Kenya Pannalossy, 17 tuổi, bị bạn bè tẩy chay do làn da sáng nổi bật ở thị trấn quê nhà và chưa từng biết gì về người cha làm lính Anh.

"Họ gọi tôi là 'mzungu Maskini', nghĩa là 'cô gái da trắng tội nghiệp'. Họ nói tôi không thuộc về nơi này, không nên ở nơi này", Marian Pannalossy, 17 tuổi, nói. Cha cô là một lính Anh, nhưng chưa bao giờ gặp ông, thậm chí tên cũng không biết.

Pannalossy là một trong nhiều con lai mà các binh sĩ Anh bỏ lại ở Kenya trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở nước sở tại. Mẹ cô, Lydia Juma, là một trong số hàng trăm nạn nhân nộp đơn kiện lên quân đội Anh trong nhiều năm trời, cáo buộc những binh sĩ này có hành vi cưỡng bức họ.

"Tôi không hiểu tại sao Chúa trừng phạt tôi", Juma trả lời phỏng vấn trong phim tài liệu Vụ cưỡng hiếp phụ nữ Samburu gây chấn động năm 2011, thời điểm Pannalossy mới 4 tuổi.

Juma từng sống cùng bạn trai và có hai con. Nhưng khi nhìn thấy màu da của Pannalossy lúc chào đời, người đàn ông này đã bỏ đi. Juma qua đời hai năm sau cuộc phỏng vấn năm 2011.

1 Nhung Nguoi Con Lai Linh Anh Bo Lai O Chau Phi

Marian Pannalossy trả lời phỏng vấn ở Kenya. Ảnh: CNN

Những đứa trẻ lai đang tiếp tục chào đời ở nhiều ngôi làng hẻo lánh, nơi quân đội Anh huấn luyện binh sĩ ở Kenya. Anh trả Kenya 400.000 USD mỗi năm để cho phép binh sĩ huấn luyện trên lãnh thổ quốc gia Đông Phi, chủ yếu tại các khu bảo tồn động vật hoang dã rộng lớn ở các hạt như Laikipia, Samburu.

Đơn vị Huấn luyện Quân đội Anh ở Kenya (BATUK), có trụ sở chính tại thị trấn Nanyuki, Laikipia, đang bị quốc hội Kenya điều tra. Trong các phiên điều trần công khai tại một số khu vực nơi lính Anh huấn luyện, quan chức Kenya đã thu thập rất nhiều khiếu nại của cộng đồng bản địa về hành vi lạm dụng, tấn công tình dục, giết người xảy ra kể từ những năm 1950.

Một trong những cáo buộc gây tranh cãi là trường hợp của Agnes Wanjiru. Theo điều tra, Agnes, 21 tuổi, mất tích năm 2012 khi vào khách sạn cùng nhóm lính Anh.

Thi thể cô sau đó được phát hiện trong bể phốt. Giới chức Kenya coi đây là một vụ giết người và đã xác định được nghi phạm, song người lính Anh liên quan chưa phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào.

Gia đình Wanjiru cho rằng các quan chức Anh ngó lơ vụ án, nên đã gửi thỉnh cầu đến Vua Charles III khi ông tới thăm Kenya năm 2023.

2 Nhung Nguoi Con Lai Linh Anh Bo Lai O Chau Phi

Vị trí trụ sở BATUK ở thị trấn Nanyuki, hạt Laikipia. Đồ Họa: Africa Intelligence

Ntoyie Lenkanan, 72 tuổi, không kìm được xúc động khi kể rằng bà bị một nhóm lính Anh cưỡng bức cạnh bờ sông gần 40 năm trước, khi bà đi lấy nước. Bà đã tố cáo và yêu cầu được bồi thường, nhưng không nhận được kết quả nào.

Cách nhà Lenkanan không xa, Saitet Noltwalal, 70 tuổi, ngồi dưới gốc cây, cũng kể từng bị một lính Anh cưỡng bức trên ngọn đồi gần nhà cách đây vài thập kỷ. Bà sảy thai, mất thị lực ngay sau đó.

"Tôi đã chờ đợi quá lâu, không còn tự đứng lên đòi công lý được nữa. Tôi không muốn bất kỳ ai phải chịu những gì xảy ra với mình", bà Noltwalal nói. Sức khỏe bà đã suy giảm, sinh hoạt đều phải dựa vào người thân. Nhiều nạn nhân cùng lứa với bà đã qua đời sau khi chờ giải quyết đơn khiếu nại lính Anh.

Năm 2007, Bộ Quốc phòng Anh bác gần 2.200 đơn kiện của phụ nữ Kenya, trong đó có Lenkanan và Noltwalal, do "không có bằng chứng đáng tin cậy", nhưng giới chức Anh không tiến hành xét nghiệm ADN đối với bất kỳ ai trong số 69 trẻ lai có mẹ được cho là nạn nhân bị lính Anh cưỡng bức.

3 Nhung Nguoi Con Lai Linh Anh Bo Lai O Chau Phi

Bà Ntoyie Lenkanan, 72 tuổi, trả lời truyền thông tại khu nhà riêng. Ảnh: CNN

Năm 2008, quốc hội Kenya lập ủy ban điều tra, thu thập lời khai của các nạn nhân một năm sau đó, nghiêm trọng nhất là cáo buộc cưỡng bức tập thể 30 phụ nữ Kenya năm 1997. Ủy ban sau đó tuyên bố chính phủ đã làm mất các hồ sơ vụ án mà không có lời giải thích.

Khi BATUK đang bị ủy ban quốc hội Kenya đẩy mạnh điều tra, phát ngôn viên Cao ủy Anh tại Nairobi khẳng định sẽ xem xét, điều tra mọi cáo buộc mà cộng đồng bản địa đưa ra.

Năm 2021, Kenya gia hạn hiệp ước cho phép lính Anh huấn luyện trên lãnh thổ, bất chấp người dân phản đối. Nhưng hai nước đã bổ sung điều khoản mới, cho phép người dân kiện lính Anh vì bất kỳ hành vi sai trái nào, không quy định thời hiệu điều tra đối với các vụ vi phạm nhân quyền.

Điều này đồng nghĩa nhiều nạn nhân cuối cùng cũng có thể tìm công lý ở tòa. Ba năm sau, luật sư bản địa Kelvin Kubai đã thu thập đơn khiếu nại của hơn 300 nạn nhân nữ, với Pannalossy, 17 tuổi, là nguyên đơn chính.

Phụ nữ Kenya sinh con sau khi quan hệ tình dục đồng thuận với lính Anh cũng đang đấu tranh đòi quyền lợi nuôi con.

Generica Namoru, 28 tuổi, cho biết cô bắt đầu mối quan hệ đồng thuận với một binh sĩ Anh phục vụ tại trụ sở BATUK ở Nanyuki từ năm 2017. Người lính này đã gửi hộ chiếu và thông tin cá nhân để làm giấy khai sinh cho đứa trẻ. Đứa bé mang họ cha, tên Nicole.

Nhưng Namoru cho biết cô phải làm việc vất vả một mình để nuôi Nicole, hiện 5 tuổi, nhờ bán nước ngọt ở thị trấn. "Là mẹ của con lai không dễ dàng gì ở cộng đồng. Tôi cũng chỉ muốn anh ấy lo việc học, khám chữa bệnh và nơi ở cho con, không có mong muốn gì khác", Mamoru nói.

4 Nhung Nguoi Con Lai Linh Anh Bo Lai O Chau Phi

Generica Namoru, 28 tuổi, cùng con gái Nicole, 5 tuổi. Ảnh: CNN

Luật sư Kabui đã thiết lập chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ học phí và chi phí pháp lý cho "những đứa con bị lính Anh ở Kenya bỏ rơi". Cao ủy Anh khẳng định sẽ hợp tác với các cơ quan hỗ trợ trẻ em địa phương để giải quyết điều này. Nicole và Pannalossy đều không có quốc tịch Anh, dù có thể được cấp nếu chứng minh được cha mình người Anh.

"Những đứa trẻ này xứng đáng có quốc tịch Anh, nhưng không phải chỉ đang tìm vé miễn phí đến nước này. Chúng tôi chỉ muốn họ xứng đáng nhận sự chăm sóc, giáo dục từ cha họ", Marian Mutugi, thành viên ủy ban nhân quyền Kenya, nói.

Đức Trung (Theo CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga