Việc gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang tàn phá đối với chính EU.

Trao đổi với báo giới ngày 5/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đang tàn phá đối với chính EU.

Theo bà Maria Zakharova bản thân EU đã thừa nhận thực tế rằng, lệnh trừng phạt Nga đang gây hại cho liên minh châu Âu, nhất là khi họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, Brexit là một ví dụ.

“Gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do áp lực từ Washington, đặc biệt là về vấn đề hợp tác năng lượng với Nga, là phản tác dụng đối với chính EU”, bà nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Nga vẫn coi các lệnh trừng phạt của EU là bất hợp pháp. “Dù sao đó vẫn là quyết định của EU, dù cho (quyết định đó) Washington đã gây áp lực. Tôi nghĩ họ nên tự trả lời cho câu hỏi, tại sao lại cần nó (lệnh trừng phạt) và nó sẽ tiếp tục trong bao lâu, chúng tôi sẽ không can thiệp vào việc này”.

426 1 Lenh Trung Phat Nga Tan Pha Eu Mua Dong Dang Toi
EU đang phải chịu thiệt hại to lớn khi phải “khiên cưỡng” áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

Thực tế, các lệnh cấm vận đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Nga, khiến nước này gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng giúp Moscow đẩy mạnh sản xuất trong nước, qua đó tự chủ về kinh tế, giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế khác trên thế giới.

Thậm chí, ngay cả trong ngành dầu khí – được coi là xương sống của nền kinh tế Nga cũng đã thay đổi. Mới đây Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Oreshkin khẳng định, nền kinh tế Nga sẽ không chịu áp lực ngay cả khi giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng.

“Nếu nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không nghiêm trọng như trước đây. 60 USD/thùng là mức chuẩn mà chúng tôi có thể đầu tư vào các dự án mới, và phát triển chúng.

Nếu giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng có thể sẽ làm phức tạp nhiều vấn đề, song ngay cả với mức giá này, chúng tôi sẽ không gặp áp lực nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế trong nước”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Oreshkin nói thêm rằng, giá dầu giảm không khiến nền kinh tế Nga rơi vào thảm họa. Bất chấp cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia mà Nga không phải là ngoại lệ.

“Nền kinh tế của chúng tôi được bảo vệ bởi các cải cách kinh tế ở tầm vĩ mô trong nhiều năm qua. Đó là lý do tại sao giá dầu giảm từ 70 USD/thùng xuống còn 60 USD/thùng mà không gây áp lực lên tình hình kinh tế trong nước. Sẽ không có bất kỳ thảm họa nào xảy ra”, ông Oreshkin nhấn mạnh.

Trong khi đó, EU đang phải chịu thiệt hại to lớn khi phải “khiên cưỡng” áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Các quốc gia phương Tây từng thừa nhận thiệt hại của các lệnh trừng phạt và đáp trả trừng phạt khiến các nước trong khối EU thiệt hại lên tới hơn 200 tỷ USD.

Hồi cuối tháng 6, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nga – Đức Matthias Schepp dẫn số liệu cho thấy các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga đã khiến các công ty Đức hoạt động tại Nga thiệt hại hàng tỷ euro.

“Có hơn 4.500 công ty Đức hoạt động tại Nga và nền kinh tế Đức đều chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Mỹ. Có thể tính toán được các tổn thất do Mỹ mang tới gây ảnh hưởng tới họ lên tới vài tỷ euro”, ông Schepp nói trong cuộc họp báo.

Phòng Thương mại Nga- Đức cho biết, 87% thành viên của họ muốn Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Nga bằng cách tham dự nhiều sự kiện kinh tế ở nước này.

“Các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng, không phục vụ mục đích chính trị của Mỹ và của châu Âu, đồng thời gây hại cho EU trong dài hạn”, đại diện Phòng Thương mại Nga- Đức nhấn mạnh.

Không chỉ Đức, Lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia, Nghị sĩ Quốc hội Pháp Marine Le Pen hồi tháng 3 cho biết, ác lệnh trừng phạt chống Nga đã mang đến kết cục thảm hại đối với nền kinh tế châu Âu và giờ đây EU có thể lặp lại sai lầm này với Vương quốc Anh trong cuộc ly hôn lịch sử- Brexit.

“Hãy nhớ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Chúng ta muốn trừng phạt người Nga và hậu quả của nó thật là tai hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế EU”, bà Le Pen nói.

Ngoài các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, chịu tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt Nga, các thành viên khác của EU cũng đang phải gánh chịu hệ quả đau đớn này. Mùa đông đang đến, khi đó EU sẽ thấu hiểu được nỗi đau khi “miễn cưỡng” trừng phạt Nga.

Thống kê trong năm 2018 cho thấy, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu 2,7 triệu mét khối (bcm)/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với lượng LNG mà EU nhập khẩu từ Nga với 4,43 triệu bcm/năm.

Thục Quyên

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga