnh Daraa, miền nam Syria.

Tỉnh Daraa, được biết đến là cái nôi của cuộc cách mạng Syria do cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra vào năm 2011, đã bị lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad và các lực lượng dân quân Iran liên kết bao vây kể từ tháng 6/2021.

Hồi tháng 7, liên quân Syria-Iran đã thực hiện cuộc tấn công toàn diện vào các khu vực do phe đối lập Syria nắm giữ tại Daraa. Trước hậu quả từ hành động của liên quân Syria-Iran, Nga đã kiến tạo một thỏa thuận ngừng bắn tại Daraa.

Tuy nhiên, lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad và dân quân Iran bị cho là đã cố tình vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ vài giờ sau đó và tiếp tục cản trở bất kỳ quá trình hòa giải hữu hình nào của Nga.

Chính quyền Tổng thống Assad được cho là tìm cách tái kiểm soát toàn bộ Syria và đè bẹp mọi phần tử đối lập, trong khi Nga tiếp cận thực tế hơn qua vai trò trung gian và thúc giục Assad tham gia tiến trình hòa bình và giải pháp chính trị toàn diện.

Nếu chính quyền Tổng thống Assad hòa giải thay vì đè bẹp phe đối lập, thì đông đảo người dân Syria sẽ coi đó là cơ hội để yêu cầu ông từ chức hoặc cải cách sâu rộng. Đây là điều cực kỳ bất lợi với Damascus.

Bà Al-Shaer cho rằng chính quyền Tổng thống Assad cũng nhận thức được vị trí địa lý gần gũi của Daraa với Israel, nên lo ngại cuộc xung đột ở tỉnh phía nam này có thể lan rộng, khiến cho các lực lượng nước ngoài có cớ can thiệp vào.

Vì vậy, nhà lãnh đạo Syria đương thời được cho là đã phát tín hiệu sẵn sàng phối hợp với cả Israel và Mỹ trong các vấn đề tại Trung Đông, chỉ với điều kiện là chấp nhận thể chế chính trị hiện tại ở Syria và ủng hộ các mục tiêu của họ tại Daraa.

Giới quan sát tại Trung Đông cho rằng khả năng Washington "chịu đèn" Damascus là rất cao, bởi năm ngoái Nhà Trắng đã gửi một phái đoàn ngoại giao tới Syria. Nhiệm vụ của phái đoàn là giải quyết việc Syria bắt giam nhà báo Mỹ Austin TICE.

Mặc dù vậy, với giới hoạch định chiến lược Mỹ thì đó lại được xem là một cơ hội rất tiềm năng cho việc khôi phục quan hệ Mỹ-Syria. Và với Damascus thì đó cũng là tín hiệu cho thấy có thể nói chuyện với Washington. 

Mỹ luôn khẳng định rằng sẽ không thiết lập lại quan hệ với chế độ hiện nay tại Syria đến khi Damascus đồng ý với kế hoạch của LHQ về một giải pháp chính trị toàn diện cho Syria. Song khi phải ăn quả đắng tại Afghanistan, Mỹ có thể thay đổi với Syria.  

2 My Co Kha Nang Ep Nga Khoi Syria
Bất đồng với Moscow tại Daraa không hẳn đã khiến Damascus mạo hiểm tìm tới Washington

Trong một động thái liên quan, thông tin về Đặc sứ Syria tới Mỹ được loan ra cùng lúc Bộ Tài chính Anh loại Tarif Al-Akhras - em họ của vợ Tổng thống Assad - khỏi danh sách trừng phạt mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, theo The Telegraph.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Anh quốc loại khỏi danh sách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân ủng hộ và thân cận với chính quyền Tổng thống Assad.

Phải chăng London muốn mở rộng lối giúp Washington?

Mỹ có khả năng ép Nga khỏi Syria?

Theo giới quan sát tại Trung Đông, nếu các chuyển động chính trị-đối ngoại giữa Mỹ và Syria diễn ra đúng lộ trình được đề cập, thì điều đó được xem sẽ làm suy giảm vai trò của Nga ở Syria và giáng một đòn mạnh vào quan hệ Moscow-Damascus.

Thực tế đó khiến Nga có thể mất trắng thành quả trong 6 năm, kể từ 9/2015, chính thức can thiệp vào Syria, từ đó làm thay đổi cán cân quyền lực có lợi cho Al-Assad.

Thậm chí còn có thông tin cho rằng Mỹ có thể sẵn sàng công nhận tính hợp pháp của chính quyền Tổng thống Assad như một cách để gạt Nga ra khỏi Syria, từ đó sẽ làm thay đổi vị thế của Nga tại khu vực Trung Đông.

Trước nay, Mỹ cực kỳ quan tâm đến việc "ép" Nga ra khỏi Syria và làm chậm bước tiến của Nga ở Trung Đông. Tất cả những điều đó có thể trở thành sự thật nếu hiệu ứng tích cực trong quan hệ giữa Syria và Mỹ được hiện thực hóa.

Phía Nga chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước thông tin về các chuyển động chính trị - đối ngoại giữa Syria với Mỹ.

Theo giới phân tích, có thể đó là do thông tin không thực tế, song nếu là thực tế thì có lẽ Moscow cũng không quá bận tâm. Tại sao vậy?

Thứ nhất, quan hệ Nga-Syria là quan hệ đối tác, nên chính quyền Syria có toàn quyền thiết lập, tái thiết lập hay mở rộng quan hệ với bất cứ thực thể chính trị nào mà họ thấy cần thiết và có lợi.

Đây là lập trường nhất quán của Moscow ngay từ khi chính quyền Tổng thống Putin nhận lời giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad chống khủng bố. Nga chỉ giúp chống khủng bố tại Syria, chứ không phải bảo vệ chủ quyền cho nhà nước Syria.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, ngoài Nga ra, chính quyền Tổng thống Assad còn có sự liên kết với Iran hay Hezbollah, thậm chí quan hệ Syria-Iran còn gắn kết hơn so với quan hệ Nga-Syria.

3 My Co Kha Nang Ep Nga Khoi Syria
Với chính quyền Tổng thống Putin thì quan hệ Nga-Syria chỉ là quan hệ đối tác

Do vậy, khi Syria tìm cách khôi phục quan hệ với Mỹ thì cũng hoàn toàn bình thường với Nga. Damascus và Washington hoàn toàn có thể ký kết những thỏa thuận, hiệp ước ước song phương mà Moscow không cần tham vấn.

Chỉ duy nhất một điều là chính quyền Syria không được bắt tay với khủng bố hay tìm cách giúp các mưu đồ sử dụng khủng bố chống lại Nga hoặc xâm phạm lợi ích Nga, trong đó có mưu đồ chính trị hóa khủng bố.

Thứ hai, không phải là quan hệ đồng minh nên quan hệ Nga-Syria là quan hệ đối tác, mà quan hệ đối tác là hai bên cùng có lợi, nên không có kiểu một bên phải hy sinh lợi ích để đảm bảo giữ bằng được đồng minh.

Đặt trường hợp Washington và Damascus đạt được đồng thuận và đều muốn gạt yếu tố Nga ra khỏi Syria thì vấn đề quan trọng không phải là phản ứng của Moscow, mà vấn đề cả Syria và Mỹ phải tính tới là lợi ích phải trả cho Nga.

Chỉ với thỏa thuận mà Syria đã ký với Nga nhằm hiện đại hóa cơ sở quân sự tại cảng Tartus của Syria thành căn cứ Hải quân của Nga với thời hạn 49 năm tính từ 2019 và tự động kéo dài thêm 25 năm, Washington và Damascus đã méo mặt với lợi ích Nga.

Đó là chưa kể đến căn cứ Không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia, vốn được xem là một phần trong kế hoạch của quân đội Nga nhằm tăng cường hiện diện ở Đông Địa Trung Hải về dài hạn.

Với lợi ích Nga tại Syria, Washington chưa đủ khả năng gạt yếu tố Nga khỏi lãnh thổ quốc gia Ả-rập này, nếu thực tế có chuyện Damascus mời chào để giúp Washington có thể rửa hận cho thất bại tại Afghanistan.

Như vậy sao Mỹ đủ sức làm thay đổi vị thế của Nga tại Trung Đông. Do vậy, chẳng có gì khó hiểu khi cho rằng Moscow không quan tâm đến nguy cơ yếu tố Nga bị gạt khỏi Syria và vị thế Nga sẽ bị suy giảm tại vùng đất nóng.

Thứ ba, Nga nhận lời giúp đỡ Syria đánh đuổi khủng bố, cho nên khi nào đánh xong khủng bố thì Nga sẽ rời khỏi Syria, nếu không có những thỏa thuận khác khiến Nga rút sớm hơn hay ở lại lâu hơn. 

4 My Co Kha Nang Ep Nga Khoi Syria
Mỹ không đủ khả năng ép Nga khỏi Syria

Thỏa thuận Nga rút sớm hơn thì chưa có, mà có thì cũng bị vô hiệu bởi thỏa thuận 49 năm cho sự hiện diện quân sự của Nga ở cảng Tartus.

Thỏa thuận này, hoặc hết hiệu lực sau ít nhất 49 năm, hoặc Mỹ trả tiền cho Nga để giúp Syria phá vỡ thỏa thuận.

Rõ ràng, Nga chỉ nhận giúp Syria đánh đuổi khủng bố là một tính toán rất sâu và rất rộng của Tổng thống Putin. Điều đó vừa đảm bảo tính nhân đạo khi giúp cả dân tộc Syria tránh thảm họa, lại vừa đảm bảo lợi ích cho nước Nga trong mọi trường hợp.

 Chính sách đối ngoại "xây đối tác" của Tổng thống Putin không những đảm bảo an ninh cho nước Nga, an toàn cho người dân và doanh nghiệp Nga, mà nó còn giúp gia tăng lợi ích Nga trong các mối quan hệ đan xen thời thế giới đa cực.

Ngọc Việt

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga