Trước mắt châu Âu là một mùa đông không ngắn, trong khi có nhiều khách hàng khác cần khí đốt của Nga, mang đến nguồn thu đáng kể cho Moscow.

132 1 Chau Au Khong So Lanh Nga Co So E Hang

Châu Âu tự tin vượt qua mùa đông mà không cần khí đốt Nga

Châu Âu không sợ mùa đông

Viện Kinh tế Năng lượng (EWI) tại Cologne (Đức) ngày 4/12 khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thiếu năng lượng trong mùa Đông này ngay cả khi Nga và Ukraine không thể ký kết một thỏa thuận mới nhằm chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu, trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào cuối tháng 12.

Báo cáo nghiên cứu EWI cho biết: "Nguồn cung khí đốt cho mùa Đông được đảm bảo, dù các cuộc đàm phán về chuyển giao khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu có thể thất bại".

Theo báo cáo, giá khí đốt tại Đức có thể tăng nhẹ, nhưng nguồn cung sẽ không bị ngắt quãng. Các cơ sở dự trữ khí đốt đều đang đầy và giá cả hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm do dư thừa nguồn cung toàn cầu, và các mối liên kết quốc tế hiện tốt hơn nhiều so với cách đây 10 năm, khi Nga và Ukraine tranh cãi về giá và hình thức thanh toán.

EWI đưa ra một kịch bản, theo đó việc ngừng chuyển giao khí đốt sang châu Âu qua Ukraine từ tháng 1/2020 có thể dẫn tới việc giảm 6,3 tỷ m3 khí xuất khẩu của Nga sang EU trong tháng 1.

Viện này cho biết dự trữ khí đốt dưới lòng đất có thể cung cấp 83% lượng khí thiếu hụt và phần còn lại sẽ được thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

Điều này sẽ đẩy giá khí đốt tại Đức tăng 5% và tại Hy Lạp tăng 45% (vì Hy Lạp hiện không kết nối với mạng lưới khí đốt chính của châu Âu). EWI cũng dự báo nếu xảy ra đợt không khí lạnh đột ngột tại châu Âu vào giữa lúc nguồn cung từ Nga bị ngắt quãng, giá khí đốt có thể còn tăng cao hơn một chút.

Tuy nhiên, EWI khẳng định nguồn cung khí đốt cho 3 tháng sẽ được đảm bảo nếu khủng hoảng xảy ra đến tận tháng 3/2020.

132 2 Chau Au Khong So Lanh Nga Co So E Hang

Sự tự tin của châu Âu sẽ khó kéo dài

Moscow đã lên tiếng cho biết họ không muốn một "cuộc chiến khí đốt" với Ukraine như hồi năm 2009, dẫn tới ngắt quãng nguồn cung tại nhiều quốc gia châu Âu trước khi thỏa thuận hiện hành được ký kết. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới, và các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thay thế đang bị phức tạp hóa bởi các vấn đề chính trị.

Nga cho biết các cuộc đàm phán 3 bên (Nga, Ukraine và EU) có thể sẽ diễn ra trong ngày 5/12 nếu các công ty liên quan, gồm Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine, sẵn sàng. Nhưng tuần trước, Naftogaz vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng đàm phán.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy có thể sẽ thảo luận về bất cứ vấn đề nào khi hai bên gặp nhau tại Paris trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh theo định dạng "Normandy" vào ngày 9/12 tới.

Giới phân tích Đức đang tỏ ra tự tin một phần nhờ tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolia (TANAP) đang được hoàn tất. Thông qua tuyến đường ống này, khí đốt của Azerbaijan sẽ được trung chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ và tới châu Âu.

Theo các số liệu được công bố, hơn 3 tỷ m3 khí đốt đã được trung chuyển qua tuyến đường ống TANAP cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, và việc cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ bắt đầu từ năm 2020 khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans Adriatic (TAP) hoàn tất. TANAP và TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

Công suất ban đầu của TANAP là khoảng 16 tỷ m3 mỗi năm, trong đó khoảng 6 tỷ m3 khí đốt sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại đến châu Âu. Trong tương lai, công suất của tuyến đường ống này có thể được nâng lên 24 tỷ m3 và sau đó là 31 tỷ m3 mỗi năm, tức là tương đương với TurkStream.

Việc gia tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ không chỉ dựa vào nguồn khí đốt của Azerbaijan, mà cả khí đốt của Turkmenistan, Iran, Iraq và thậm chí cả khí đốt của Kazakhstan.

Cân bằng Đông-Tây

Tuy nhiên, những kịch bản trên vẫn còn nằm trên giấy và trước mắt châu Âu là một mùa đông không ngắn. Trong khi đó, có nhiều khách hàng khác cần mua khí đốt của Nga nên mặt hàng này sẽ tiếp tục mang về nguồn thu đáng kể cho Moscow.

Ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khai trương tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên nối giữa hai nước.

Tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia", với chiều dài 3.000 km từ các khu vực xa xôi hẻo lánh ở Đông Siberia tới thành phố Blagoveshchensk ở biên giới, sau đó vận chuyển vào Trung Quốc, là kết quả của nhiều năm đàm phán giữa hai nước.

Công trình này được Tổng thống Putin xem là dự án xây dựng lớn nhất thế giới. Hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỷ USD được hai bên ký vào năm 2014, theo đó tập đoàn Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt hằng năm khi đường ống đi vào vận hành hết công suất từ năm 2025.

Theo Gazprom, đường ống này chạy xuyên qua "đầm lầy, vùng núi, khu vực hoạt động địa chấn, băng vĩnh cửu và đá với điều kiện môi trường khắc nghiệt". Nhiệt độ dọc theo tuyến đường ống có nơi xuống -60 độ C như ở vùng Yakutia và dưới -40 độ C ở Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Còn Tân hoa xã cho biết, khí đốt được vận chuyển bằng tuyến đường ống này có thể được cung cấp cho vùng Đông Bắc Trung Quốc, vành đai biển Bột Hải và Tam giác sông Trường Giang. Các chuyên gia Trung Quốc coi đây là một thành tựu lớn của việc bổ sung ưu thế giữa hai nước để thực hiện cùng phát triển.

Đối với Trung Quốc, điều này khiến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đa dạng và ổn định hơn, có lợi cho việc tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng ở các khu vực dọc tuyến đường ống này tại Trung Quốc, làm giảm ô nhiễm không khí.

Đối với Nga, điều này giúp thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga "tiến sang phía Đông", tạo triển vọng về thị trường rộng lớn hơn, qua đó tạo cơ hội quý giá để đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm ở khu vực Viễn Đông của Nga.

Còn tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn ý kiến giới phân tích Trung Quốc cho rằng đối với Nga, trong bối cảnh chịu sự cản trở của Mỹ và EU tại thị trường châu Âu trong những năm gần đây, việc dẫn khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc thông qua tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia" đã mở ra thị trường khí đốt tự nhiên rộng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mở ra một trang mới cho việc tăng cường xuất khẩu khí đốt của Nga sang phía Đông.

Ngoài ra, điều này cũng có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện chính sách cân bằng xuất khẩu năng lượng của Nga đối với phương Đông và phương Tây, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng quốc tế giữa Nga với Mỹ và các nước Trung Đông.

Nguồn: Đông Triều/ Baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga