Gazprom khẳng định khí đốt vẫn sẽ được đưa tới châu Âu cả khi Nord Stream 2 chưa sẵn sàng trong năm nay.

Trong điều kiện khắc nghiệt trên bán đảo phía bắc Yamal của Nga, cách thị trấn gần nhất 500km, hàng ngàn công nhân đang khoan sâu xuống 1.7km qua lớp băng vĩnh cửu để tìm kiếm khí đốt.

Khí đốt tự nhiên từ mỏ Bovanenkovo, Yamal dự định đến châu Âu thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 2 - một dự án dài 1.230km nối Nga với Đức dưới biển Baltic. Dự án này đang gây chia rẽ châu Âu và làm dấy lên mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ.

Các nhà chỉ trích dự án này, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, cho rằng Nord Stream 2 sẽ khiến châu Âu bị lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và tước đi hàng tỷ USD kiếm được của Ukraine từ việc cho phép khí đốt đi qua lãnh thổ. Trong khi đường ống đang được xây dựng hơn một nửa - với các công ty châu Âu tài trợ một nửa chi phí 9,5 tỷ euro - nó vẫn phải đối mặt với áp lực từ việc Đan Mạch trì hoãn cấp giấy phép xây dựng trong vùng biển của mình. Còn Ủy ban châu Âu thì thắt chặt giám sát.

Lựa chọn của Nga

Nhưng từ Yamal, các công ty đứng sau dự án - đứng đầu là Gazprom Nga – đưa ra một thông điệp đơn giản: nguồn khí dồi dào ở đây sẽ đến châu Âu bất kể những trở ngại từ Brussels hay Washington.

Ông Cameron Melnikov, giám đốc điều hành Gazprom Nadym Dobycha, đơn vị phát triển Bovanenkovo cho biết, chúng tôi vẫn sẽ sản xuất và đưa khí đốt vào hệ thống khí đốt của Nga.

"Chúng tôi không lựa chọn tạm dừng sản xuất", ông nói về hoạt động tại mỏ khai thác đang tiêu tốn của Gazprom Rbs500bn (7.6 tỷ USD) tiền phát triển.

132 1 Loat Rao Can Khong Ngan Nang Luong Nga Ao At Toi Chau Au

Nga đã đầu tư rất nhiều vào khí đốt tại bán đảo Yamal. (Nguồn: Reuters)

Oleg Andreev, phó trưởng bộ phận sản xuất tại Gazprom, cho biết công ty sẽ tìm kiếm các tuyến đường khác cho khí đốt nếu Nord Stream 2 chưa sẵn sàng vào tháng 12 năm nay- thậm chí có thể là đi qua Ukraine. Ông nói, về nguyên tắc, có nhu cầu về khí đốt ở châu Âu, và nhu cầu rất cao, và tất cả các hành lang đều có thể đưa khí đốt đi.

Gazprom đang xây dựng Nord Stream 2 với năm đối tác châu Âu: Uniper và Wintershall của Đức, Engie của Pháp, Anglo-Dutch Shell và OMV của Áo. Khoảng 670 công ty từ 25 quốc gia đang tham gia vào tiến trình này.

Gazprom và Đức, người hỗ trợ chính cho dự án này trong khối EU, khẳng định rằng Nord Stream 2 là cần thiết để thay thế nguồn cung cấp khí đốt giảm dần của Châu Âu. Nhu cầu khí đốt của châu Âu dự kiến sẽ đạt 564 tỷ m3 vào năm 2020 và 618 tỷ m3 vào năm 2030, theo Viện nghiên cứu năng lượng Oxford.

Nga, nơi cung cấp một phần ba nhu cầu của EU, có khí đốt để cung cấp. Riêng mỏ Bovanenkovo dự kiến sẽ sản xuất 95 tỷ m3 trong năm nay, tăng 9% so với cùng kì, trước khi ổn định sản lượng ở mức 115 tỷ ft3 mỗi năm vào năm 2020, theo ông Melnikov.

Sức ép từ Mỹ và EU?

Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa xác định đối với các công ty tham gia vào dự án này. "Nga muốn triển khai Nord Stream 2 để sử dụng năng lượng làm đòn bẩy nhắm vào châu Âu. Chúng ta không nên cho phép nó tiến hành", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hồi tháng 5.

Moscow cho rằng sự thù địch của Mỹ được thúc đẩy bởi mong muốn làm tổn thương lợi ích kinh doanh của Nga và kích thích xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu.

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga