Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ đối với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

1 Toa Hinh Su Quoc Te Phat Lenh Bat 2 Lanh Dao Quan Doi Nga

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov (trái) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (Ảnh: Reuters).

Trong thông cáo phát đi hôm nay, ICC cho biết, họ phát lệnh bắt giữ đối với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu với cáo buộc "gây tội ác chiến tranh" vì chỉ đạo các cuộc tấn công chống lại dân thường và các hạ tầng dân sự ở Ukraine.

Quyết định trên của ICC nâng tổng số lệnh bắt giữ được ban hành nhằm vào các quan chức cấp cao của Nga lên 8 kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.

Các thẩm phán ICC nhận thấy "có cơ sở để tin rằng 2 vị tướng này của Nga phải chịu trách nhiệm cho các vụ tập kích tên lửa của quân đội Nga nhằm vào hạ tầng điện của Ukraine ít nhất từ ngày 10/10/2022 đến 9/3/2023".

Trong thời gian này, Nga bị cáo buộc liên tục tập kích vào các nhà máy điện, trạm biến thế trên khắp Ukraine, gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng.

Theo ICC, các cuộc tấn công này "nhằm vào các mục tiêu dân sự", hoặc ngay cả khi các mục tiêu có thể được coi là quân sự, thiệt hại dân sự cũng quá rõ ràng.

Nga và Ukraine đều không phải là thành viên của ICC. Moscow nhiều lần nói rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp và phủ nhận việc quân đội Nga nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự.

Cả Nga và Ukraine hiện chưa bình luận về động thái của ICC.

Hồi tháng 3, ICC từng phát lệnh bắt giữ Trung tướng Sergei Kobylash và Đô đốc Viktor Sokolov, cáo buộc 2 chỉ huy quân sự Nga "phạm tội ác chiến tranh" trong cuộc xung đột Ukraine.

Trung tướng Kobylash, 58 tuổi, là chỉ huy của lực lượng hàng không tầm xa thuộc lực lượng không quân Nga vào thời điểm xảy ra các vụ tấn công nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine từ khoảng 10/10/2022 đến 9/3/2023.

Trong khi đó, ông Sokolov, 61 tuổi, là Đô đốc hải quân Nga và là chỉ huy Hạm đội Biển Đen trong thời gian xảy ra các vụ tấn công.

Tháng 3 năm ngoái, ICC cũng phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách vấn đề quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không phải một bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC, nên Moscow không công nhận lệnh bắt giữ của ICC. Moscow coi lệnh này như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga.

Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Đáp lại lệnh bắt giữ của ICC nhằm vào giới lãnh đạo cấp cao của Nga, Moscow đã phát lệnh truy nã ngược trở lại đối với các thẩm phán của ICC.

Theo Reuters

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga