“Hàng nghìn tỷ carat” đang nằm dưới hố thiên thạch 35 triệu năm tuổi ở một nơi gọi là Popigai Astroblem, đông Siberia. Nga đã biết về khu vực này từ những năm 1970.

Nga vừa giải mật những thông tin có thể làm rung chuyển thị trường đá quý thế giới tới từng chân tơ kẽ tóc: đó là việc phát hiện ra mỏ kim cương mới, khổng lồ, chứa hàng nghìn tỷ carat, đủ để cung cấp cho thị trường toàn cầu thêm 3.000 năm nữa.

Sau khi phát hiện ra mỏ kim cương khổng lồ trên, Nga quyết định giữ bí mật về nó, không khai thác vì khi đó nước này đã có những hoạt động rất lớn ở Mirny, Yakutia, nơi tạo ra lợi nhuận rất lớn trên thị trường thế giới bị kiểm soát chặt chẽ.

132 1 Mo Kim Cuong Khong Lo O Nga

Liên Xô lúc đó cũng đang sản xuất nhiều kim cương nhân tạo cho công nghiệp và đã đầu tư rất mạnh cho hoạt động này.

Tuy nhiên, cuối cùng, tấm màn bí mật đã được gỡ bỏ vào cuối tuần qua và Moscow đã cho phép các nhà khoa học ở Viện Địa chất và Khoáng vật Novosibirsk nói về mỏ kim cương với các nhà báo trong nước.

Theo hãng thông tấn chính thức của Nga ITAR-Tass, kim cương tại Popigai “cứng gấp đôi” các loại đá quý thông thường khác, khiến chúng rất thích hợp để sử dụng trong nghiên cứu khoa học và công nghiệp.

Giám đốc Viện Nikolai Pokhilenko cho biết với ITAR-Tass rằng tin tức về cánh đồng kim cương đủ để “đảo ngược” các thị trường kim cương toàn cầu.

“Nguồn kim cương siêu cứng trên cánh đồng lớn hơn gấp 10 lần tất cả trữ lượng kim cương được thế giới biết đến”, ông Pokhilenko cho hay. “Chúng tôi đang nói đến hàng ngàn tỉ cara. Cụ thể hơn, trữ lượng dự kiến ở Yakutia hiện nay ước tính là 1 tỷ cara”.

Loại kim cương ở Popigai được biết là “kim cương tác động”, về lý thuyết được tạo nên khi có một vật thể như sao chổi lao xuống trầm tích kim cương với vận tốc cao. Người Nga cho hay hầu hết kim cương này được tìm thấy trước đây là “kim cương vũ trụ” có nguồn gốc từ ngoài vũ trụ, được tìm thấy trong các miệng hố do sao băng để lại.

Theo chinhphu.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga