Ý tưởng sử dụng một chiếc máy bay không người lái có thể phóng được vệ tinh vào quỹ đạo tưởng chừng là không thể thực hiện được...

Một công ty của Mỹ đã phát triển thành công máy bay không người lái có khả năng phóng vệ tinh. Đây có thể coi là chiếc UAV đầu tiên trên thế giới có khả năng này. Chúng có thể đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trong 180 phút.

132 1 My Uav Co The Phong Duoc Ve Tinh Len Quy Dao

Chiếc UAV của Mỹ có thể phóng, đáp ở bất cứ sân bay nào trên thế giới.

Thông báo của công ty Mỹ Aevum cho biết chiếc máy bay không người lái mang tên Ravn X có chiều dài 24,3 m, sải cánh 18,3 m và cao 5,5 m. Ravn X không phải máy bay không người lái lớn nhất thế giới. Chúng vẫn thua MQ-4C Triton của Northrop Grumman với chiều dài lên tới 39 m. Song chiếc máy bay không người lái này nặng hơn nhiều so với MQ-4C Triton, nặng tới 24,9 tấn.

Chiếc Ravn X được vận hành tự động, mang năng lực cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ khoảng 1,6 km. Điều này có nghĩa là về lý thuyết, Ravn X có thể sử dụng hầu như bất kỳ sân bay nào đang hoạt động trên thế giới làm bệ phóng và hạ cánh.

Khi Ravn X lên đến độ cao thích hợp, tên lửa hai tầng mà nó mang theo sẽ rơi khỏi bụng chiếc máy bay, bốc cháy trong khoảng nửa giây và phóng tiếp đến quỹ đạo.

Aevum cho biết, 95% phương tiện phóng sẽ có thể được tái sử dụng, nhưng để bắt đầu, khoảng 70% có thể được sử dụng lại.

Khi Ravn X giao hàng xong, nó chỉ cần hạ cánh và quay trở lại vị trí để chuẩn bị cho một lần phóng khác. Mất khoảng 3 tiếng để nó bắt đầu một vụ phóng và chuẩn bị cho lần phóng tiếp theo.

Đây lại là một trong những tham vọng chưa từng thấy của họ, lần đầu tiên có một máy bay không người lái có thể phóng thành công một vệ tinh.

Aevum nhấn mạnh công nghệ này tạo điều kiện để phóng vệ tinh lên quỹ đạo không cần phi công, tên lửa lớn hoặc bệ phóng, giảm thiểu rủi ro với con người.

Ravn X có thể vận chuyển vệ tinh có trọng lượng 500 kg mà không cần cơ sở hạ tầng đắt đỏ. Aevum giải thích việc hình thành máy bay không người lái có thể cất cánh, phóng rocket và tự hạ cánh sẽ cần một hệ thống thông minh tự vận hành toàn cầu. Bên cạnh đó, Aevum cũng nhấn mạnh khi nhu cầu tăng cao, công ty có thể phóng vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất trong 180 phút.

Máy bay không người lái này sử dụng nhiên liệu thông thường, giống như máy bay thương mại và có thể cất cánh và hạ cánh trong hầu hết mọi thời tiết, theo nhà sáng lập kiêm CEO Aevum Jay Skylus.

Theo Business Insider, công ty khởi nghiệp không gian này đã đi trước các công ty chế tạo máy bay không người lái khác vì nó gần đây đã được Không quân Mỹ tài trợ. Họ đã có khách hàng, bao gồm các hợp đồng với chính phủ Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD.

Nhiệm vụ đầu tiên của Aevum là phóng vệ tinh nhỏ ASLON-45 cho lực lượng Không gian Mỹ (UASF). UASF đã ký hợp đồng với Aevum để thực hiện sứ mệnh mới của mình có tên Agile Small Launch Operational Normalizer 45 (ASLON 45), nhằm mục đích bay các vệ tinh thử nghiệm có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa của đối phương.

Ngoài ra, Aevum còn có một hợp đồng khác là thực hiện 20 sứ mệnh trong 9 năm với Trung tâm Hệ thống Tên lửa và Không gian của Không quân Mỹ. Theo Skylus, công ty khởi nghiệp này đã bắt đầu cung cấp Aevum nối tiếp cho khách hàng.

Chiếc máy bay không người lái này có thể là một công cụ đắc lực cho Mỹ viết tiếp tham vọng chinh phục và độc bá vũ trụ của họ.

 

Hải Lâm

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga