Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đưa tin, một tòa án Nga hôm 3/9 giờ địa phương, đã kết án nhà khoa học người Nga Alexander Shiplyuk 15 năm tù vì tội phản quốc và tiết lộ bí mật nhà nước cho chính quyền Trung Quốc.

1 Nhieu Khoa Hoc Gia Nga Bi Ket Toi Matxcova Lo Bac Kinh De Doa Chu Quyen Lanh Tho

Ông là người mới nhất trong số nhiều chuyên gia có liên quan đến nghiên cứu có thể áp dụng cho việc phát triển hoả tiễn siêu thanh đã bị bắt giữ trong những năm gần đây.

Ông Shiplyuk bị giam giữ tại một trại giam an ninh nghiêm ngặt sau phiên tòa xét xử kín. 

Khi bị bắt vào tháng 8/2022, Tass mô tả ông Shiplyuk là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Hai đồng nghiệp của ông là Anatoly Maslov và Valery Zvegintsev cũng bị giam giữ với tội danh phản quốc. Trong đó, ông Maslov, 78 tuổi, đã bị tuyên án 14 năm tù hồi tháng 5.

Ông Zvegintsev, 80 tuổi, đã bị các quan chức của Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ vào đầu tháng 4 năm nay vì đăng một bài báo về khí động học trên một tạp chí của Iran.

Ông Maslov và đồng nghiệp Shiplyuk đã trình bày kết quả thử nghiệm hoả tiễn siêu thanh tại hội thảo Tours ở Pháp năm 2012.

Cả ba đều khẳng định mình vô tội và nói rằng thông tin liên quan không được bảo mật và có thể được lấy miễn phí trên Internet.

Các đồng nghiệp của ba nhà khoa học tại Viện Cơ học lý thuyết và ứng dụng Khristianovich (ITAM) ở Novosibirsk đã lưu ý trong một bức thư ngỏ rằng, tài liệu được các nhà khoa học trình bày trước đây tại các diễn đàn quốc tế đã được kiểm tra nhiều lần để bảo đảm chúng không chứa thông tin bị hạn chế.

Theo báo cáo, Shiplyuk, 57 tuổi, là giám đốc Viện Cơ học lý thuyết và ứng dụng tại chi nhánh Khristianovich ở Siberia của Viện Hàn Lâm, và bị nghi ngờ chuyển thông tin bí mật cho nhân viên Trung Quốc tại một hội nghị khoa học ở Trung Quốc năm 2017.

Hai nhà khoa học Mỹ biết ông Maslov và ông Shiplyuk đã nói với giới truyền thông vào năm ngoái rằng, 2 người này đang nghiên cứu một trong những yếu tố cần thiết để chế tạo hoả tiễn siêu thanh, một quá trình bao gồm các cảm biến, định vị và tích hợp hệ thống động cơ đẩy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai ca ngợi Nga là nước dẫn đầu thế giới về hoả tiễn siêu thanh.

Hoả tiễn này được báo cáo là có thể bay với tốc độ lên tới Mach 10 (12.250 km/h) để né tránh hệ thống phòng không của đối phương.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết một số nhà khoa học Nga khác bị bắt vì tội phản quốc đã bị cáo buộc tiết lộ bí mật cho chính quyền Trung Quốc.

Cụ thể: Alexander Kuranov, cựu giám đốc Xí nghiệp nghiên cứu khoa học về hệ thống siêu thanh St. Petersburg, bị bắt vào năm 2021 và bị kết án bảy năm tù vào tháng 4 năm nay.

Roman Kovalyov, tại Trung tâm Nghiên cứu Cơ khí Chính xác Trung ương của Nga, bị kết án 7 năm tù vào năm 2020 và qua đời vào năm 2022.

Craig Hooper, cây bút cấp cao của Tạp chí Forbes và là chuyên gia về các vấn đề quân sự, từng viết rằng dù Nga bận rộn với cuộc chiến ở Ukraina, nhưng Matxcova đã tiến hành hai cuộc tập trận hoả tiễn đạn đạo chiến thuật Iskander, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc vào năm ngoái.

Cây bút Hooper chỉ ra rằng, rõ ràng, Điện Kremlin vẫn lo ngại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh có thể đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Nga.

Alexey Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), từng chỉ ra rằng, không giống như các nước phương Tây, Trung Quốc và Nga nhất quyết không liên kết.

Ông Arbatov nói: “Vì vậy, tiềm năng răn đe hạt nhân cũng tồn tại ở đây. Rất có thể một số lực lượng hạt nhân chiến lược và phương tiện hạt nhân tầm ngắn của Nga đang ngấm ngầm nhắm vào Trung Quốc”.

Tờ Financial Times trước đó trích dẫn các tài liệu bí mật bị rò rỉ cho hay, Matxcova có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đẩy lùi cuộc xâm lược của Bắc Kinh ở Viễn Đông, và ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân thấp đến mức đáng kinh ngạc.

ĐCSTQ và Nga đã ký hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác ngay từ năm 2001, trong đó cam kết sẽ không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân và không tấn công lẫn nhau bằng hoả tiễn hạt nhân chiến lược. 

Báo cáo cũng tiết lộ nhiều kịch bản khác nhau cho 29 kịch bản giả định chiến tranh được soạn thảo từ năm 2008 đến năm 2014.

William Alberque, giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, nói với hãng Financial Times rằng, “Nga tiếp tục tăng cường và diễn tập hoả tiễn có khả năng hạt nhân ở vùng Viễn Đông gần biên giới Trung Quốc, với nhiều hệ thống có khả năng tấn công nước này”.

Ngay trước thềm chiến tranh Nga-Ukraina, 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã hội đàm tại Bắc Kinh vào ngày 4/2/2022 và ra tuyên bố chung.

Tuyên bố khi đó đề cập rằng, mối quan hệ cấp nhà nước mới giữa Trung Quốc và Nga vượt qua mô hình liên minh quân sự và chính trị trong Chiến tranh Lạnh.

Tuyên bố nói, quan hệ Trung – Nga là “tình bạn không có giới hạn, hợp tác không có khu vực hạn chế”. Việc tăng cường hợp tác chiến lược không nhằm vào các nước thứ ba, cũng như không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi ở nước thứ ba hay tình hình quốc tế.

Vào tháng 5 năm nay, khi Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc, hai nguyên thủ quốc gia lại đưa ra tuyên bố chung.

Báo Sound of Hope chỉ ra rằng, so với tuyên bố hai năm trước, họ không còn đề cập đến “tình hữu nghị giữa hai nước không có giới hạn, và sự hợp tác không có khu vực hạn chế”.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga