Chính quyền Nga thời Tổng thống Putin đã đưa ý nghĩa và giá trị lịch sử của cuộc chiến chống phát xít vào thực tiễn…

Cách nay tròn 80 năm, ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, chính thức mở màn cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II – cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử nhân loại, khi đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới.

Ngày 1/9/2019, lãnh đạo các nước phương Tây tụ họp tại bán đảo Westerplatte của Ba Lan, là nơi mà cách đây đúng 80 năm, sáng 1/9/1939, chiếc tàu chiến Schleswig-Holstein của Đức bắt đầu nã pháo vào các đơn vị đồn trú của Ba Lan.

Nước chủ nhà Ba Lan đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tham dự sự kiện ở Westerplatte.

426 1 Chi Putin Moi Bao Ton Duoc Gia Tri Cuoc Chien Chong Phat Xit
Liên Xô có vai trò quyết định nhất trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít

Song Tổng thống Nga Putin, lãnh đạo quốc gia kế thừa Liên Xô – thực thể có vai trò quyết định nhất trong chiến thắng phát xít – lại không được mời. Trong khi đó, kỷ niệm 70 năm bùng nổ Thế chiến II cũng tại Westerplatte, có sự hiện diện của ông Putin.

Phải chăng chính quyền Ba Lan đang muốn viết lại lịch sử, thậm chí quay ngược bánh xe lịch sử? Điều đó thì chưa thể khẳng định, nhưng qua lối hành xử của Warsaw cho thấy giá trị và ý nghĩa của cuộc chiến chống phát xít không còn được Mỹ và châu Âu trân trọng.

Có thể thấy cho đến giờ phút này, Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới không chỉ trân trọng, mà còn có đủ khả năng bảo tồn và phát huy cả giá trị và ý nghĩa của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít năm xưa.

Thứ nhất, tất cả những dấu mốc quan trọng trong lịch sử cuộc chiến, dù oai hùng hay đau thương, đều được chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Putin tưởng nhớ và trân trọng.

Chỉ cần nêu một chi tiết nhỏ. Theo History, ngày 22/6/1941, Adolf Hitler quyết định xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau được ký giữa Liên Xô và Đức, phát xít Đức với sự hỗ trợ của phát xít Ý và các đồng minh khác, bất ngờ tấn công Liên Xô.

Để đẩy lùi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, giữ vững nền độc lập dân tộc, đồng thời cứu loài người thoát khỏi hoạ diệt chủng, hơn 9 triệu chiến sĩ Hồng quân đã hy sinh và hơn 17 triệu người dân Liên Xô đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Từ đó, ngày 22/6 hàng năm được xem là Ngày Tưởng niệm và Đau thương của nhân dân Liên Xô với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Khi Liên Xô tan rã, chính quyền và nhiều nhà lãnh đạo Nga, và tại các quốc gia cựu Xô Viết đã lãng quên sự kiện này.

Có nhiều ý kiến cho rằng Liên Xô đã thảm bại trong những trận chiến đầu tiên với quân phát xít, nên Ngày Tưởng niệm và Đau thương không gợi nhớ niềm tự hào, do đó chỉ nên tưởng nhớ Ngày Chiến thắng.

Vì vậy, những năm tháng đầu tiên của thời hậu Xô Viết, Ngày Tưởng niệm và Đau thương đã bị làm nhạt nhoà trong ký ức người dân Nga, nó không còn được xem là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hào hùng của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại năm xưa.

Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Putin được trao nắm giữ vận mệnh quốc gia, mọi sự kiện đáng nhớ, mọi dấu mốc quan trọng của lịch sử cuộc chiến, đều được ông trân trọng và xem đó luôn là động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

426 2 Chi Putin Moi Bao Ton Duoc Gia Tri Cuoc Chien Chong Phat Xit
Hình ảnh Tổng thống Putin nghiêm trang đứng dưới trời mưa trong lễ Tưởng niệm và Đau thương

Đặc biệt, hình ảnh Tổng thống Putin nghiêm trang đứng dưới trời mưa tại lễ kỷ niệm Ngày Tưởng niệm và Đau thương đã gây xúc động trên toàn thế giới về sự trân trọng giá trị lịch sử cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít của nhà lãnh đạo Nga đương thời.

Thứ hai, chính quyền Nga thời Tổng thống Putin luôn cố gắng tái hiện một cách tốt nhất những sự kiện quan trọng và điển hình trong cuộc chiến chống phát xít, qua đó biến ý nghĩa và giá trị lịch sử của cuộc chiến thành giá trị thực tiễn.

Hàng năm, vào ngày kỷ niệm Lễ diễu binh trên quảng trường Đỏ năm 1941 – mà từ đó quân đội Liên Xô đã đi thẳng ra chiến trường – và Ngày Chiến thắng phát xít, là diễn ra lễ diễu binh, duyệt binh của quân đội Nga.

Tại các sự kiện này, các thế hệ người dân Nga như được sống trong hào khí của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm xưa, khi được nghe bài hát “Cuộc Chiến Tranh Thần Thánh”, được nhìn thấy chiếc xe tăng T-34 huyền thoại của Liên Xô.

Cùng với đó là được ngắm lá cờ của Hồng quân Liên Xô mà đã được cắm trên nóc tòa nhà trụ sở Quốc hội Đức vào ngày 9/5/1945, tượng trưng cho chiến thắng cuối cùng của Liên Xô và nhân loại trước chủ nghĩa phát xít.

Đặc biệt là được nghe Tổng thống Putin nhắc lại những khó khăn mà nhân dân Nga và nhân thế giới đã vượt qua trước khi giành được chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống phát xít và cái giá mà nhân loại phải trả để có được hòa bình.

Vì vậy, không người dân nước nào hiểu rõ ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít như người dân nước Nga, trong đó có niềm tự hào về sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Hồng quân.

Bởi “dân tộc Nga đã quyết chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, đã quay ngược bánh xe lịch sử đẫm máu của Thế chiến II, đẩy kẻ thù ra khỏi lãnh thổ, đã đè bẹp chủ nghĩa phát xít.., đã mang lại tự do cho châu Âu và hòa bình cho nhân loại”, lời Tổng thống Putin.

Và không chỉ có vậy, chính quyển Nga dưới thời Tổng thống Putin còn biến ý nghĩa và giá trị lịch sử của cuộc chiến chống phát xít năm xưa thành động lực, nguồn lực cho phát triển đất nước hôm nay. Chỉ nước Nga của Putin mới làm được điều này.

Thứ ba, chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Putin là thực thể chính trị duy nhất cho đến nay đã để nghị LHQ công nhận chiến thắng chủ nghĩa phát xít là di sản của toàn nhân loại.

426 3 Chi Putin Moi Bao Ton Duoc Gia Tri Cuoc Chien Chong Phat Xit
Nước Nga thời Putin luôn tái hiện hào khí của cuộc chiến chống phát xít năm xưa

Ngày 22/6, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko viết trên trang web: “Chúng tôi có kế hoạch thúc đẩy sáng kiến của mình tại LHQ nhằm công nhận chiến thắng trước phát xít Đức trong Thế chiến II là di sản của nhân loại.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất công nhận các tượng đài tưởng niệm những người lính chiến đấu chống phát xít tại tất cả các quốc gia là công trình tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ II của thế giới.

Chúng tôi hy vọng sáng kiến này sẽ sớm được phê chuẩn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm kỷ niệm 80 năm này nổ ra Thế chiến II và hướng tới kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít”.

Người đứng đầu Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục trân trọng sự thật lịch sử, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách trọn vẹn, không giấu giếm hay thêm thắt bất kỳ điều gì”.

Như vậy, chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Putin đã tìm cách để đưa ý nghĩa và giá trị lịch sử của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít vào kho tàng văn hoá nhân loại để đảm bảo sẽ tồn tại vĩnh hằng.

Hành động của Moscow không chỉ nhắc nhở những ai muốn lãng quên lịch sử hay viết lại lịch sử, mà còn là cách ngăn chặn và đánh bại mọi hình thức của chủ nghĩa phát xít mới đang trỗi dậy cũng như chủ nghĩa khủng bố hiện nay, như lời Tổng Thư ký LHQ Guterres.

Rõ ràng, chính quyền Tổng thống Putin rất có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị và ý nghĩa của cuộc chiến chống phát xít, nên chính quyền Ba Lan không mời nhà lãnh đạo Nga dự lễ kỷ niệm 80 năm bùng nổ Thế chiến II là “sai lầm lịch sử”.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga