Nga lên kế hoạch vận chuyển LNG từ Bắc Cực đến châu Á vào đầu tháng 5, cạnh tranh chính thức với Mỹ, Canada.

Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, nhà sản xuất khí đốt Nga Novatek có kế hoạch gửi hàng từ cơ sở LNG Yamal của mình đến các thị trường châu Á qua Tuyến đường Biển Bắc (NSR) vào đầu tháng 5 với sự trợ giúp của tàu phá băng.

132 1 Chien Luoc Tan Cong Thi Truong Lng Chau A Cua Nga

Tàu Christophe de Margerie chở khí đốt hóa lỏng đến Trung Quốc. Ảnh: Neftogaz

Chuyến hàng này sẽ trở thành chuyến hàng vận chuyển LNG sớm nhất đến châu Á, phá kỷ lục của năm ngoái sớm hơn gần hai tuần và mở đường cho một mùa vận chuyển kỷ lục trong năm nay.

Thời gian chính xác của chuyến hàng LNG sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và độ dày của lớp băng, theo các quan chức Nga.

Nikita Sekretarev, người phát ngôn của công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận về một chuyến đi như vậy vận chuyển vào tháng 5.”

Được biết, hồi đầu tháng 1/2021, lần đầu tiên, công ty Yamal LNG của Nga đã thử nghiệm cho hai tàu Nikolay Evgenov và Christophe de Margerie chở khí đốt hóa lỏng đến Trung Quốc dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc về phía Đông mà không cần có tàu phá băng dẫn đường.

Hai tàu này dự kiến sẽ cập cảng Đại Liên và Thiên Tân vào cuối tháng này. Nếu thử nghiệm thành công, chuyến đi này sẽ mở ra khả năng Nga có thể cung cấp khí đốt Yamal cho châu Á ngay cả khi không có tàu phá băng hạt nhân trong 9 tháng của năm, ngoại trừ thời gian từ tháng 3-5, khi điều kiện thời tiết ở Bắc Cực phức tạp nhất.

Tuyến đường biển Bắc là con đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Phần phía đông của nó thường không thể di chuyển qua trong vài tháng vào đầu năm do băng dày, hạn chế tiềm năng vận chuyển. Đây sẽ là phần chính trong chiến lược lớn của Nga, là huyết mạch thương mại chính giữa châu Âu và châu Á. Năm ngoái, 33 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua tuyến đường Bắc Cực này.

Châu Á được cho sẽ là thị trường mục tiêu của Nga trong bối cảnh quan hệ với châu Âu và Mỹ chịu ảnh hưởng của chính sách dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Mỹ có kế hoạch đầy tham vọng là xuất khẩu 67,2 tỷ m3 LNG trong năm 2020 và 79,5 tỷ m3 năm 2021. Kế hoạch này được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, kế hoạch rõ ràng là không khả thi.

Nguồn cung LNG của Mỹ đã gia tăng đáng kể, trong bối cảnh mùa Đông ấm áp hơn và đại dịch COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường khí đốt châu Âu và châu Á. Giá trung bình tại điểm trung chuyển TTF châu Âu trong bốn tháng đầu năm nay giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019, trong khi giá giao ngay tại Nhật Bản giảm 44%.

Ngay trong tháng 4/2020, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ sang thị trường châu Âu đã trở nên không thực tế về mặt kinh doanh. Các công ty lớn của châu Âu và châu Á đã hủy hợp đồng giao tháng 6-7/2020.

Các nhà phân tích của EIA nhận xét: “Giá LNG giao ngay tại châu Âu và châu Á đã làm suy yếu khả năng kinh tế của hàng hóa xuất khẩu Mỹ, vốn cực kỳ nhạy cảm về giá cả”.

Theo ông Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Mỹ, người mua hiện sẵn sàng trả giá LNG của Mỹ ở mức thậm chí không bao gồm chi phí hóa lỏng và vận chuyển.

Giờ đây, so với ưu thế về giá và vận chuyển, khí đốt Nga có sức hấp dẫn hơn với thị trường châu Á.

So với khí hóa lỏng của Mỹ, sản phẩm của Nga có ưu thế vượt trội. Giám đốc tài chính của Novatek Mark Gyetvay cho biết, họ có thể cung cấp LNG tới châu Âu với giá 3,15 USD/mmBtu (1 triệu BTU- đơn vị nhiệt của Anh) trong khi các nhà sản xuất Mỹ đang cung cấp nó với giá 7 - 8 USD/mmBtu.

Novatek cho biết, giá hấp dẫn của họ là do chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các đối thủ Mỹ: khai thác khí đốt với chi phí 10 cent/mmBtu và hóa lỏng khí đốt với giá 50 cent/mmBtu. Trong khi đó, Mỹ sẽ mất 3 USD/mmBtu để khai thác khí đốt và hóa lỏng khí đốt.

Ông Mark Gyetvay khẳng định, khí đốt của Nga có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các đối thủ Mỹ và họ cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất LNG từ biển khoảng 15 triệu tấn lên 70 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Một lý do khác, châu Âu mua khí hóa lỏng giá rẻ của Nga bởi nhu cầu thương mại trong khi đa số mua của Mỹ bởi những sức ép chính trị khác.

Huy Vũ

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga