Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã nâng cảnh báo về mối đe dọa từ Nga lên mức cao nhất sau khi căng thẳng ở miền đông Ukraine leo thang thời gian gần đây.

Trong 2 tuần qua, Nga đã thử thách chính quyền Tổng thống Biden cũng như các đồng minh của Washington trên đất liền, trên không và trên biển qua việc tăng cường các thiết bị quân sự ở miền đông Ukraine, tiến hành các chuyến bay quân sự gần không phận Alaska và các hoạt động tàu ngầm ở Bắc Cực.

Những động thái trên đã khiến Washington đặt trong tình trạng báo động.

132 1 Lo Nga Tang Cuong Luc Luong O Dong Au Lau Nam Goc Nang Canh Bao Len Muc Cao Nhat

Lầu Năm Góc. Ảnh: Reuters

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nhận định hôm 31/3 rằng: "Tôi nghĩ chúng ta hiểu rất rõ mối đe dọa từ những gì chúng ta chứng kiến từ Nga trên các lĩnh vực. Chúng tôi rất nghiêm túc về vấn đề này".

Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao các hoạt động của Nga sau khi căng thẳng leo thang giữa lực lượng ly khai được Nga ủng hộ với binh lính Ukraine ở miền đông nước này, làm sụp đổ lệnh ngừng bắn mà 2 bên đạt được vào mùa hè năm ngoái.

20 binh lính Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ đầu năm 2021. Hai bên đã giao tranh từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Theo The Hill, vào cuối tháng 3/2021, 3 tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân của Nga đã phá hủy một vài khối băng ở Bắc Cực trong một cuộc tập trận quân sự giữa bối cảnh điện Kremlin tăng cường phòng thủ ở Bắc Cực.

Quan ngại trước hành động của Nga, Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Đặc biệt, các động thái ở Ukraine của Nga đã khiến các lãnh đạo an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Biden phải tiến hành điện đàm với những người đồng cấp Ukraine và các lãnh đạo khu vực khác.

Tất cả các quan chức Mỹ đều cam kết sẽ đứng về phía Ukraine. Tuy nhiên, hôm 2/4, Nga đã cảnh báo NATO về việc đưa quân tới Ukraine, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể làm leo thang căng thẳng và Nga buộc phải phản hồi.

"Rõ ràng, kịch bản như vậy sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng gần biên giới của Nga. Dĩ nhiên, điều này sẽ cần nhiều biện pháp hơn từ Nga để đảm bảo an ninh của mình", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với báo giới

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy phương Bắc, Tướng Không quân Glen VanHerck nhận định, diễn biến trên có thể khiến Mỹ và Nga quay trở lại "cạnh tranh nước lớn" giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh./.

Nguồn: VOV.VN

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga