Cơ quan Vũ trụ Mỹ dự định sẽ giảm bớt sự hiện diện của họ tại Nga như một nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc trước nay với quốc gia này.

Sputnik mới đây dẫn các nguồn tin trong ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ của Nga cho biết, Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định sẽ cắt giảm sự hiện diện của mình ở Nga do hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế bị thu hẹp.

132 1 Nasa Them Lan Nua Muon Tu Bo Nga

Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Nghiên cứu và Thử nghiệm Gagarin tại Moscow.

Theo đó, NASA sẽ giảm số lượng nhân viên làm việc trong các Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Nghiên cứu và Thử nghiệm Gagarin ở Zvyozdny Gorodok  - Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh Không gian có trụ sở tại Moscow.

Lý do được đưa ra là Mỹ sẽ giảm “các chuyến bay của các phi hành gia Mỹ trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga”. Do đó, NASA sẽ ngừng cho các phi hành gia và gia đình của họ thuê nhà, giảm các nhân viên phục vụ của họ tại đây. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh, việc cắt giảm không có nghĩa là họ "đóng cửa toàn bộ nhiệm vụ không gian".

Trong khi đó, một nguồn tin khác khẳng định NASA "sẽ không hiện diện thường trực" tại  Viện Các vấn đề Y tế và Sinh học của Học viện Khoa học Nga. Họ sẽ chỉ cử các chuyên gia tham vấn và tổ chức họp riêng.

Đồng thời, nhiệm vụ của NASA trong Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh Không gian sẽ hầu như không thay đổi.

Nhưng nguồn tin thứ ba của Sputnik lại nói rằng, NASA sẽ sa thải gần như toàn bộ nhân viên đang làm việc tại văn phòng trung tâm của họ ở Moscow.

Các thông tin này xuất hiện trong bối cảnh có sự thay đổi trên chính trường Mỹ và chính sách của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như sẽ đổ dồn vào các nhiệm vụ khẩn cấp quốc gia đối phó đại dịch toàn cầu thay vì duy trì tham vọng vũ trụ như chính quyền người tiền nhiệm.

Sự suy giảm các nhân viên phục vụ ở Nga của NASA có thể cũng cho thấy những hợp tác mấu chốt và hiếm hoi của hai quốc gia này sẽ bị giảm xuống, báo hiệu một thời kỳ căng thẳng mới trong quan hệ song phương.

Còn nhớ, khi nước Mỹ đã lần đầu tiên sau 9 năm chào đón sự trở lại của con tàu vũ trụ đưa người vào không gian, SpaceX đã thắp lại một lần nữa kỳ vọng giảm sự phụ thuộc vào người Nga trong các chuyến du hành vũ trụ. Người Mỹ đã tự tin có thể không còn "ngồi nhờ" tàu vũ trụ Nga để đi vào không gian và chấm dứt việc thuê các ghế ngồi vũ trụ chật chội đắt đỏ trên tàu Soyuz từ năm 2021.

Nhưng dù đã có thành công của SpaceX, đầu năm 2021 lại xuất hiện các thông tin rằng, Mỹ đã tiếp tục đồng ý mua thêm 2 ghế ngồi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

132 2 Nasa Them Lan Nua Muon Tu Bo Nga
NASA đã thuê ghế trên tàu vũ trụ Nga, chi phí hợp đồng là hơn 90 triệu USD/ghế. Ảnh minh họa: Các phi hành gia trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Giám đốc điều hành hành chương trình không gian có người lái thuộc Roscosmos - ông Serge Krikalev cung cấp cho biết, sự đồng ý của hai bên về việc cung cấp các ghế ngồi cho phi hành gia NASA đã được lên lịch từ lâu và còn diễn ra trước khi tàu vũ trụ có người lái của Mỹ gặp sự cố khiến không thể thực hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch.

Với việc ngừng thuê tàu vũ trụ của Nga, Mỹ cũng có thể có được phần nào sự độc lập khỏi chương trình vũ trụ tiên tiến của Moscow. Tuy nhiên, một trong những "cơn đau đầu" nhất là Washington vẫn tiếp tục mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga. Động cơ này được các ông lớn ngành hàng không vũ trụ Mỹ sử dụng như United Launche Alliance (ULA) - một liên minh được hãng Boeing và Lockheed Martin thành lập.

Kể từ những năm 1990, động cơ tên lửa của Nga đã được sử dụng trong hơn 80 vụ phóng không gian của Mỹ và được lắp đặt trong các tên lửa mà Mỹ sử dụng để đưa các vệ tinh quân sự, vệ tinh do thám lên quỹ đạo.

Động cơ RD-180 được sử dụng cho các tên lửa Atlas V, đảm trách nhiệm vụ phóng các bộ máy vũ trụ dành cho Không lực Mỹ cũng như thực hiện sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA.

Đông Phong

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga