Tổng thống Putin đã sử dụng hai mũi khoan tạo sức mạnh cho kinh tế – xã hội của nước Nga là phát huy nội lực – tranh thủ ngoại lực…

426 1 Dieu Gi Khien Nga Co The Tu Tin Vuot Moi Cu Soc

Nga tự tin có thể vượt qua mọi cú sốc về kinh tế

Theo Sputnik ngày 15/9, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã đưa ra báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của Nga, trong đó CBR đưa ra kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với kinh tế-xã hội Nga.

“Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến giảm nhu cầu về mặt cấu trúc cho các nguồn năng lượng. Kịch bản rủi ro bao gồm cả việc giá dầu Urals giảm tới mức 35 USD/thùng vào năm 2019 và sẽ kéo dài”, báo cáo cho biết.

Điều đó có nghĩa cơ chế trong-ngoài OPEC sẽ bị phá vỡ khiến cho thoả thuận cắt giảm sản lượng sẽ không thể kéo dài, và nguồn cung sẽ dồi dào hơn, bất chấp lượng xuất khẩu dầu của Iran có thể về 0.

Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây báo trước sẽ được siết chặt hơn, thậm chí còn gia tăng thêm nhiều biện pháp mới vì Washington luôn đưa ra rất nhiều lý do để lấy cớ để trừng phạt Nga.

Như vậy, theo kịch bản tồi tệ mà CBR đưa ra thì hai gọng kìm nguy hại “cấm vận-giá dầu” lại tái hiện và có thể tác oai tác tác quái với đời sống kinh tế tại xứ sở bạch dương là trong như giai đoạn 2014-2016.

Vậy nhưng báo cáo của CBR vẫn đưa ra dự báo kinh tế Nga tăng trưởng bền vững. Theo đó GDP sẽ tăng trưởng mức 1,5-2% vào năm 2018, mức 1,2-1,7% vào năm 2019, mức 1,8-2,3% vào năm 2020 và mức 2-3% vào năm 2021.

Điều này cho thấy Moscow rất tự tin vào sức mạnh của nền kinh tế và sức đề kháng của xã hội Nga trước những hiệu ứng bất lợi nhất có thể xảy ra đối với nước Nga bất cứ lúc nào trong thời cấm vận.

Dù ngân sách nhà nước Nga chỉ còn phụ thuộc 45% vào nguồn thu từ khai thác, chế biến và xuất khẩu năng lượng, nhưng nếu giá dầu thô giảm tới hơn 54,5% so với hiện nay – theo kịch bản của CBR – thì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nước Nga.

Việc Nga đạt được những thành quả vượt cấm vận thực ra chỉ đủ giúp nước Nga đứng vững trước cấm vận, chứ không phải là nguồn lực giúp vượt cấm vận hay tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, dựa vào đâu mà Ngân hàng Trung ương Nga lại tự tin đưa ra dự báo kinh tế Nga có thể vượt qua mọi cú sốc và đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững?

Chiến lược của Putin và chính sách của chính phủ Nga – nền tảng vững chắc cho nước Nga

Sau khi giới thiệu về nền kinh tế phục vụ 6 trong 1 và xem đó là đích đến của nước Nga trong những thập niên tới, Tổng thống Putin đã chính thức bắt tay vào việc hiện thực hoá khát vọng của mình.

426 2 Dieu Gi Khien Nga Co The Tu Tin Vuot Moi Cu Soc

Tổng thống Putin dựa trên phương châm hiệu quả thay cho quy mô và ứng phó thay cho đối phó trừng phạt để có chương trình hành động-quyết sách phủ hợp với thực tế nước Nga và tác động từ những chuyển động của thế giới ảnh hưởng tới Nga.

Qua những sự kiện diễn ra từ sau khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của mình cho thấy nhà lãnh đạo nước Nga đương thời đã sử dụng hai mũi khoan tạo sức mạnh cho nước Nga là: phát huy nội lực – tranh thủ ngoại lực.

Về phát huy nội lực, Tổng thống Putin xem việc hoàn thiện cơ chế là nền tảng, xem hiện thực hoá cơ chế trong đời sống kinh tế – xã hội là giá trị và hiệu quả của chính sách quản lý và điều hành.

Còn nhớ ngày 24/10/2017, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư mang tên “Tiếng gọi từ nước Nga”, lần thứ 9, tại Moscow, Tổng thống Putin nhận định dù kinh tế Nga đã hết trì trệ nhưng tốc độ tăng trưởng như hiện nay là không chấp nhận được.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng lẽ ra chỉ số tăng trưởng của kinh tế Nga phải cao hơn chỉ số tăng trưởng trung bình thế giới, mà nguyên nhân – theo ông Putin – là do cơ chế không theo kịp giải pháp.

Cơ chế quản lý kinh tế của Nga vẫn xem nặng “phần cơ” – cơ cấu – mà xem nhẹ “phần chế” – chế độ hoạt động – biểu hiện ra ở sự cứng nhắc và tính không đồng bộ, trong khi đây là yếu tố then chốt giúp cho hệ thống kinh tế vận hành, phát sinh lợi ích.

“Chúng ta từng thấy nó hoàn hảo, song bây giờ chúng ta biết cần phải làm gì khi nó không còn hoàn hảo trong tình hình mới, điều này rất quan trọng vì nó vừa đảm bảo sự ổn định, vừa tạo cơ sở phát triển tích cực và dài hạn”.

Ông hối thúc chính phủ nhanh chóng hoàn thiện cơ chế và vận dụng cơ chế và phát huy nội lực thông qua những hiệu chỉnh, thay đổi chính sách kinh tế-xã hội nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế – nâng cao chất lượng sống của người dân.

426 3 Dieu Gi Khien Nga Co The Tu Tin Vuot Moi Cu Soc

Ví dụ rõ nhất là việc sửa đổi Luật trợ cấp của Nga quy định việc nâng cao tuổi nghỉ hưu, được đánh giá là sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của nước Nga thêm 0,1 điểm phần trăm vào năm 2019 và 0,2-0,3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2020-2021.

“Với cấu trúc tuổi của dân số, tỷ lệ hiện tại của người nghỉ hưu và khả năng lao động ở các độ tuổi khác nhau, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đóng góp đáng kề vào tăng trưởng GDP”, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga.

Về tranh thủ ngoại lực, chính phủ Nga tập trung thu hút nguồn lực nước ngoài thông qua những chương trình, dự án có trong điểm, tận dụng mọi cơ hội nhưng không phải chấp nhận bằng mọi giá, tiếp nhận vô điều kiện.

Chẳng hạn việc phát hành trái phiếu châu Âu – Russian Eurobonds – là một chương trình thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ cho nền kinh tế Nga có chọn lọc, vì lượng phát hành không lớn so với nhu cầu.

Ngược lại, việc tổ chức thành công giải Vô địch Bóng đá Thế giới – Wordl Cup 2018 – cho thấy chính phủ Nga đã tận dụng mọi cơ hội để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Hay việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2018 (EEF-2018) cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài có trọng điểm, đó là khai thác tiềm năng của vùng Viễn Đông “đất rộng người thưa”, tìm nguồn lực để hoàn thành dự án lớn “Hecta đất Viễn Đông”.

Kết quả việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài đều mỹ mãn. Russian Eurobonds phát hành là hết sạch, World Cup thì chi phí đầu tư thu lại được cùng hàng ngàn cơ hội đang được hiện thực hoá, còn EEF-2018 thì thu hút được tới hơn 41 tỷ USD.

Rõ ràng, những bước chuyển mình trong cơ chế và hiện thực hoá cơ chế trong đời sống kinh tế – xã hội của chính phủ Nga đã thể hiện sự đúng đắn trong chiến lược của Tổng thống Putin, có thể bẻ ngoặt gọng kìm cấm vận trong mọi hoàn cảnh.

426 4 Dieu Gi Khien Nga Co The Tu Tin Vuot Moi Cu Soc

Còn với gọng kìm dầu thô, chính phủ Nga đã “chủ động hạ giá” khi xây dựng ngân sách chỉ tính theo giá dầu 40 USD/thùng. Nếu giá dầu giảm xuống 35 USD/thùng thì thực ra với Nga chỉ giảm 12,5% – quá nhỏ so với sự sụt giảm giai đoạn 2014-2016.

Đặc biệt, doanh thu từ giá dầu trên 40 USD/thùng không được chính phủ Nga chi tiêu mà để xây dựng bước đệm tài chính cho kinh tế Nga, mà theo tính toán đến nay đã được gần 200 tỷ USD, xấp xỉ số tiền Nga bỏ ra để cứu đồng rúp năm 2014.

Trong khi đó quỹ dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng lên gần tới 500 tỷ USD – tương đương con số trước cú sốc tài chính và giá dầu thô giảm sâu, từ đó tạo ra một rào chắn vững chắc cho nền kinh tế Nga.

Như vậy, việc Ngân hàng Trung ương Nga tự tin đưa ra đánh giá và dự báo kinh tế Nga trăng trưởng ổn định và bên vững trong mọi trường hợp là có cơ sở, là thực tế và thực chất. Rõ ràng, Putin đã đưa nước Nga trở lại và lợi hại hơn xưa.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga