Indonesia kỳ vọng thủ đô mới Nusantara sẽ giúp giải quyết những vấn đề của Jakarta hiện nay, song để hoàn thành đại dự án này là một thách thức lớn.

Cách thủ đô Jakarta hơn 1.000 km về phía đông bắc, các đội công nhân đang ngày đêm xây dựng trụ sở hành chính mới cho Indonesia giữa rừng rậm nhiệt đới Borneo.

Nusantara, thủ đô tương lai của Indonesia, nằm ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, được kỳ vọng trở thành di sản để đời đối với Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo. Ông muốn một trung tâm mới cho chính phủ, nơi sẽ không còn tình trạng quá tải và ngập lụt như thủ đô Jakarta hiện nay.

1 Tuong Lai Bap Benh Voi Thu Do Moi Giua Rung Ram Cua Indonesia

Một phần đại công trường xây dựng thành phố Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, nhìn từ trên cao hôm 11/7. Ảnh: AFP

Vì Jakarta đang chìm nhanh chóng, khoảng 30,5 cm mỗi năm, các chuyên gia dự đoán 1/3 thành phố sẽ bị nước biển nuốt chửng vào năm 2050. Khoảng 40% diện tích thủ đô Indonesia hiện nằm dưới mực nước biển. Các khu vực ven biển của thành phố đang bị đe dọa bởi nước triều dâng, gây thiệt hại tới 128 triệu USD mỗi năm. Mặt khác, không khí ô nhiễm cũng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tới sức khỏe 10 triệu cư dân Jakarta. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông gây thiệt hại ước tính hơn 6,4 tỷ USD mỗi năm.

Nusantara về mặt địa lý nằm ở giữa Indonesia và phần lớn được bảo vệ khỏi các loại thiên tai như động đất, sóng thần hay phun trào núi lửa, vốn thường xảy ra ở các đảo khác trong quần đảo.

Hồi cuối tháng 7, Tổng thống Widodo bắt đầu làm việc tại văn phòng đang được hoàn thiện ở Nusantara. Hôm 17/8, ông cùng một số quan chức hàng đầu đất nước chủ trì lễ kỷ niệm ngày quốc khánh đầu tiên tại đây như một lời khẳng định cho quyết tâm dời thủ đô của mình.

Song quy mô buổi lễ đã giảm đáng kể với danh sách khách mời bị thu hẹp hơn 80%, xuống còn 1.300 người do những thách thức về mặt hậu cần.

Kế hoạch Tổng thống Widodo đặt ra là hoàn thành một phần khu vực lõi của thủ đô mới vào cuối năm nay. Sau đó, trọng tâm là mở rộng cơ sở hạ tầng cơ bản và các văn phòng với mục tiêu di chuyển hàng chục nghìn công chức đến Nusantara vào cuối năm 2029.

Nhưng đây chỉ là khởi đầu cho một giấc mơ đầy tham vọng. Tầm nhìn của Tổng thống Widodo là lấp đầy Nusantara bằng các cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại và vườn bách thảo. Với hệ thống giao thông thân thiện môi trường chỉ sử dụng xe điện, ông đặt mục tiêu đưa thành phố đạt mức phát thải ròng bằng 0 bền vững.

Toàn bộ đại dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2045. Đến thời điểm đó, chính phủ ước tính 1,9 triệu người sẽ sinh sống ở Nusantara. Thành phố cũng có thể đón lượng lớn cư dân Jakarta chuyển tới.

Song với một tổng thống mới sắp nhậm chức vào tháng 10 cùng những khó khăn về nguồn vốn, tương lai của siêu dự án vẫn còn rất mơ hồ, giới quan sát đánh giá.

Hai năm sau khi dự án khởi công, hình ảnh vệ tinh hồi giữa tháng 7 cho thấy thành phố bắt đầu thành hình, nhưng còn khá ngổn ngang.

Hơn 40 hecta đất ở phía đông khu vực lõi vẫn chủ yếu là đất hoang và ao tù. Một số con đường chưa được trải nhựa. Khi trời mưa, các tuyến đường tới dinh tổng thống ngập trong bùn lầy. Những hạn chế về thời tiết cũng khiến việc mở cửa sân bay Nusantara theo kế hoạch vào ngày quốc khánh bị trì hoãn.

Việc di chuyển dần hơn 10.000 công chức, được lên kế hoạch lần đầu vào tháng 3 rồi sau đó là tháng 7, tiếp tục bị hoãn cho đến tháng 9 vì các khu phức hợp văn phòng và nhà ở chưa sẵn sàng. Mới có một tòa nhà văn phòng được hoàn thiện, dự kiến trở thành nơi làm việc cho 4 cơ quan chính phủ.

2 Tuong Lai Bap Benh Voi Thu Do Moi Giua Rung Ram Cua Indonesia

Vị trí thủ đô mới của Indonesia so với Jakarta. Đồ họa: AFP

Điện nước, được cung cấp thông qua hệ thống cáp và đường ống ngầm, bắt đầu kết nối tới một số văn phòng. Trong tương lai gần, khi các công chức tới, họ có thể phải dùng chung văn phòng và làm việc tại những khu nhà tạm, như căng tin.

"Áp lực là rất lớn", Bambang Susantono, nhà kỹ trị được Tổng thống Widodo lựa chọn chịu trách nhiệm thực hiện dự án, nói. "Đây là thách thức đối với bất kỳ ai đảm nhiệm công việc này vì chúng tôi sẽ phát triển không chỉ một thủ đô mà còn là một thành phố bền vững với tất cả các nguyên tắc xanh, thông minh, toàn diện, và có sức chống chịu cao".

Trong khi chính phủ ca ngợi Nusantara là trung tâm địa lý của Indonesia, trên thực tế, tỉnh Đông Kalimantan lại cách rất xa trung tâm văn hóa và kinh tế của quốc gia trên đảo Java.

Ngay cả việc đến Nusantara cũng là một thử thách, bắt đầu bằng chuyến bay kéo dài hai giờ từ Jakarta đến thành phố cảng Balikpapan, sau đó lái xe 40 phút qua những khu rừng Borneo trên đường cao tốc mới.

Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, người sẽ nhậm chức tháng sau, vẫn cam kết thực hiện dự án và sẽ để con trai của ông Widodo làm phó tổng thống như một dấu hiệu của sự tiếp nối. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng thách thức kinh tế trong việc tìm đủ nguồn đầu tư sớm muộn cũng sẽ buộc ông phải điều chỉnh kế hoạch.

Yusuf Wibisono, nhà kinh tế học tại Jakarta, nhận định "vào một thời điểm nào đó", ông Subianto sẽ có "can đảm chính trị để đánh giá lại" dự án.

3 Tuong Lai Bap Benh Voi Thu Do Moi Giua Rung Ram Cua Indonesia

Khu nhà dành cho các quan chức chính phủ cấp cao đang được xây dựng tại Nusantara hôm 11/7. Ảnh: AFP

"Khi bạn xây dựng thành phố mới giữa rừng rậm, ở một vị trí không mang tính chiến lược, không phải trung tâm giao thông, không có cơ sở hạ tầng ban đầu đầy đủ, điều này đặt ra những câu hỏi lớn", ông nói. "Làm thế nào để thu hút đầu tư tư nhân?".

Ông dự đoán Nusantara "có khả năng sẽ trở thành một dự án dang dở".

Xây dựng một thành phố mới từ con số không là khoản đầu tư rất tốn kém. Theo ước tính, chính phủ Indonesia phải chi khoảng 29 tỷ USD cho đại dự án Nusantara.

Tổng thống Jokowi muốn huy động tài chính từ ngân sách chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và quan hệ đối tác công - tư, trong đó nhà nước chỉ đóng góp phần nhỏ nhất.

Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa diễn ra theo cách ông mong muốn. Kể từ khi khởi công, nhà nước đã chi gần 4,6 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng ban đầu, gần bằng với giới hạn mà chính phủ có thể chi theo kế hoạch phát triển.

Mặc dù nhiều ưu đãi được đưa ra với các nhà đầu tư, như giảm thuế và quyền sở hữu tài sản dài hạn, Nusantara chỉ thu hút được chưa đến 3,3 tỷ USD, tất cả đều đến từ các công ty địa phương và tổ chức nhà nước. Hơn 400 công ty đã bày tỏ ý định đầu tư, trong đó có cả những doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chưa bên nào đưa ra cam kết mang tính ràng buộc.

"Còn quá nhiều việc chưa hoàn thành", Sulfikar Amir, phó giáo sư khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, bình luận. 4 trụ sở bộ đang được xây dựng, nhưng Indonesia có tổng cộng 37 bộ. Trụ sở mới cho Hạ viện vẫn chưa được xây ở Nusantara.

Đối với Sulfikar, lễ quốc khánh hôm 17/8 diễn ra ở Nusantara chỉ là vỏ bọc che đậy cho những thách thức sâu rộng hơn của dự án. "Những hình ảnh biểu tượng như vậy là vô nghĩa", ông nói. "Chúng ta phải nhìn vào thực tế hiện trạng công trình".

Yusuf Wibisono, giám đốc Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học và Nghèo đói, nhóm nghiên cứu kinh tế trụ sở tại Jakarta, đánh giá lễ kỷ niệm quốc khánh vừa qua "sẽ không thể thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư về Nusantara".

"Cơ hội tạo ra lợi nhuận từ việc rót vốn vào thủ đô mới là rất thấp. Việc xây dựng một thành phố mới trên vùng đất hoang giữa rừng rậm Kalimantan, nơi không có lịch sử phát triển, không có trung tâm giao thông lớn và dân số rất ít, là vô cùng khó khăn", Yusuf nói.

4 Tuong Lai Bap Benh Voi Thu Do Moi Giua Rung Ram Cua Indonesia

Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto trong chuyến thị sát thành phố Nusantara hôm 12/7. Ảnh: AFP

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, ABC News)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga