Hàng chục nghìn người biểu tình khắp Argentina, yêu cầu chính phủ trợ cấp lương thực cho người nghèo, khi lạm phát tăng 254%.

Những người biểu tình ngày 23/2 phản đối Tổng thống Javier Milei, cho rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính quyền của ông áp dụng đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân Argentina.

1 Nguoi Argentina Bieu Tinh Phan Doi Lam Phat Hon 250

Người biểu tình ngoài Bộ Nhân lực để phản đối tình trạng khan hiếm thực phẩm tại các bếp ăn từ thiện và chính sách thắt lưng buộc bụng của Tổng thống Milei ở Buenos Aires ngày 23/2. Ảnh: AFP

Từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2023, ông Milei đã cắt giảm chi tiêu công và lần đầu đạt thặng dư ngân sách sau 12 năm tại quốc gia mà những đời tổng thống trước đã để lạm phát tràn lan, đẩy đất nước vào khủng hoảng tài chính liên tục.

Tuy nhiên, lạm phát theo năm của Argentina vẫn tăng lên 254%, giá vé xe buýt tăng gấp ba lần, trong khi chính phủ đóng băng các khoản hỗ trợ bếp ăn cho người nghèo.

"Trong vòng hơn hai tháng, chính phủ của ông Milei đã gây ra tình trạng đói nghèo cực kỳ nghiêm trọng", Alejandro Gramajo, thành viên Liên đoàn Lao động Kinh tế Phổ thông Argentina (UTEP), nói.

Người biểu tình hô vang khẩu hiệu "nói không với tăng chi phí vận chuyển", "đói nghèo không đợi ai", "nồi rỗng, ví cũng rỗng". 38.000 trung tâm phân phát suất ăn hỗ trợ người khó khăn ở Argentina nhận đợt hàng trợ cấp gần nhất từ chính phủ hồi tháng 11/2023, trước khi ông Milei nhậm chức.

Chính quyền của ông Milei tuyên bố sẽ kiểm tra nhu cầu của từng bếp, áp dụng hệ thống hỗ trợ trực tiếp, nhằm loại trừ các bên trung gian như các phong trào xã hội mà ông gọi là "những kẻ quản lý đói nghèo".

"Chúng ta không có tiền", ông Milei nói khi nhậm chức, cam kết chấm dứt tình trạng lạm chi hàng thập kỷ của các chính phủ tiền nhiệm.

2 Nguoi Argentina Bieu Tinh Phan Doi Lam Phat Hon 250

Eduardo Belliboni, lãnh đạo phong trào xã hội Polo Obrero, đối đầu cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 23/2 ở ngoài trụ sở Bộ Nhân lực. Ảnh: AFP

Tổng thống 53 tuổi đã phá giá đồng peso hơn 50%, cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong bộ máy hành chính, giảm một nửa công chức. Ông Milei cảnh báo người dân cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn, trước khi tình hình được cải thiện.

"Khi chạm đáy, chúng ta sẽ bật lên", ông nói.

Nhưng điều này đang khiến căng thẳng xã hội dâng cao ở Argentina. Lái tàu và nhân viên y tế sẽ đình công trong tuần này, tiếp theo là đội ngũ giáo viên vào tuần sau. Tuy nhiên, chính quyền của ông Milei được Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi Argentina đang vay nợ 44 tỷ USD, biểu dương vì "những hành động táo bạo để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô".

Chính phủ Argentina tuyên bố lạm phát tháng đang được kiểm soát và sẽ xuống mức một con số vào nửa cuối năm nay.

Trong cuộc gặp ngày 23/2 ở Buenos Aires với ông Milei, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng những chính sách mà Argentina đang áp dụng để ổn định nền kinh tế là "vô cùng quan trọng".

"Chúng tôi nhận thấy cơ hội đặc biệt ở Argentina", ông Blinken nói, nhấn mạnh Argentina có thể "tin tưởng" vào Mỹ trong hành trình chấm dứt khủng hoảng kinh tế.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga