Mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ đi vào thế bế tắc đến mức khó có thể thoát ra khỏi trong một thời gian dài. Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Peskov hiện chưa nhìn thấy khả năng có cuộc gặp cá nhân giữa Vladimir Putin và Joe Biden.

132 1 Bao Nga Ong Putin Va Biden Gap Nhau Se Noi Chuyen Gi

Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Mikhail Metzel / TASS)

Trả lời câu hỏi của các nhà báo hôm 1/3, ông Peskov lưu ý rằng Nga sẵn sàng tiếp xúc với Mỹ ở cấp độ phù hợp với phía Mỹ, nhưng không thấy phản hồi.

"Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về sự phát triển năng động trong quan hệ của 2 nước ở cấp độ mà phía Mỹ đã sẵn sàng nhưng chúng tôi chưa thấy mong muốn tương tự". Ông Peskov nói.

Trong những năm gần đây, các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Liên bang Nga và Hoa Kỳ nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Cuộc gặp cá nhân đầu tiên giữa Vladimir Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg vào tháng 7/2017, tức là gần sáu tháng sau khi nhậm chức.

Không giống như Trump, ông Joe Biden không bị cáo buộc có quan hệ với Điện Kremlin, nhưng bầu không khí căng thẳng trong quan hệ song phương khó có thể khiến cho một cuộc gặp trực tiếp có thể xảy ra trong tương lai gần.

Mặc dù, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, hôm 27/2 nói rằng nên ngừng "hằm hè nhau" và tổ chức một cuộc gặp mặt để tránh xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Phần Lan đã đưa ra đề nghị lấy lãnh thổ của họ làm nền tảng trung lập cho các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto kể lại rằng vào năm 2018, Vladimir Putin và Donald Trump đã gặp nhau tại Helsinki, và các cuộc tham vấn Nga-Mỹ sau này về ổn định chiến lược đã được tổ chức ở đó, giúp cho việc gia hạn Hiệp ước Vũ khí Tấn công Chiến lược (START). Nhưng Moscow và Washington vẫn chưa phản hồi về đề xuất của Phần Lan.

Vào cuối tháng 1, tổng thống Vladimir Putin và tổng thống Joe Biden đã tổ chức cuộc điện đàm đầu tiên, trong đó hai bên thảo luận về một loạt các chủ đề - từ tình hình ở Ukraine đến vấn đề Syria và như các chuyên gia nhận định, các nhà lãnh đạo của hai nước cũng sẽ hạn chế đối với loại hình giao tiếp này.

Ông Dmitry Drobnitsky, một nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Mỹ, nói: "Một cuộc gặp cá nhân giữa Joe Biden và Vladimir Putin vào lúc này trông sẽ rất kỳ lạ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử và ngay sau đó, Đảng Dân chủ đã nói không còn thiếu thứ gì về cá nhân Vladimir Putin và về đất nước Nga nói chung.

Đó không còn là những câu chuyện bình thường, mà là một hình thức cố tình bôi nhọ.

Bản thân ông Trump là người đặt những biệt danh bôi bác cho không biết bao nhiêu người, nhưng ông không bao giờ xúc phạm đến cá nhân hai người: Đó là ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình.

Ông Trump có nói rằng ông sẽ chống lại họ, nhưng ông cũng thừa nhận rằng đây là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Ông Biden thì không có được tình cảm như vậy. Bởi lẽ, ông cung giống như những nhà dân chủ và tự do khác, những người cho rằng họ biết tất cả và hiểu mọi thứ tốt hơn những người khác.

Một khi mà những người thuộc đảng Dân chủ tự cho rằng gốc rễ của cái ác là các tin tặc Nga, những kẻ đã tước đi cuộc sống chính trị của họ mất bốn năm (ý nói: Một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ- TG) thì liệu rằng các tổng thống sẽ gặp nhau như thế nào đây.

Và cũng không thể hiểu nổi các nhà lãnh đạo hai nước cần nói chuyện trực tiếp với nhau về vấn đề gì. Những vấn đề không phải là quan trọng nhất như việc gia hạn START-3 thì hoàn toàn co thể giải quyết ở cấp độ các chuyên gia, những người sẽ nhanh chóng thảo luận mọi thứ, chuẩn bị các giấy tờ rồi trình cho các tổng thống và họ đặt bút ký.

Giới quân sự cũng có thể tự giải quyết với nhau, các dịch vụ đặc biệt cũng luôn có sự liên hệ. Chỉ có điều, không thấy có chủ đề nào cho dạng hội nghị thượng đỉnh này.

Có một cảm giác rõ ràng rằng trật tự thế giới hiện đại đang xấu đi và không còn phù hợp nữa, rằng thế giới đang được cai trị bởi các tập đoàn toàn cầu và các quốc gia dân tộc cần phải làm gì đó để khiến thế giới vận hành một cách công bằng và vì lợi ích của người dân. Chủ đề này lâu nay đã không còn trong chương trình nghị sự.

Người ta có thể nói về việc giải quyết các mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, quân đội đang tham gia vào việc này. Từ quan điểm toàn cầu, điều đó là không thể thực hiện được, bởi vì đối với Đảng Dân chủ Hoa Kỳ chỉ có hai quan điểm - quan điểm riêng và quan điểm sai lầm. Do đó, rất khó để có thể nói chuyện với Washington, và không biết cuộc trò chuyện này có thể nói về chủ đề gì.

Có thể, phải sau vài ba năm, chương trình nghị sự yêu cầu các cuộc đàm phán cá nhân của họ mới xuất hiện. Chúng ta thấy rằng hiện nay, trên tất cả các mặt, Hoa Kỳ đang gây áp lực nặng nề đối với tất cả những người bất đồng chính kiến. Họ gây áp lực lên bất kỳ ai không tuân theo, như Thái tử Ả Rập Xê Út chẳng hạn.

Những nỗ lực nhằm tạo ra cái gì đó phù hợp với ý tưởng của Đảng Dân chủ về cách điều hành thế giới sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng sau vài ba năm, có thể cuộc tấn công đầu tiên này sẽ hoàn toàn thất bại.

Và khi đó sẽ là cần phải thực hiện "giải trừ xung đột" không còn theo kênh Mỹ-Nga hay Mỹ-Trung Quốc, mà theo tuyến giữa "giới lãnh đạo toàn cầu với thế giới ngang ngạnh không chịu tuân theo" Nếu không, thế giới này có thể biến thành cát bụi.

Và khi đó, có thể nảy sinh tình huống đòi hỏi có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin và Joe Biden. Hiện thời, người ta đang còn hoài nghi về cả khả năng và sự cần thiết của loại giao tiếp này.

Thực tế là trước đây khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga còn đang tốt đẹp, thì thế giới dường như yên ổn hơn và tốt đẹp hơn.

Còn bây giờ thì, thứ nhất, mọi thứ không chỉ giới hạn ở Nga và Hoa Kỳ, thứ hai, theo ý nghĩa chiến lược toàn cầu thì những mối quan hệ này đang thấp đến mức Mỹ sẽ không nói chuyện với Nga, và không thể hiểu được những gì Mỹ muốn nghe, ngoài câu chuyện rằng ngày mai Nga sẽ đầu hàng và tuân theo họ như thế nào".

Ông Yuri Rogulev, giám đốc Quỹ Roosevelt về Nghiên cứu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đại học Tổng hợp Moscow, cũng cho rằng một cuộc gặp mà không có chương trình rõ ràng cũng sẽ không mang lại lợi ích gì, và chương trình đó hiện chưa được xem xét đến.

Đánh giá theo kinh nghiệm trong quá khứ, những cuộc gặp không có chương trình nghị sự cụ thể sẽ không quan trọng lắm, vì vậy sẽ hiếm khi xảy ra.

Theo quy định, các cuộc gặp cấp cao thường được tổ chức để ký kết các thỏa thuận và đưa ra các quyết định chung, nhưng Nga và Mỹ hiện không có các vấn đề như vậy trên cơ sở song phương. Do đó, một cuộc gặp không có mục tiêu cụ thể sẽ không hiệu quả.

Khi được hỏi: Vậy thì, các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất có thể không bao giờ gặp nhau? Ông Yuri Rogulev nói:

- Tôi nghĩ sẽ có các cuộc gặp giữa Vladimir Putin và Joe Biden, chúng có thể được tổ chức theo hình thức đa phương, ví dụ như trong khuôn khổ G20.

Hiện nay, đại dịch coronavirus vẫn chưa kết thúc, vì vậy số lượng các cuộc gặp rất hạn chế. Làm thế nào để quyết định ai sẽ bay đến gặp ai, gặp ở đâu và trên cơ sở nào, trong khi rất khó để tìm thấy một địa điểm an toàn trên thế giới?

Do đó, trong tương lai gần, một cuộc gặp giữa tổng thống Nga và Mỹ khó có thể diễn ra theo thể thức song phương hay đa phương. Xin hãy chờ cho đến khi đại dịch kết thúc, rồi mọi chuyện sẽ rõ.

Nguyễn Quang (Theo "Svobodnaia pressa" Nga)

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga