Các bài toán kinh tế của Pakistan, Trung Quốc và nhiều nước khác thành hay bại phụ thuộc vào lời hứa lập lại hòa bình của Taliban.

Các nhà đầu tư đang cẩn trọng quan sát diễn biến kinh tế của Afghanistan và cả các nước xung quanh khi Taliban quay lại kiểm soát đất nước sau 20 năm. Phía tây nước này là Iran và Iraq. Phía bắc là Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Tuy nhiên, giới đầu tư đang quan tâm hơn cả vào phía đông, tức láng giềng Pakistan.

Vấn đề của Pakistan là có một khoản nợ công lớn, một thị trường chứng khoán đáng kể và đang phụ thuộc vào chương trình trị giá 6 tỷ USD của IMF. Viễn cảnh về nhiều năm bạo lực và làn sóng người tị nạn từ Afghanistan sẽ gây thêm áp lực cho các kế hoạch khắc phục yếu kém tài khóa của nước này.

“Đây là một tình huống đáng lo ngại và không may là khiến khu vực này đi lùi lại nhiều năm. Tôi nghĩ các quốc gia láng giềng sẽ phải đối phó với làn sóng người tị nạn trong thời gian tới”, Shamaila Khan, người đứng đầu bộ phận nợ của thị trường mới nổi tại AllianceBerntein, đánh giá.

Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) ước tính có 400.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa trong năm nay. Chỉ vài trăm người trong số đó được biết là đã chạy trốn khỏi Afghanistan. Nhưng tổng cộng, UNHCR ước tính có 2,6 triệu người tị nạn Afghanistan trên toàn thế giới, với 1,4 triệu người ở Pakistan và 1 triệu người ở Iran.

1 Nhung He Luy Kinh Te Khi Taliban Kiem Soat Kabul

Cổng Hữu nghị ở Chaman, thị trấn biên giới Pakistan với Afghanistan ngày 13/8/2021. Ảnh: Reuters

Giá trái phiếu của Pakistan đã giảm gần 8% trong năm nay, mặc dù nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng điều này có thể liên quan nhiều đến sự chậm trễ trong việc giải ngân đợt mới nhất gói 6 tỷ USD của IMF do tình hình an ninh.

“Một dòng người tị nạn khác và sự lan rộng của các nhóm bạo lực có nguy cơ gây mất ổn định các khu vực đô thị và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở phía tây của Pakistan có thể khiến câu chuyện khôi phục và cải cách của nước này đi lùi”, Hasnain Malik, Nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Tellimer, dự báo.

Chương trình IMF dành cho Pakistan là chương trình thứ 13 trong vòng 30 năm và là chương trình cần thiết để giúp chính phủ nước này giải quyết khoản nợ công khoảng 90% GDP. Do vậy, nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào của Taliban bên trong Pakistan, đều có thể làm dấy lên lo ngại về an ninh và khiến Islamabad khó đạt được các mục tiêu do IMF đặt ra.

Một số nhà đầu tư cho rằng, Pakistan giờ đây sẽ là một quốc gia chiến lược đối với phương Tây. Trước ngày 15/8 – thời điểm Taliban kiểm soát Kabul, Kevin Daly, Giám đốc đầu tư tại ABRDN, cho rằng nếu Taliban nắm quyền ở Afghanistan, Pakistan thậm chí còn trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với Mỹ. Do vậy, tiền của IMF sẽ phải tiếp tục chảy vào nước này.

Có mối liên hệ mật thiết về kinh tế với Pakistan, không chỉ Mỹ mà Trung Quốc cũng phải lo âu. 

Chia sẻ phân tích trên Wall Street Journal, ông Kamran Bokhari, Giám đốc phân tích tại Viện Chiến lược và Chính sách Newlines, Chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Viện Phát triển Chuyên nghiệp của Đại học Ottawa (Canada) cho biết, kể từ khi kết thúc các hoạt động quân sự lớn chống lại Taliban vào năm 2015, Pakistan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để phục hồi kinh tế.

Dự án lớn nhất của Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc là “Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC), nơi Bắc Kinh đã đổ vào hàng chục tỷ USD. Số phận của CPEC ngày càng bấp bênh, đặc biệt là trong những tuần gần đây với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng, có thể là do lực lượng Taliban ở Pakistan, nhằm vào công nhân Trung Quốc tại nước này.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự bất an lan tràn từ Afghanistan sẽ làm suy yếu các khoản đầu tư của họ vào Pakistan. Thậm chí, một Afghanistan hậu Mỹ cũng đe dọa các lợi ích của Trung Quốc bên ngoài Pakistan. Trong nhiều năm, Bắc Kinh được hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan.

2 Nhung He Luy Kinh Te Khi Taliban Kiem Soat Kabul

Một tay súng Taliban tại Ghazni, Afghanistan ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch Vành đai – Con đường ở Trung Á vì Mỹ đảm bảo rằng bạo lực đã được kiềm chế ở Afghanistan. Vào tháng 3, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đầu tư tới 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm với dự đoán rằng một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho Iran. Nhưng quyết định rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan đã khiến các kế hoạch kinh doanh của Trung Quốc trong khu vực này rơi vào tình trạng bấp bênh. Mỗi dự án của Trung Quốc đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi làn sóng bạo lực lan ra từ Afghanistan.

“Trung Quốc không có lựa chọn tốt. Họ sẽ làm việc với Pakistan, Iran, Nga và các quốc gia Trung Á để hạn chế sự gián đoạn lợi ích kinh tế do hỗn loạn ở Afghanistan. Nhưng mỗi quốc gia này cũng sẽ phải vật lộn để bảo vệ lợi ích của chính mình. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy Trung Quốc tăng cường quan hệ ngoại giao với Taliban”, ông Kamran Bokhari, bình luận.

Hôm thứ Năm (12/8), tờ US News đưa tin rằng Trung Quốc đã sẵn sàng công nhận chế độ Taliban ngay cả khi lực lượng này mới kiểm soát đất nước về mặt quân sự. Điều này khác với quan điểm của nhiều bên quốc tế, vốn đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ công nhận một chính phủ do Taliban cầm quyền nếu nó được thành lập như một phần của thỏa thuận thương lượng.

Và còn những nền kinh tế khác sẽ có khả năng ảnh hưởng bởi biến động chính trị ở Kabul. Kay Van-Petersen, Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Saxo Capital Markets (Singapore), cho biết tác động của tình hình Afghanistan cuối cùng có thể lan rộng hơn nhiều. Theo ông, nhiều người tị nạn Afghanistan có thể tìm kiếm nơi ẩn náu ở châu Âu, sau một dòng người di cư trước đó. Nếu những người tị nạn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra các yêu cầu chính trị hoặc tài chính với Liên minh châu Âu.

“Về cơ bản, đó là đòn bẩy để ông Erdogan thương lượng với Liên minh châu Âu, kiểu ‘Hãy trả tiền cho chúng tôi để chăm sóc những người tị nạn này, hoặc chúng tôi sẽ để họ vượt biên vào châu Âu'”, ông Kay Van-Petersen nói điều này có thể ảnh hưởng đến đồng euro và nâng giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: Vnexpress/theo Reuters, WSJ

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga