Mỹ và các nước châu Âu cùng phản đối hành vi “gây hấn và ép buộc” của Bắc Kinh, vài ngày sau khi công bố những biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc ở Tân Cương.

Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 24/3 cho biết ông muốn cùng các đối tác của Mỹ “thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung, đối phó với một số hành động gây hấn và ép buộc của Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết quốc tế của mình”, theo AP.

Ông Blinken vừa đạt được đồng thuận với các quan chức cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) trong tổ chức đối thoại EU - Mỹ về Trung Quốc “để thảo luận toàn bộ các thách thức và cơ hội liên quan”.

132 1 My Eu Nato Len An Trung Quoc Hanh Xu Gay Han Ep Buoc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP.

“Chúng tôi có chung những đánh giá về vai trò của Trung Quốc như một đối tác, một nước cạnh tranh, một đối thủ mang tính hệ thống”, Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, nói với các phóng viên sau cuộc gặp ông Blinken ở Brussels.

Trước đó, ở trụ sở NATO, ông Blinken nói “khi chúng ta hành động cùng nhau, chúng ta mạnh hơn và hiệu quả hơn so với khi chỉ hành động một mình”. Ông chỉ ra rằng Mỹ chiếm 25% GDP toàn cầu, nhưng nếu tính cả các đồng minh ở châu Âu và châu Á sẽ chiếm 60%.

“Nếu vậy, Bắc Kinh sẽ khó làm ngơ”, ông nói.

Hôm 22/3, Mỹ, EU, Anh và Canada đưa ra các động thái phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với một nhóm các quan chức Trung Quốc ở Tân Cương. Trung Quốc trả đũa bằng việc trừng phạt 10 người châu Âu, bao gồm các nghị sĩ và học giả, và bốn tổ chức.

Trung Quốc phủ nhận cáo buộc vi phạm nhân quyền, mà nói các trung tâm ở Tân Cương là nhằm đào tạo nghề và cải tạo những người tiếp xúc với tư tưởng cực đoan, theo AP.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Sau các hành động ngày càng táo bạo của Trung Quốc những năm qua, khối 27 nước châu Âu này đã tìm cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các quan ngại về nhân quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Hai bên ký được thỏa thuận đầu tư lớn hồi tháng 12/2020, trao cho doanh nghiệp châu Âu quyền tiếp cận thị trường ngang với các doanh nghiệp Mỹ. Thỏa thuận này dẫn tới lo ngại rằng EU có thể đang đem lại cho Trung Quốc chút lợi thế trước sức ép của Mỹ.

Nhưng ông Blinken nói “Mỹ sẽ không ép buộc các đồng minh phải chọn lựa ‘hoặc là chúng tôi, hoặc là họ’ trong vấn đề Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo về hành vi đe dọa của Bắc Kinh, nhưng cũng nói các nước vẫn có thể hợp tác với Trung Quốc khi có thể, chẳng hạn về các thách thức chung như biến đổi khí hậu hay an ninh y tế.

Về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc, ông Blinken cho rằng Trung Quốc có “các nỗ lực đe dọa tự do hàng hải, quân sự hóa ở Biển Đông, nhắm đến các nước trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng tiềm lực quân sự ngày càng tinh vi”.

“Tham vọng quân sự của Trung Quốc đang tăng lên mỗi năm”, ông cảnh báo.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói khối này “không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng tất nhiên sự trỗi dậy của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của chúng ta”. Ông cho biết Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị quân sự, bao gồm các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

“Quan trọng hơn là việc Trung Quốc không có chung các giá trị với chúng ta”, ông Stoltenberg nói thêm.

Theo: ZING.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga