Chuyên gia Mỹ nói về các biện pháp cấm vận, uy tín của Nga và mối đe dọa Trung Quốc.

426 1 Cau Tra Loi Khi Nga Tuyen Bo Het Thoi My Thong Tri

Xin được giới thiệu với bạn đọc nguyên văn bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ Richard Weitz của phóng viên báo Lenta.ru Aleksey Naumov để tham khảo. Bài đăng trên “Lenta.ru” ngày 15/1/2019.

Bài dài, xin được thông cảm. Chúng tôi có mở ngoặc một số chỗ để làm rõ hơn ý tác giả.

“Khủng hoảng trong mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt: những kỳ vọng trong năm 2018 đã không thành hiện thực, tình hình ngày càng xấu đi.

Để tìm hiểu một số vấn đề: làm cách nào để khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước, Matxcơva và Washington có thể “làm lành” để chống ai, không thể “liên kết” với nhau để cùng chống ai, mục đích của các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ là gì, báo “Lenta.ru” đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm phân tích quân sự – chính trị Trường đại học tổng hợp Hudson (Washington-Mỹ), chuyên gia Câu lạc bộ “Valdai” Richard Weitz. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

426 2 Cau Tra Loi Khi Nga Tuyen Bo Het Thoi My Thong Tri
Giám đốc Trung tâm phân tích quân sự- chính trị Trường Đại học tổng hợp Hudson Richard Weitz.

“Lenta.ru”: Rõ ràng là vào thời điểm hiện tại mối quan hệ Nga – Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng. Ông có cho rằng Mỹ và Nga- đó là các đối thủ truyền thống của nhau và sẽ mãi là như vậy không?

Richard Weitz: Không, tôi không nghĩ rằng chúng ta (Mỹ – Nga – ND) cứ sẽ mãi là đối thủ của nhau trong một cuộc chiến tranh lạnh.

Trong quan hệ giữa chúng ta đã từng có những thời kỳ tốt đẹp và cũng có những thời kỳ khó khăn.

Tôi cho rằng các mối quan hệ đó có thể được cải thiện – điều đó có thể thấy rõ, lấy ví dụ, qua các cuộc thăm dò dư luận xã hội.

Tuy trong những năm sắp tới sẽ không có thay đổi gì lớn, nhưng trong tương lai dài hạn, những thay đổi lớn hoàn toàn có khả năng xảy ra.

“Lenta.ru”: Chúng ta sẽ khởi động các thay đổi đó như thế nào? Bước đi đầu tiên sẽ là gì?

Richard Weitz: Chúng ta cần một thỏa thuận mới về Ukraine. Đó là vấn đề cốt yếu, (khủng hoảng Ukraine) là nguồn gốc chủ yếu gây ra tình trạng căng thẳng. Việc khởi động lại tiến trình này rất quan trọng – (vì) để (Mỹ) có thể dỡ bỏ các biện pháp cấm vận. Còn sau đó, trong tương lai dài hạn – lành mạnh hóa mối quan hệ hợp tác, các mối quan hệ công việc.

Nhưng tất cả những công việc đó đòi hỏi nhiều thời gian. Có thể, để làm được điều đó (cải thiện quan hệ Nga – Mỹ) cần phải có hai tổng thống khác – Tổng thống Trump và Tổng thống Putin khó có thể làm thay đổi được mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Họ, có thể, rất muốn như vậy, nhưng tình thế chính trị không cho phép (họ làm điều đó). Có thể, thế hệ các nhà lãnh đạo mới sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng, tôi xin nhắc lại lần nữa, sẽ không sớm có thể làm được điều đó đâu (cải thiện quan hệ Mỹ – Nga – ND) .

Lenta.ru”: Ông vẫn cho rằng (nếu có) những kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán về những vấn đề như Ukraine và Syria, mối quan hệ Nga-Mỹ có thể được cải thiện?

Richard Weitz: Trong khi chúng ta chưa quyết xong những vấn đề đó – sẽ không có gì xảy ra. Sau đó (khi giải quyết xong), có thể, sẽ đạt được những tiến bộ nào đó (trong quan hệ Nga – Mỹ), nhưng chắc chắn là không phải trong 2 năm tới. Để có thể sửa chữa (sai lầm), cần phải có thời gian.

“Lenta.ru”: Ông nói rằng để thay đổi hướng phát triển mối quan hệ (Nga-Mỹ), cần phải có tổng thống mới. Tuy nhiên, Edward Randall Royce, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ lại nói rằng, vấn đề chủ yếu – đây chỉ ở một tổng thống: Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Bởi vì) dù ai làm tổng thống Mỹ thì người đó dứt khoát cũng đòi (Nga) phải trao trả lại Crimea (cho Ukraine) và v.v. Ông có cho rằng chính Putin là chướng ngại vật chủ yếu không?

Richard Weitz: Putin, tất nhiên, là người không được Quốc hội Mỹ yêu mến lắm, và điều đó gây khó khăn cho sự hợp tác giữa (Mỹ) với Nga. Hãy nhớ lại Medvedev: khi ông ấy còn làm tổng thống – mặc dù chỉ là hình thức – các mối quan hệ được xây dựng một cách dễ dàng hơn.

Putin quay trở lại – mọi việc lại trở nên phức tạp. Đấy là vấn đề thứ nhất. Nhưng cũng còn vấn đề thứ hai nữa – đó chính là Trump. Bản thân ông ấy cũng khó tiêu thụ món hàng “cải thiện quan hệ với Nga” tại Hạ viện. Nếu một người nào đó khác ở vào vị trí ông ấy (Trump), có lẽ mọi việc đã khác đi.

426 3 Cau Tra Loi Khi Nga Tuyen Bo Het Thoi My Thong Tri
Donald Trump và Vladimir Putin. Ảnh: Xergey Gunheev /RIA Novosti

“Lenta.ru”: Tất cả những chuyện vừa nói là chuyện của tương lai, còn về hiện tại thì như thế nào? Hiện nay chúng tôi (Nga) đang bị cấm vận – liệu các biện pháp trừng phạt đó có được dỡ bỏ không? Những biện pháp cấm vận có ép được Nga phải trả lại Crimea cho Ukraine không?

Richard Weitz: Các biện pháp cấm vận phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ (đạt nhiều mục tiêu), và chỉ có một nhiệm vụ trong số đó là buộc Nga phải thay đổi đường lối chính trị của mình.

Còn có một số mục tiêu khác nữa: hạn chế nguồn lực mà Nga có thể sử dụng để phát triển các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, thuyết phục các nước khác không hợp tác với Nga và chứng minh cho các công dân Mỹ thấy rằng Mỹ sẽ không giảm sức ép lên Nga.

Chính vì thế mà dù chúng (các biện pháp cấm vận, trừng phạt) có không buộc được Nga phải thay đổi chính sách, chúng vẫn đem lại những lợi ích nhất định.

Cho nên (Mỹ) sẽ không dễ dàng dỡ bỏ các biện pháp cấm vận – để làm được điều đó (dỡ bỏ các biện pháp cấm vận) cần phải có những tiến bộ thực sự trong quan hệ song phương.

Hay là tôi sẽ nói theo một cách như thế này: các biện pháp cấm vận tuy không buộc được Nga thay đổi cách hành xử, nhưng sự thay đổi cách hành xử (của Nga) sẽ làm cho các biện pháp cấm vận phải thay đổi hoặc thậm chí bị dỡ bỏ hoàn toàn.

“Lenta.ru”: Chính quyền Nga tuyên bố rằng thời đại thống trị toàn cầu của Mỹ đã kết thúc. Ông nghĩ thế nào, Mỹ có đồng ý với (nhận định) đó không? Đánh giá của cá nhân ông như thế nào?

Richard Weitz: Rất rõ ràng là Mỹ không đồng ý (với nhận định trên) – cả chính phủ Mỹ, cả những người dân Mỹ bình thường cũng vậy.

Nhưng cần xem xét một cách cụ thể hơn: thứ nhất, sức mạnh quân sự và những hoạt động tích cực (của Mỹ) trên trường quốc tế cho phép nước Mỹ vẫn giữ một vai trò quân sự hàng đầu trên thế giới.

Thứ hai – văn hóa: Hollywood vẫn đang cực kỳ mạnh.

Thứ ba – kinh tế: Mỹ có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng dù như vậy thì người Mỹ vẫn không đơn phương áp đặt các giải pháp của mình cho toàn thế giới.

Và cả trong các lĩnh vực khác cũng thế, cả trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu- ví dụ, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chống biến đổi khí hậu- Mỹ không thể đơn phương hành động mà vẫn có thể đạt được các kết quả mong muốn, Mỹ cần sự hợp tác quốc tế.

“Lenta.ru”: Có nghĩa là chúng ta đang tiến đến điểm kết thúc của sự thống trị toàn cầu (của Mỹ), nhưng vẫn còn cách nó rất xa?

Richard Weitz: Đúng vậy, nhưng chỉ trong một vài lĩnh vực thôi. Thêm nữa, chúng ta cũng đang tiến đến điểm kết thúc đó một cách rất chậm chạp: Mỹ vẫn chưa đến sát bờ vực,- đó là một tiến trình không nhanh chút nào vào hoàn toàn có thể đảo ngược được.

Trong lĩnh vực này thì Nga kém ổn định hơn nhiều: trong những năm 90 Nga đã từng không còn là một thế lực lớn, tuy nhiên sau đó đã khôi phục lại được ảnh hưởng, khôi phục lại được nền kinh tế.

Trung Quốc cũng đang phát triển, cũng đang gia tăng ảnh hưởng, nhưng tiến trình (phát triển và gia tăng ảnh hưởng) đó có thể thay đổi (theo hướng khác) rất đột ngột! Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có những giai đoạn như vậy. Vâng, ảnh hưởng của Mỹ quả là có suy giảm chút ít và tiến trình (suy giảm) đó đang tiếp tục. Nhưng sẽ có những thay đổi- và đó là điều chắc chắn.

426 4 Cau Tra Loi Khi Nga Tuyen Bo Het Thoi My Thong Tri
Tập Cận Bình. Ảnh: Vitali Belousov/ RIA Novosti.

“Lenta.ru”: Nhân tiện nói về Trung Quốc: Tổng thống Trump nói rằng mối quan hệ căng thẳng với Mỹ có thể buộc Nga và Trung Quốc phải hợp tác với nhau. Ông nghĩ như thế nào, liệu có khả năng Nga và Mỹ cùng hợp tác để chống Trung Quốc không? Nếu làm thế, Nga sẽ được lợi gì?

Richard Weitz: Tôi không thấy có lý do nào khiến Nga có thể liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Khi Trump vừa mới được bầu, có thể hình dung một kịch bản như vậy, nhưng bây giờ – thì không: dù Trump có đưa ra đề xuất gì gì đi nữa thì Tổng thống (Mỹ) tiếp theo cũng có thể vô hiệu hóa (đề xuất đó).

Rất dễ hình dung là chính người Nga cũng không hiểu là tại sao họ lại phải lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chính quyền ở Trung Quốc tương đối ổn định, khó có thể có những bất ngờ lớn từ phía Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, họ cũng ở vào một tình thế tương tự: tại sao họ lại phải chống Nga? Còn Mỹ, Mỹ cũng khó có thể làm gì để xúi được Matxcơva và Bắc Kinh chống lại nhau. Trong tương lai, có thể hình dung là sẽ xảy ra một cuộc xung đột giữa hai nước (Nga – Trung Quốc), nhưng hiện giờ thì Nga và Trung Quốc đang gắn kết với nhau trong lĩnh vực kinh tế.

Và nói chung, trong tương lai gần, nhiều khả năng hơn cả là sẽ không xảy ra một cuộc xung đột Nga – Trung.

“Lenta.ru”: Ông có cho rằng đối với nước Nga thì sáng suốt hơn cả là ngay từ bây giờ phải thực hiện các biện pháp đề phòng để đối phó với Trung Quốc không – chuẩn bị cho một cuộc đối đầu để tránh những bất ngờ?

Richard Weitz: Tất nhiên! Hơn nữa, tôi nghĩ rằng nước Nga đang áp dụng các biện pháp đó và đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc- chỉ có điều là (Nga) không nói thẳng ra mà thôi. Sẽ là rất lạ lùng nếu Matxcơva lại không làm như vậy.

Nhưng nước Nga chắc gì đã cho rằng mối đe dọa từ phía Trung Quốc sẽ xuất hiện trong khoảng 10 năm tới – chính vì thế nên có lẽ, nhiều khả năng hơn cả là Nga đang chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu với Trung Quốc trong tương lai tương đối xa. Bởi vì quyền lực ở Trung Quốc chắc gì sẽ có thay đổi: hoàn toàn có thể là trong tương lai Trung Quốc lại có một (lãnh đạo) nào đó kiểu như một Tập Cận Bình thứ hai chẳng hạn.

Thường thì các nước đang lên thường hành xử một cách hung hăng- xin hãy nhớ lại nước Đức (Quốc xã) hoặc Nhật Bản (Quân phiệt).

Người Trung Quốc hành động một cách “thùy mị” hơn- họ hiện đang không công khai trắng trợn tước đoạt các đảo. Nhưng cách tiếp cận đó của họ có thể sẽ thay đổi.

“Lenta.ru”: Một trở ngại nghiêm trọng trong việc khôi phục quan hệ Nga – Mỹ có thể còn là do nhiều người Nga cho rằng chính sách của Mỹ là chính sách hai mặt – Nga bị trừng phạt vì vụ Skripal mặc dù không có bằng chứng kết tội, trong khi đó thì A rập Xê-út lại không bị trừng phạt vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, dù có bằng chứng rõ ràng. Ông có đồng ý rằng Mỹ giữ một lập trường mâu thuẫn, và trong trường hợp này thì Nga đã đúng?

Richard Weitz: Tôi nhìn nhận vấn đề như thế này: Nga được xếp ở một đẳng cấp khác. Khi bạn nghĩ về nước Nga, nước Nga luôn được hình dung giống như bất cứ một nước Châu Âu nào khác.

Cần so sánh Nga với Đức hoặc Pháp, chính vì thế mà tôi cho rằng trong một số trường hợp Nga lẽ ra đã có thể xử lý một cách tốt hơn.

Đối với một số nước khác- lấy ví dụ, như đối với một số nước Châu Á, – quan hệ (của Mỹ) cũng khác, và các tiêu chuẩn (đòi hỏi) cũng thấp hơn. Còn với nước Nga thì khác, nước Nga có tiềm năng, Nga cần phải trở thành một quốc gia như Đức, Anh và các nền dân chủ tự do Châu Âu khác.

“Lenta.ru”: Ý ông muốn nói là chính phủ Mỹ thực sự theo đuổi một quan điểm như vậy?

Richard Weitz: Đấy là quan điểm của cá nhân tôi- Nước Nga cần phải được đánh giá theo các tiêu chuẩn cao hơn.

“Lenta.ru”: Thế còn quan điểm của chính quyền Mỹ thì sao?

Richard Weitz: Quan điểm đó không đồng nhất. Lấy ví dụ, Tổng thống Trump thường quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ kinh tế song phương – nếu như không có các mối quan hệ kinh tế đó, ông ấy sẵn sàng trừng phạt nước nào có những cách hành xử không đúng mực, nhưng (Trump) sẽ không làm điều đó với các đối tác của chúng tôi.

Nhưng, tôi xin nhắc lại, đó là đánh giá cá nhân của riêng ông ấy. Còn đối với những ai (trong giới cầm quyền Mỹ) quan tâm hơn đến quyền con người, họ sẽ chỉ trích tất cả các nước như nhau, bất chấp mối quan hệ phối hợp của họ với chúng tôi trong lĩnh vực kinh tế và trong cả lĩnh vực an ninh.

“Lenta.ru”: Ông có nhắc tới chuyện chủ nghĩa khủng bố- đấy là một trong những mối đe dọa chủ yếu. Đứng sau nó là Iran…

Richard Weitz: Nhưng, đó là quan điểm của Trump. Ông ấy cho là như vậy.

“Lenta.ru”: OK, Trung Quốc, đó là một vấn đề tương đối phức tạp, nhưng còn Iran thì sao? Nga có thể hy sinh các mối quan hệ của mình với Iran để giúp Mỹ không?

Richard Weitz: Được, tôi nghĩ rằng, điều đó là có thể. Hơn nữa, chuyện này đã từng xảy ra khi Nga từ chối bán cho Iran các hệ thống S-300. Nhìn chung, Nga có thể chấm dứt quan hệ với Iran- vì (quan hệ Nga – Iran) không giống (quan hệ Nga) với Trung Quốc.

Khả năng này (chấm dứt quan hệ với Iran) tuy không còn nhiều như một số năm trước đây, những dù sao vẫn còn – ví dụ, như trong trường hợp quan hệ Nga – Mỹ được tái khởi động.

426 5 Cau Tra Loi Khi Nga Tuyen Bo Het Thoi My Thong Tri
Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Aleksey Druzinhin/RIA Novosti

“Lenta.ru”: Ông đã nói về những mối đe dọa chủ yếu theo quan điểm của Trump. Thế còn ông thì sao – những mối đe dọa nào là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ?

Richard Weitz: Tôi đồng ý với nhận định của ông ấy (Trump). Quan điểm như vậy là hợp lý. Mối đe dọa khủng bố thời gian gần đây đã có phần nào đó không còn nghiêm trọng như trước. Iran vẫn tiếp tục cản trở các lợi ích của Mỹ, cùng với thời gian mối quan hệ Mỹ – Nga sẽ dần được cải thiện – thêm nữa, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo (Nga – Mỹ) sẽ không để bất cứ điều gì quá tồi tệ xảy ra.

Còn mối quan hệ (Mỹ) với Trung Quốc làm tôi lo ngại. Trong mối quan hệ đó có rất nhiều điểm không rõ ràng: có rất nhiều thứ có thể phát triển theo những kịch bản không mong muốn và có thể dẫn tới khủng hoảng,- một cuộc khủng hoảng không thể xử lý nổi và tính chất cuộc khủng hoảng đó (Trung- Mỹ) hoàn toàn khác với tính chất các cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ – Nga. Chính vì thế mà đây là vấn đề gây quan ngại lớn nhất.

“Lenta.ru”: Tại sao có thể giải quyết ổn thỏa khủng hoảng trong quan hệ Nga – Mỹ, còn khủng hoảng trong quan hệ Mỹ – Trung lại không? Có điều gì đó có trong quan hệ Mỹ – Nga nhưng lại không có giữa Mỹ và Trung Quốc chăng?

Richard Weitz: Nga và Mỹ cần phải trở thành đối tác của nhau. Còn Trung Quốc và Mỹ… Hoàn toàn có đủ dữ liệu để hình dung cái cách mà chúng tôi (Mỹ và Trung Quốc) sẽ trở thành đối thủ của nhau như thế nào. Mối quan hệ (Mỹ) với Nga sẽ có lúc nào đó sẽ trở nên tốt hơn – các mối quan hệ đó đã không thể xấu đi được nữa, năm nào tôi cũng nhắc đi nhắc lại chuyện này.

“Lenta.ru”: Nhưng các mối quan hệ đó vẫn đang xấu đi?

Richard Weitz: Đúng vậy. Nhưng chắc chắn sẽ được cải thiện.

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (dịch)
Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga