Startup gọi xe Ola đang dốc tiền xây nhà máy xe điện 2 bánh công suất 2 giây một chiếc, với tham vọng thành tên tuổi toàn cầu như Tesla.

Dịch vụ gọi xe Ola của Ấn Độ, một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất nước này, đang chuẩn bị xây dựng cơ sở sản xuất xe máy điện 10 triệu chiếc mỗi năm ở miền nam. Họ tham vọng sẽ gia nhập hàng ngũ những công ty hàng đầu như Tesla của Mỹ hay Nio của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện.

Được xây dựng với vốn đầu tư 24 tỷ rupee (332 triệu USD), nhà máy sẽ đóng vai trò là "trung tâm sản xuất toàn cầu của công ty với các dòng xe hai bánh chạy bằng điện cho Ấn Độ và các thị trường quốc tế bao gồm châu Âu, Anh, Mỹ Latin, châu Á - Thái Bình Dương", Ola cho biết trong một tuyên bố.

Ola có trụ sở chính tại Bangalore, được hậu thuẫn bởi SoftBank, sẽ hoàn thành giai đoạn một của cơ sở có tên "Nhà máy Tương lai" vào tháng 6, với công suất 2 triệu chiếc mỗi năm. Toàn bộ nhà máy dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Nhà máy được xây dựng trên một khu đất rộng 202 ha ở bang Tamil Nadu. Theo thiết kế, nó có 10 dây chuyền sản xuất và cứ sau 2 giây sẽ tung ra một chiếc xe.

132 1 Tham Vong Tesla 2 Banh Cua Hang Goi Xe An Do

Phối cảnh nhà máy xe điện 2 bánh của Ola. Ảnh: Ola.

Công ty tuyên bố sẽ đóng góp vào tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi về "AtmaNirbhar Bharat" (Ấn Độ tự cường), bên cạnh việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Ấn Độ.

"Các kế hoạch của chúng tôi lớn, táo bạo và mang tính toàn cầu, với mục tiêu trở thành công ty bền vững, dựa trên công nghệ hàng đầu thế giới, chứ không chỉ là tìm kiếm lợi nhuận", đại diện công ty nói với Nikkei.

Đối với Ola, mảng kinh doanh xe máy điện tử sẽ là bước mở rộng đáng kể so với hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe thông thường, vốn đã bắt đầu hơn một thập kỷ trước. Ola hiện phục vụ tại hơn 250 thành phố trên toàn thế giới thông qua nhiều loại phương tiện khác nhau như xe hai bánh, xe lam 3 bánh, taxi với hơn 2,5 triệu đối tác tài xế.

Ola, với tên chính thức là ANI Technologies, cho đến nay đã huy động được tổng cộng 3,8 tỷ USD từ SoftBank, Tencent Holdings và Tiger Global Management. Công ty được định giá 6 tỷ USD, theo Hurun Global Unicorns 2020. Startup này có quy mô được xếp hạng thứ tư ở Ấn Độ sau Paytm, Oyo và Byju's.

Ola đã cân nhắc việc IPO trong vài năm qua. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bhavish Agarwal, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ cho công ty lên sàn tại Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, ông đã nhắc lại kế hoạch này trong 1-2 năm tới.

Từ mẫu xe máy điện ban đầu, công ty sẽ mở rộng sang sản xuất nhiều loại xe điện 2 bánh hơn. Vào tháng 2, họ đã chọn ABB (Thụy Sĩ) là một trong những đối tác quan trọng về các giải pháp robot và tự động hóa cho các dây chuyền sản xuất quan trọng của nhà máy, bao gồm dây chuyền sơn và hàn. Robot ABB sẽ được triển khai cho dây chuyền lắp ráp pin và động cơ.

132 2 Tham Vong Tesla 2 Banh Cua Hang Goi Xe An Do

Một mẫu thiết kế xe điện 2 bánh của Ola. Ảnh: Ola.

Để chuẩn bị cho tham vọng xe điện tử toàn cầu, Ola Electric Mobility, chi nhánh sản xuất của Ola, đã thuê cựu CEO của General Motors Jose Pinheiro làm giám đốc sản xuất và vận hành toàn cầu; và Julien Geffard làm giám đốc chiến lược để dẫn dắt các hoạt động ở châu Âu. Vào tháng 5 năm ngoái, họ đã mua lại công ty khởi nghiệp xe điện Etergo BV có trụ sở tại Amsterdam.

"Tương lai của di chuyển là các phương tiện chạy bằng điện, và thế giới hậu Covid tạo cơ hội cho chúng tôi đẩy nhanh việc phổ biến xe điện trên toàn cầu", Agarwal nói và cho biết, mỗi năm, lượng xe hai bánh được bán ra trên toàn thế giới gần gấp đôi ôtô.

Ông cho rằng, với khả năng kết nối kỹ thuật số và dùng điện, xe hai bánh sẽ tiếp tục nổi lên như một phương tiện di chuyển đô thị được ưa thích nhất của thế giới. "Chúng tôi muốn xây dựng năng lực toàn cầu tốt nhất về kỹ thuật, thiết kế và sản xuất cho các sản phẩm này tại Ấn Độ", ông nói thêm.

Nhà phân tích Vahishta Unwalla của CARE Ratings chỉ ra rằng không chỉ Ấn Độ mà ngày càng nhiều quốc gia khác đang thúc đẩy việc sử dụng xe điện. "Việc Ola đặt nhà máy sản xuất ở Ấn Độ sẽ hỗ trợ tốt cho các mục tiêu bền vững của đất nước, vì nó thu hút nhiều đầu tư hơn, tạo ra việc làm trong lĩnh vực này và cũng giúp tạo ra doanh thu xuất khẩu cho đất nước chúng tôi", bà nói.

Tuy nhiên, kế hoạch của Ola sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty lớn lâu đời như HeroMoto, Bajaj... vốn có uy tín trên thị trường ôtô Ấn Độ. Ngay cả khi xe điện của công ty được xuất khẩu, bà Unwalla cũng thừa nhận không có gì đảm bảo người tiêu dùng trên thế giới sẽ ngay lập tức chọn mua chúng.

Mặc dù Ola vẫn chưa công bố giá những mẫu xe, nhưng một số thông tin trên phương tiện truyền thông cho rằng nó có thể dưới 100.000 rupee (1.400 USD). Theo một báo cáo của Autocar India, Splendor của Hero MotorCorp là chiếc xe 2 bánh bán chạy nhất trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020. Mẫu xe này có giá 67.000 rupee (925 USD). 10 sản phẩm hàng đầu trong danh sách có giá từ 67.000 rupee đến 90.000 rupee (925 - 1.200 USD).

Gulzar Harrison, một cư dân tại Goa và là người đam mê môtô, cho rằng chuyển sang sử dụng xe điện là một ý tưởng hay do giá nhiên liệu tăng và mong muốn giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, "Tôi vẫn không chắc pin được thải bỏ theo cách an toàn với môi trường", ông nói.

Trupti Shah, chủ chuỗi showroom Electric Wheels ở Mumbai, nói giá xăng cao khiến nhu cầu xe máy điện và xe máy nói chung tăng vọt. Nhưng không có sản phẩm nào trong số khoảng 300 sản phẩm được cung cấp trên thị trường là 100% của Ấn Độ, theo Shah.

Theo ông, nếu các bộ phận không được sản xuất tại Ấn Độ, nó có thể trở thành một vấn đề. Ông đã phải đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện phụ tùng 3 lần trong thời gian bị phong tỏa vì dịch. "Chúng tôi mong muốn hệ sinh thái Ola giúp cho việc di chuyển bằng điện trở nên thuận tiện, đáng tin cậy và giá cả phải chăng", ông nói.

Phiên An (theo Nikkei)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga